Học để thoát nghèo

26/07/2013 - 16:10

PNO - PN - Hoàn cảnh gia đình khó khăn, quyết chí học hành với hy vọng có được tương lai tươi sáng là câu chuyện của những nữ sinh được nhận học bổng “Vì nữ sinh hiếu học, vượt khó”.

BUỔI BÁN RAU, BUỔI ĐẾN TRƯỜNG

Hoc de thoat ngheo

Nguyễn Thị Quỳnh Như bán rau mỗi ngày ở chợ Tư Đình (Q.Gò Vấp)

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Quỳnh Như (lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp) tại chợ Tư Đình (P.15, Q.Gò Vấp) khi em đang thoăn thoắt phân loại rau cải. Như bảo: “Tranh thủ nghỉ hè, em làm nhiều hơn để đỡ đần cho mẹ. Hồi mới ra chợ, em cũng mắc cỡ với bạn bè lắm, nhưng bây giờ quen rồi”.

Như dậy từ lúc 5g sáng mỗi ngày để phụ phân loại rau và bán hàng ở sạp rau của bác ruột. Dù thương cháu, nhưng người bác cũng chỉ có thể trả cho Như 20.000-30.000đ mỗi buổi, bởi sạp rau quá nhỏ, một ngày bán chẳng được bao nhiêu. Ông Trần Văn Đực (bác của Như) chia sẻ: “Cách đây hai năm, bố của Như bị tai nạn giao thông, phải vay nợ để chữa trị rồi qua đời, khiến gia đình càng khốn đốn hơn. Họ hàng, lối xóm ở đây cũng tích cực giúp đỡ, nhưng chẳng thấm tháp so với thiếu thốn của mẹ con nhà bé Như...”.

Dù chạy gạo từng bữa, chị Trần Thị Tuyến (mẹ Như) vẫn kiên trì cho các con đến trường. Nét khắc khổ hằn rõ trên gương mặt bà mẹ mới 44 tuổi. Mỗi sáng, chị phải dậy lúc 4g, vào các nhà vườn mua rau, chở ra chợ đầu mối bán. Mỗi chuyến xe gần một tạ rau ấy, chị lời được 60.000đ. Về nhà liếc qua xem đàn con ăn uống, học hành thế nào, chị lại ra phụ quán cơm, kiếm thêm chút tiền. Chị chia sẻ: “Nhà đông người, giật gấu vá vai mãi, càng ngày càng thấy hụt hơi. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện các con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, là tôi có thêm sức lực để cố gắng tiếp”. Nỗ lực của chị sắp mang lại kết quả, ba cô con gái lớn đều đang là sinh viên của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Quỳnh Như rất hiểu hoàn cảnh gia đình, nên từ nhỏ đã chăm chỉ học hành, siêng năng đỡ đần mẹ. Em ít nói, tính cách mạnh mẽ, gặp khó khăn cứ âm thầm cố gắng, không kêu ca, than vãn. Không có thời gian, Như tranh thủ ôm sách ra sạp rau học bài. Như cho biết: “Em sẽ cố gắng học giỏi, để đáp lại tấm lòng của các cô chú Mạnh Thường Quân và Báo Phụ Nữ dành cho em”.

Hoc de thoat ngheo

Dùng xe đạp tải hàng ra cho mẹ bán - công việc quen thuộc của Võ Thị Hạ Thi

GIA ĐÌNH “NỔI TIẾNG”

“Ở phường An Phú, Q.2, nhiều người biết đến gia đình chị Lê Thị Thu. Có thể nói, đó là một gia đình rất nổi tiếng vì... nghèo và có con học giỏi. Chính quyền, xóm giềng quan tâm giúp đỡ gia đình chị Thu nhiều năm nay, nên chẳng ai lạ hoàn cảnh gia đình này” - chị Lê Thị Huyền Trang, Chủ tịch Hội LHPN P.An Phú, Q.2 cho biết.

Chồng chị Thu vốn là thợ hàn, đang là lao động chính, bỗng phát bệnh và qua đời. Một mình chị xoay xở nuôi cha mẹ già và hai con gái. Mấy năm nay, chị Thu “đóng đô” ở vỉa hè đường Đồng Văn Cống, đoạn gần cảng Cát Lái. Tích cực bán từ sáng đến tối khuya, chị kiếm được khoảng một trăm ngàn đồng - số tiền quá nhỏ trước nhu cầu ăn uống, thuốc thang, học hành của gia đình. Biết mẹ cực khổ, hai cô con gái học rất chăm và tích cực đỡ đần công việc cho mẹ. Cô con gái lớn là Võ Thị Thu Thảo vừa mới dự thi vào ngành sư phạm, Trường ĐH Sài Gòn với lý do rất đơn giản: nếu thi đậu, được học miễn phí. Thảo cũng từng học giỏi và nhiều năm liền được nhận học bổng “Vì nữ sinh hiếu học, vượt khó” của Báo Phụ Nữ.

Năm nay, đến lượt em gái của Thảo là Võ Thị Hạ Thi (lớp 8, Trường THCS An Phú, Q.2) được nhận học bổng. Hạ Thi chưa hề đi học thêm và cũng chẳng có sách tham khảo. Chỉ với bộ sách giáo khoa và chăm chú nghe thầy cô giảng bài trên lớp, từ lớp 1 đến lớp 7, năm nào cô bé cũng đứng hạng I. Mới lên lớp 8, nhưng Thi đã được gia đình “định hướng”: sau này rồi cũng chỉ dám thi vào ngành sư phạm để được miễn học phí!

Cô bé có nét mặt thông minh này đã sớm bộc lộ sở thích làm cô giáo. Mỗi ngày, Thi tập hợp mấy đứa trẻ trong xóm lao động về nhà để dạy chữ, chỉ cách làm toán. Ngoài việc tập tành làm “cô giáo”, Thi còn tỏ ra rất được việc: nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc ông bà… Đặc biệt, Thi là “trợ thủ đắc lực” giúp mẹ đi lấy hàng về bán.

Chiều muộn, mưa bão, gian nhà nhỏ như xám màu hơn với tô cháo suông trên bàn, bên cạnh là trái đu đủ sắp hư mới được nhặt ngoài chợ về. Hai người già tuổi 80 thở khó nhọc ngồi chống cằm nhìn ra cửa, người phụ nữ ngoài 50 cũng nặng nề khi kể về cuộc sống khốn khó của mình. Chỉ có ở góc nhà như sáng hơn, khi hai chị em Thi chuyện trò rôm rả về kỳ thi mà cô chị mới trải qua. Chị Thu bảo: “Cứ coi như đời vợ chồng tôi bỏ đi, tôi sẽ dành mọi thứ có thể để hai con gái được học hành, để không khổ như cha mẹ”.

 Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI