Học được gì qua thực hành hoạt động trải nghiệm... trong vở?

14/09/2020 - 07:28

PNO - Từ năm học 2020-2021, hoạt động trải nghiệm trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục, bắt đầu từ học sinh lớp Một. Song, điều đáng nói là bên cạnh sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm còn có Vở thực hành hoạt động trải nghiệm. Có nghĩa học sinh sẽ thực hành hoạt động trải nghiệm… trong vở.

Thực tế, không chỉ với học sinh (HS) lớp Một đang bắt đầu những bài học đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới, được tham gia những tiết học “hoạt động trải nghiệm” mà ở nhiều trường tiểu học, gần đây, HS cũng đã được làm quen với hoạt động này. Riêng tại Hà Nội, nhà trường liên kết với một đơn vị cung cấp bài giảng về các hoạt động trải nghiệm. Mỗi giáo viên sẽ có một tài khoản để truy cập và dạy theo giáo trình của đơn vị đó. HS được học mỗi tuần một tiết. 

Học sinh lớp Một thực hành hoạt động trải nghiệm... trong “vở”
Học sinh lớp Một thực hành hoạt động trải nghiệm... trong “vở”

Song từ năm học 2020-2021 này, hoạt động trải nghiệm sẽ trở thành môn học bắt buộc trong chương trình - bắt đầu từ học sinh lớp Một. Ví dụ, trong một tiết học của tuần học đầu tiên (theo sách giáo khoa (SGK) Cánh diều), HS sẽ được làm quen với hoạt động “Sinh hoạt dưới cờ”, khám phá môi trường mà các em “ngày hai buổi đến trường” (gồm tham quan trường học, chia sẻ cảm xúc về mái trường, chơi trò cùng về đích). Ở tiết hoạt động trải nghiệm thứ hai (thuộc tuần học thứ hai) là “Xây dựng đôi bạn cùng tiến”, “làm quen với bạn mới” và “Hát về tình bạn”…

Một giáo viên dạy lớp Một của tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Trước đây, SGK là “pháp lệnh”, dạy HS phải theo đúng sách. Nhưng với chương trình mới, SGK là chất liệu, giáo viên cũng được sáng tạo. Điều này đặc biệt hiệu quả với môn hoạt động trải nghiệm. Việc giảng dạy cho HS mới là tiếp cận thực tế, được một tuần; còn trước đây tập huấn thì cũng nắm bắt được nội dung, phương hướng, mục tiêu, mục đích thôi”. Điều đáng nói là bên cạnh SGK Hoạt động trải nghiệm còn có Vở thực hành hoạt động trải nghiệm. Có nghĩa HS sẽ thực hành hoạt động trải nghiệm… trong vở. 

Với bài 2 - Làm quen với bạn mới (thuộc chủ đề 1: Trường tiểu học). Ở hoạt động 1, “vở” đưa ra 8 ô ghi đặc điểm, HS được yêu cầu tô màu vào ô chữ phù hợp với đặc điểm của bạn ngồi cùng bàn, thay vì quan sát và miêu tả bạn bằng lời. Hoạt động 3 đưa ra tình huống một bạn làm dính mực vào áo bạn bên cạnh và đưa ra ba tình huống để HS lựa chọn… Liệu, việc thực hành hoạt động trải nghiệm bằng cách đánh dấu hay lựa chọn đáp án có đúng với tính chất của “thực hành”? Và có đang giới hạn HS vào những điểm có sẵn? Nếu HS miêu tả bạn không giống với đặc điểm nào có trong vở, chọn tình huống ứng xử không giống với tình huống nào “vở” đưa ra, thì sao?

Thêm vào đó, với HS lớp Một, Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức cũng có “vở” bài tập, “vở thực hành” như môn tiếng Việt hay toán, được gọi là sách bổ trợ. Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ thẩm định SGK, không thẩm định sách tham khảo cũng như các loại sách bổ trợ như vở bài tập, vở thực hành. Có nghĩa, ngay cả “vở” bài tập toán, “vở” bài tập tiếng Việt cũng không nằm trong danh sách các loại sách được Bộ GD-ĐT thẩm định, kiểm tra. Mà những loại sách bổ trợ này do nhà xuất bản, tác giả, biên tập chịu trách nhiệm nội dung. Điều này rất vô lý và bất cập.

Nếu “vở bài tập”, “vở thực hành” không nằm trong danh mục bắt buộc phải có; thì ví dụ trong một lớp, có những HS không mua sách bổ trợ, khi giáo viên hướng dẫn làm bài trong Vở thực hành hoạt động trải nghiệm chẳng hạn, các em sẽ phải làm thế nào - khi mà vở của các em chỉ là những trang giấy trắng, không có bất cứ đặc điểm nào của bạn ngồi cạnh đã được liệt kê trong từng ô, cũng như không có bất kỳ tình huống đưa ra sẵn nào để các em chọn lựa (chưa kể HS lớp Một chỉ học chữ, học số, học ghép vần…)?

Trở lại với hoạt động trải nghiệm nói chung của HS tiểu học. Từng có một cô giáo (TP.Hà Nội) tâm huyết với nghề, với học trò đưa ra ý kiến trước các đồng nghiệp rằng, dạy kỹ năng cho HS là điều đương nhiên phải làm, cần làm và nên làm của giáo viên. Vậy thì tại sao còn liên kết với bên ngoài để “mua” bài giảng của họ và thu tiền của HS hằng tháng? 

Có lẽ, câu chuyện rèn kỹ năng, giảng dạy, hướng dẫn hoạt động trải nghiệm cho HS còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ. Tuy nhiên, trước mắt, nói như một tiến sĩ tâm lý (công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội), dạy kỹ năng, hoạt động trải nghiệm cho trẻ - chưa kể những bất cập của sách vở, thì dù giáo trình có tốt cũng chưa chắc việc rèn kỹ năng cho trẻ đã được tốt. Đó là câu chuyện của cả một quá trình, đặc biệt là vai trò của giáo viên. Nếu giáo viên là nhà sư phạm, luôn sẵn sàng và luôn có thể không phụ thuộc nhiều vào sách, không để tình trạng “bán bia kèm lạc” (bán SGK kèm sách bổ trợ) làm ảnh hưởng đến việc chuyển tải, hướng dẫn, rèn kỹ năng cho HS, thì lúc đó hoạt động trải nghiệm mới thực sự có hiệu quả. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI