Trong các nhà sách, thư viện hay trên mạng xã hội, bạn có thể tìm được nhiều cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con cái. Thế nhưng sách dạy con cái cách chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật lại chẳng có cuốn nào.
|
Ảnh minh họa |
Hơn hai năm qua, từ khi ba mất, tôi chuyển về ở cùng để chăm sóc má và mỗi ngày tôi phải dần học kỹ năng chăm sóc người già. Vẫn biết “một già một trẻ bằng nhau”, thế nhưng khó mà chấp nhận được ngay rằng người đang ngồi trước mặt bạn kia - là ba, là mẹ bạn - đang nhõng nhẽo không chịu ăn thêm một miếng cháo, nhăn nhó, rớm nước mắt khi bạn đi làm và òa khóc khi bạn nói bạn đi chơi, đi công tác.
Người đó, trong mắt bạn, có bao giờ như thế đâu. Bao năm qua, đó là một tượng đài về sự mạnh mẽ, quả cảm, đã vượt bao giông tố, thử thách của cuộc đời để nuôi bạn lớn khôn kia mà.
Cha mẹ đã bao lần là nơi bạn tìm về khi đôi chân mỏi mệt, khi trái tim tan nát và cả những khi túi tiền cạn kiệt. Bây giờ, người lớn tuổi ấy lại nhỏ bé, gầy yếu, mỗi ngày một trẻ con hơn, nhõng nhẽo hơn.
Tôi vẫn hiểu yêu thương vốn chẳng cần sách vở. Chỉ tình yêu thương mới cho bạn đủ sức lực và kiên nhẫn chăm sóc một đứa trẻ hay một người già. Nhưng khi chăm sóc con, ta có bản năng làm mẹ, tình thương sẽ tự do phát tác để bạn kiên nhẫn ngồi hàng giờ đút cho chúng một chén cháo, thậm chí quát mắng hay tệ hơn là tét đít.
|
Ảnh minh họa |
Thế nhưng, để kiên nhẫn đút cơm, dỗ dành một người già ăn lại khác. Bạn cần kiên nhẫn và bình tâm hơn cả trăm lần. Bạn không thể quát mắng hay biểu hiện quyền lực với cha mẹ mình.
Người già cũng giống trẻ con - chẳng thích ở một mình. Trẻ thì vì sợ hãi, người già thì vì cô đơn. Nỗi cô đơn đó, tôi nghĩ, có khi chỉ là một biểu hiện nhõng nhẽo của má. Nhưng để má ở nhà một mình một ngày, với mâm cơm dọn sẵn trên bàn, tôi đã chứng kiến má hoảng hốt thế nào. Và tôi hiểu, nguy hiểm không phải đến từ những bậc thềm mà từ những khoảng trống cô đơn.
Ngồi đút cơm cho má, tôi đã nhiều lần bỏ qua cơn buồn ngủ muốn gục của mình, bỏ qua cơn đau lưng, bỏ cả nỗi bực bội hay ngán ngẩm khi phải thương lượng, nài nỉ bà ăn. Tôi tự nhắc mình: ngày xưa, má cho mình ăn cũng cực như vậy. Khi bước ra cửa đi làm, đi chơi cùng bạn bè hay đi du lịch, tôi lại tự nhắc mình về nỗi ngóng đợi của một người già.
Tôi tự nhắc mình rằng ngày xưa, má là tất cả thế giới của mình. Cứ thế, trong những mệt mỏi, muộn phiền của cuộc mưu sinh, tôi luôn lấy đó làm câu thần chú yêu thương để kiên nhẫn hơn nữa: mình cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian bên má, chăm sóc má nữa.
Bài học yêu thương mà ai cũng biết (dù chẳng phải ai lúc nào cũng thực hành được và thực hành tốt) chưa phải là những điều lớn nhất tôi học được. Đến nhà tôi chơi bất thần, khéo có người nghĩ tôi “bạc đãi” mẹ.
Cô em dâu tôi từng chăm mẹ già hơn 10 năm đau bệnh, luôn dặn: “Má còn tự xúc ăn được, chị đừng đút má ăn. Má còn tự đi lại được, chị đừng bắt má nằm một chỗ. Hãy để cho má tự vận động, tự cầm nắm, tự xoa bóp cho mình thì chân tay má mới linh hoạt. Hãy trò chuyện với má thật nhiều, để đầu óc má được làm việc chứ không rơi vào trạng thái thức thức ngủ ngủ quá sớm”. Tôi phải từ từ tập “buông” má ra, “thả” cho má vận động.
Có lần, tôi đi làm về, mệt mỏi; má cầm chai dầu như bửu bối, nói: “Má xoa cái đầu cho con nhé”. Nhìn má tỉ mỉ lấy từng ngón tay nhỏ chấm dầu, xoa lên thái dương tôi, rồi bóp bóp - lực nhẹ hều, chẳng đủ khiến sợi dây thần kinh nào động đậy - tôi thương vô cùng.
Khuôn mặt má bừng sáng khi tôi nói: “Con đỡ rồi. Hết đau rồi”. Tôi muốn má nghỉ ngơi. Nhưng má lại giữ khư khư chai dầu trong túi, chốc chốc lại hỏi: “Con cần má xoa dầu nữa không?”. Tôi chợt nhận ra rằng, dù có bao nhiêu tuổi, cha mẹ cũng vẫn cứ muốn được trở thành người có ích cho con cái, được cảm thấy con cái vẫn cần đến mình, được chăm sóc chúng bằng tình yêu thương vô bờ bến.
Và mỗi lần mệt mỏi, buồn phiền, tôi lại nằm dài ra, nhờ “má thoa cho con chút dầu”, để được nhìn má lăng xăng móc chai dầu trong túi, bôi nhè nhẹ vào thái dương tôi, khiến mắt tôi cay xè - không biết vì má bôi dầu sai chỗ hay vì cảm động.
Bao ngày chăm sóc má là bấy nhiêu ngày tôi phải từ từ học những bài học yêu thương, kiên nhẫn, bài học cho và nhận. Nhiều khi tôi cũng sai lầm, lơ đãng, cũng bỏ qua và rồi hối hận. Tôi cứ tự hỏi, sao chẳng có sách nào dạy ta chăm sóc mẹ cha cho thật cụ thể, thật rõ ràng.
Khánh Chi