Số tiền thu được mỗi lần bán nếu so với công sức, tiền vốn bỏ ra thì không bao nhiêu, lại khá vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng tạo thành một việc duy trì dài lâu trong gia đình vì những điều lớn lao hơn: các con sẽ học được cách trân trọng công sức của bố mẹ, biết quý từng đồng tiền lẻ, biết những bài toán kinh doanh đầu đời…
|
Góc bán sách trong một buổi chiều cuối tuần của chúng tôi (ảnh tác giả cung cấp) |
Ở ban công, dưới gốc cây lựu của gia đình tôi luôn là một khoảng không để chứa rác. Những chiếc lon bia, vỏ chai, hộp nhựa, bìa các tông, sắt, nhôm vụn… sẽ được tập kết ở đây. Ước chừng rác đầy vượt quá chậu cây, cả nhà tôi sẽ dành 1-2 tiếng của ngày nghỉ, hò nhau nhặt rác bỏ vào túi, mang đến nơi thu mua phế liệu để bán.
Trong những lần dọn nhà, mẹ con tôi cũng gom thêm sách, báo cũ không đọc nữa vào một chiếc túi. Buổi chiều cuối tuần trời mát, chúng tôi mang một tấm vải lớn, chọn một góc xanh mát, đông người qua lại ở sân chung cư và bày tấm biển “Sách cũ - Giảm giá lên đến 80%” để bán sách.
Mỗi lần bán phế liệu, chúng tôi chỉ thu hoạch được khoảng 10.000-60.000 đồng. Còn mỗi chiều bán sách, thu nhập dao động từ 200.000-300.000 đồng. Công việc này được thực hiện khoảng 1-2 lần mỗi tháng, tùy thuộc số lượng phế liệu, sách, báo cũ hoặc thời gian rảnh của cả gia đình.
Ý tưởng gom đồ không dùng nữa để bán hoặc thanh lý bắt đầu từ khi Bút Chì - con trai thứ ba trong gia đình tôi - tò mò về tiền, cách kiếm tiền. Bút Chì hỏi mẹ rất nhiều về các mệnh giá tiền Việt Nam, tiền tệ trên thế giới và đặc biệt thích… sưu tập tiền.
Trong đêm giao thừa, cậu bé được ông nội cho một chiếc ví cũ. Từ đó, hễ ai cho tiền, từ tiền lẻ đến tiền chẵn, cậu đều vuốt thật thẳng thớm rồi bỏ vào để tiết kiệm.
Để dạy con kiếm tiền, chúng tôi chỉ cho Bút Chì việc rất vừa sức là gom các vỏ lon bia, chai nhựa, các món sắt vụn… Hồi đầu, trong nhà chỉ có Bút Chì hào hứng với việc này vì 2 anh chị của Bút Chì… chê tiền. 2 anh chị (khi đó đã học lớp Hai và lớp Bốn) ước chừng 1 vỏ lon bia có giá khoảng 300-400 đồng, 1kg nhựa có giá khoảng 6.000-15.000 đồng, mà việc gom lại rất mất thời gian nên không biết bao giờ mới kiếm đủ tiền mua 1 gói snack, 1 lon đồ uống…
Nhưng sau nhiều lần mang phế liệu đi bán, khi số tiền của Bút Chì kiếm mỗi tháng lên tới hơn 30.000 đồng, 2 đứa lớn bỗng ngạc nhiên. Chúng quay sang tị nạnh, muốn tham gia vào “trò chơi” này, hiểu rõ nguyên tắc tích tiểu thành đại.
|
Cậu bé Bút Chì đã rất quen với việc mang đồng nát đi bán (ảnh tác giả cung cấp) |
Tương tự như thế với việc bán sách cũ. Những quyển sách nằm lăn lóc trong xó nhà vừa bừa bộn vừa rất lãng phí, vốn chỉ gây cãi cọ, mâu thuẫn. Nhưng, khi được mang đi bán, chúng lại đem đến rất nhiều lợi ích.
Những quyển sách cũ đến với những người muốn đọc. Lũ trẻ được chứng kiến sách có thêm đời sống mới và có thêm thu nhập cho mình. Góc bán sách trở thành nơi đọc sách ngoài trời lý tưởng. Trẻ con, người lớn đi qua thường ghé lại, tìm sách và đọc. Tôi cũng cầm một vài quyển sách lên, đọc to thành tiếng cho các bé cùng nghe, nói chuyện với các bà mẹ về văn hóa đọc trong mỗi gia đình…
Sau khoảng 3 buổi bán sách, nhiều quyển không có ai mua, tôi sẽ phân loại những quyển còn tốt để làm từ thiện hoặc những quyển sờn rách để bán giấy vụn.
Số tiền thu được mỗi lần bán nếu so với công sức, tiền vốn bỏ ra thì không bao nhiêu, lại khá vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng tạo thành một việc duy trì dài lâu trong gia đình vì những điều lớn lao hơn: các con sẽ học được cách trân trọng công sức của bố mẹ, biết quý từng đồng tiền lẻ, biết những bài toán kinh doanh đầu đời…
|
Góc bán sách trở thành nơi đọc sách ngoài trời lý tưởng (ảnh tác giả cung cấp) |
Như các con tôi, sau 2 năm, nay đã thành thạo việc tính toán kỹ những món đồ cần mua, kiềm chế hơn trước những món đồ chơi, đồ ăn vặt. Các con cũng hoàn toàn có thể tự ngồi lướt những sàn thương mại điện tử, phân tích giá trị từng món hàng để chọn ra món hàng tốt và vừa túi tiền.
Các con cũng tìm hiểu nguyên tắc xử lý phế liệu, được tái chế ra sao, từ đó, các con thấy việc đang làm là ví dụ trực quan nhất để đóng góp sức mình bảo vệ môi trường, muốn cố gắng thực hiện thêm nhiều việc khác nữa.
Chúng tôi thường bỏ những khoản tiền kiếm được trong một chiếc lọ thủy tinh. Tiền này sẽ được trích ra một phần để các con mua đồ dùng thiết yếu trong nhà như nước mắm, sữa tắm… hoặc đồ ăn cho bữa phụ nếu bố mẹ không ở nhà hoặc không sẵn tiền mặt. Một phần quan trọng hơn, chúng tôi bổ sung vào khoản đầu tư tích lũy.
|
Ảnh minh họa - Shutterstok |
Chồng tôi cũng tạo một quỹ đầu tư riêng để các con bỏ vào những khoản tiền như tiền lì xì, tiền thưởng, tiền kiếm được từ… kinh doanh. Thi thoảng, anh bàn với các con cách chọn mua những cổ phiếu nào tốt và có giá trị tích lũy lâu dài. Những câu chuyện mở ra về những tỉ phú như Warren Buffett, Bill Gates, Elon Musk… kiếm tiền từ bé, thích đọc sách, theo đuổi đam mê…
Nhưng trên hết, tôi không kỳ vọng các con phải nhanh chóng trở thành người có trách nhiệm, hiểu biết, kiên định với những việc mình đang làm. Tôi đã học được bài học, rằng cần ưu tiên việc gia đình có trải nghiệm thú vị cùng nhau.
Cát Tường