Trẻ dễ hóc dị vật khi vội vã ăn lén bánh mứt tết
Ngồi chăm cháu sau ca nội soi lấy hạt đậu phộng rang ra khỏi đường thở, bà Đỗ Thị An (62 tuổi, ở Đồng Nai) cho biết, cháu gái Đ.T.H.P. 23 tháng tuổi đang ăn đậu phộng thì người nhà dùng cây kim khâu đâm vào ngón tay của bé để gỡ dằm ra. Bị đau bất ngờ, bé khóc thét khiến hạt đậu phộng rơi vào đường thở.
Thấy bé ho sặc sụa, tím tái, thở rít từng cơn, ói ra đàm nhớt, người nhà chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh sơ cứu và tiếp tục chuyển lên TP.HCM điều trị.
Bác sĩ CKI Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cảnh báo: "So với ngày thường, trẻ bị hóc dị vật đường thở tăng khoảng 40% khi tết về, nhất là trẻ có độ tuổi 2-3 tuổi, hay ngậm đồ ăn, phản xạ hầu họng chưa tốt.
Trẻ đang ngậm hạt, dù trẻ khóc la, cười giỡn, té ngã cũng nhiêu nguy cơ bị hóc dị vật đường thở. Số lượng trẻ bị hóc dị vật đường thở tăng cao, chủ yếu là hạt dưa, hạt bí, đậu phộng, hạt hướng dương, đậu nành sấy".
Về cơ bản, các loại hạt này rất tốt cho sức khỏe nhưng do đường kính của chúng dưới 1cm rất dễ làm cho trẻ bị hóc. Những hạt này không may hít thẳng hạt vào phổi dễ tử vong ngay nếu không được cấp cứu kịp thời.
|
Mẫu dị vật trẻ thường bị hóc được trưng bày tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có trường hợp trẻ được đưa vào bệnh viện tái tím không thể cứu chữa. Đặc biệt, từ mùng 1 tết trở đi, phụ huynh hay dọn đồ ăn la liệt trên bàn đón khách mà không quan sát con trẻ với các loại thức ăn này sẽ rất nguy hiểm".
Hóc đường thở là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất đối với trẻ em trong mùa tết |
Khi trẻ đang ăn, chơi đùa đột nhiên bị sặc, mặt tím tái, thở dốc và ngất xỉu khả năng trẻ đã bị hóc dị vật.
Tùy theo độ tuổi của trẻ, người thân sẽ dùng những phương pháp thích hợp cấp cứu ngay vì tính mạng của trẻ được tính từng giây.
Với trẻ dưới 2 tuổi, nên cho trẻ nằm ngửa, đầu thấp hơn thân. Thực hiện phương pháp ấn ngực, vỗ lưng. Với trẻ lớn hơn, nên ẵm trẻ lên, ép bụng mạnh đột ngột để tăng áp lực trong đường thở và tống dị vật ra ngoài.
Nhưng nếu dị vật bị kẹt lại, hơi thở trẻ tăng lên, dồn dập, sau đó ngưng thở, tím tái, thậm chí ngất xỉu. Lúc này, gia đình bình tĩnh và sơ cứu ngay lập tức. Nếu không, trẻ có thể tử vong trong tích tắc.
|
Càng gần đến tết, phòng cấp cứu của bệnh viện càng đông bệnh nhi |
Trẻ tự nhét hạt vào mũi, tai
Bên cạnh đó, bác sĩ Phương cho biết việc trẻ tự nhét hạt đậu nành vào mũi và tai cũng rất hay gặp. Bệnh nhi nhập viện chủ yếu trẻ tầm 3-4 tuổi, tò mò, khám phá, chúng nghĩ ra nhiều trò chơi, hành động mà người lớn không thể ngờ tới. Trong đó, trẻ tự nhét dị vật vào mũi, tai dường như là… sở thích, mùa tết như trở thành dịp để trẻ thực hiện các hành vi này.
Thông thường, khi trẻ bị chảy nước mũi, người nhà sẽ nghĩ do cảm cúm. Trong khi nếu như bị cảm, nước mũi chỉ chảy ra 2 bên mũi; còn nếu trẻ có biểu hiện khó thở, nước mũi chỉ chảy ra ở một bên phải nghi ngờ ngay đến việc trẻ tự nhét hạt vào mũi gây nên tình trạng trên.
Cách đơn giản nhất để nhận biết trẻ có nhét dị vật vào mũi hay không, người nhà có thể lấy một chiếc thìa kim loại đặt trước mũi bé, quan sát luồng khí đi ra từ mũi biểu hiện trên thìa.
Nếu vết ố do khí tạo nên chỉ xuất hiện ở một phía, thì rất có khả năng trẻ đã nhét dị vật vào trong mũi. Lúc này, mũi sẽ nghẹt hẳn, trong vòng 24 tiếng, mũi có dị vật sẽ bị mùi rất hôi. Để lâu sẽ gây nên nhiễm trùng, hoại tử bên trong mũi, tổn thương rất nặng nề.
|
Bé chỉ mới 1 tuổi nhưng đã nhập viện vì tai nạn đường thở |
Người thân nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám, không tự ý lấy dị vật ra ngoài khi không có thiết bị phù hợp xử lý, càng cố gắng lấy ra, càng vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn.
Bác sĩ Phương khuyến cáo: “Ngoài cha mẹ, bất kỳ ai cũng đừng chần chừ khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật, vì sau 4 phút không lấy được dị vật ra ngoài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tính mạng. Trẻ ngưng tim hơn 10 phút rất khó cứu chữa, nếu cứu được, nguy cơ trẻ phải sống đời thực vật rất cao”
Cách xử lý khi bé bị hóc thức ăn ngay tại nhà:
Với trẻ dưới 2 tuổi: vỗ lưng ấn ngực
Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất, giữu chắc để trẻ không bị tuột xuống phía dưới. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
Với trẻ trên 2 tuổi: ép bụng ( phương pháp Heimlich)
Nếu trẻ còn tỉnh, để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước, vị trí ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn 5 cái thật mạnh theo hướng theo hướng từ dưới lên trên, ấn mạnh và liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này nhiều lần nữa.
Nếu trẻ đã hôn mê và ngưng thở, trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái, nhồi tim cho trẻ. Sau đó, đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu đặt 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh 5 cái liên tiếp theo hướng từ dưới lên trên.
Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra.
Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí. Bằng mọi cách không thể lấy dị vật ra ngoài, nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và gắp dị vật ra.
Trong lúc đi, để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng. Không can thiệp bất kỳ hành động nào vì di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột.
|
Phạm An