Học giỏi không quan trọng bằng sự trưởng thành trong nhận thức và hành động của con

10/05/2017 - 14:47

PNO - Những thành quả mình đạt được bằng năng lực thực sự mới đáng trân trọng. Bởi sau này, con sẽ gặp nhiều thử thách trong cuộc sống, nếu cứ mãi ảo tưởng về năng lực của mình thì khó lòng vượt qua.

Mấy ngày nay, mẹ thấy con ủ ê buồn bã, về nhà là lên thẳng phòng. Hỏi chuyện thì con chỉ nói: “Con hơi mệt thôi, không sao mẹ à”. Mẹ cố gắng nhớ lại xem dạo này có chuyện gì xảy ra không, nhưng chẳng thể phát hiện ra điều gì bất thường cả.

Chỉ đôi lần, con cứ hỏi bâng quơ: “Nếu năm nay con không đạt học sinh giỏi thì sao hả mẹ?”. Mẹ trả lời không đắn đo: “Thì mẹ buồn lắm chứ sao”. Bởi mẹ biết con khá nhạy cảm, sợ làm mẹ buồn mà lấy đó làm động lực để cố gắng học hành. 

Hoc gioi khong quan trong bang su truong thanh trong nhan thuc va hanh dong cua con
Ảnh minh họa

Thế nên, mẹ âm thầm kiểm tra điểm học của con qua mạng. Kết quả cho thấy, mặc dù những môn con chọn thi đại học thì điểm rất cao nhưng điểm tổng kết chỉ suýt soát được học sinh giỏi.

Lần này, mẹ chắc chắn con buồn chỉ vì chuyện này đây. Mẹ định buổi tối sẽ nói chuyện với con nhưng trong bữa cơm, con bất ngờ hỏi: “Trên đời này có sự công bằng không hả mẹ?”. Mẹ trả lời: “Tất nhiên là có, nhưng không phải trong mọi chuyện”.

Con tiếp: “Thế là không phải tuyệt đối, nếu mình chịu nhục một tí để đạt được điều mình muốn thì có nên không hả mẹ?”. Mẹ thấy hốt hoảng trước những thắc mắc đầy triết lý của con. Để chuyển hướng vấn đề, mẹ hỏi lại: “Có phải con muốn nói đến chuyện ở lớp không?”.

Gương mặt con bừng sáng vì đã thành công trong việc dẫn dắt vào câu chuyện “khó nói” của mình. Con bảo: “Đúng mẹ à, có mấy bạn học thua con mà vẫn được học sinh giỏi đó”. Mẹ nghiêm mặt: “Nghĩa là con không được, nếu thế thì con phải xem lại mình chứ sao lại đi so sánh với các bạn khác, còn suy diễn về chuyện công bằng hay không”. 

Con có vẻ cụt hứng, im lặng, không muốn giải thích gì thêm. Bữa cơm hôm ấy kết thúc khá nặng nề. Phản ứng của mẹ lúc ấy trái với dự kiến, bởi mẹ định nếu con thông báo không được học sinh giỏi thì mẹ và con sẽ cùng phân tích nguyên nhân, động viên con cố gắng. Thực sự, điều làm mẹ bất ngờ chính là cách nhìn nhận vấn đề của con.

Hoc gioi khong quan trong bang su truong thanh trong nhan thuc va hanh dong cua con
Ảnh minh họa.

Mẹ từng dạy con rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải xem xét bản thân trước chứ đừng đổ lỗi cho người khác. Bởi thế, ngay khi con còn nhỏ, mẹ đã phản đối khi thấy bà ngoại “mắng” bàn ghế, bờ tường, cục đá vì “tội” làm con ngã. Mẹ muốn khi lớn lên, con sẽ trở thành một chàng trai sống có trách nhiệm, dám nói dám làm, biết nhìn nhận điều mình sai mà sửa đổi.

Có lẽ, chuyện này sẽ trôi qua trong im lặng, lòng mẹ mãi nặng trĩu một nỗi lo vì cách suy nghĩ có phần thiếu trách nhiệm của con. Cho đến một hôm, mẹ tình cờ gặp cô Hoa – bạn thân của mẹ. Cô Hoa cũng là giáo viên giảng dạy trong trường mà con đang theo học.

Qua câu chuyện của cô ấy, mẹ mới biết, lớp con lúc đầu chỉ có 15 bạn học sinh giỏi, còn điểm suýt soát giỏi khoảng năm bạn, trong đó có con. Nhưng sau đó, ba bạn khác được nâng lên đủ điểm giỏi, chỉ có con và một bạn khác giữ nguyên kết quả.

Cô ấy còn bảo: “Em hỏi cháu, có cần cô can thiệp không nhưng cháu nhất quyết không vì như vậy không đúng thực chất”. Mẹ nghe cô Hoa kể mà lặng người. Xâu chuỗi lại tất cả, mẹ hiểu ra ý định thực sự của con trong câu chuyện tối hôm trước. Cách xử lý vấn đề của con quả không phụ công mẹ rèn giũa bấy lâu. Mẹ đã quá vội vàng phán xét mà không kiên nhẫn để lắng nghe những gì con định nói.

Con trai à, con đừng mãi băn khoăn “nếu con không đạt học sinh giỏi” thì sao nữa nhé! Đối với mẹ, điều ấy không quan trọng bằng sự trưởng thành trong nhận thức và hành động của con. Mẹ sẽ chẳng vui vẻ gì khi biết con đạt thành tích bằng cách xin xỏ hay dùng nước mắt để mong người khác cảm thương.

Những thành quả mình đạt được bằng năng lực thực sự mới đáng trân trọng. Bởi sau này, con sẽ gặp nhiều thử thách trong cuộc sống, nếu cứ mãi ảo tưởng về năng lực của mình thì khó lòng vượt qua. 

Mẹ đang nợ con trai một lời xin lỗi mà mẹ chưa biết phải nói ra bằng cách nào. Thế mới biết, sự đắn đo, do dự của con khi tìm cách nói điều không mong muốn với mẹ. Giá như mẹ bình tĩnh hơn, có lẽ “gánh nặng” tâm lý của con đã được giải tỏa một cách nhẹ nhàng hơn.

 Lam Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI