Học... cười

27/06/2022 - 06:00

PNO - Cười thế nào để không vô duyên, gây tổn thương cho người khác; càng không phải kiểu cười để nhận về nguy cơ tấn công bạo lực hay tình dục?

Cười tưởng là hành vi, biểu hiện đơn giản của con người, nhưng hóa ra lại cực kỳ phức tạp, cả trong cách thể hiện lẫn cách hiểu. Về tính chất, thái độ thì có cười duyên, cười vô duyên, cười độ lượng, cười hóm hỉnh, cười hồn nhiên, cười nham hiểm, cười khoái trá, cười lẳng lơ, cười mát, cười nịnh, cười rạng rỡ… 

Về hình thức biểu hiện thì có cười gằn, cười giòn, cười gượng, cười ha hả, cười hềnh hệch, cười hì hì, cười híp mắt, cười khẩy, cười khanh khách, cười mỉm, cười mỉm chi, cười ngặt nghẽo… Đồng thời cũng có những “biến thể” cười ra nước mắt, tức cười có vẻ vui nhưng thực ra xót xa trong lòng…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Một đứa trẻ bắt đầu biết nhận thức thì cũng bắt đầu biết cười. Càng lớn lên, nụ cười của trẻ càng biểu hiện tình cảm, thái độ cụ thể hơn trước những điều mà trẻ thấy được, cảm nhận được. Trẻ thường cười khi thấy vui, thấy thú vị hoặc thấy lạ lẫm; dẫu vậy, không phải cười lúc nào cũng phù hợp, đúng mực.

Khi trẻ xem hoạt hình, thấy hình ảnh lạ mắt, tình huống ngộ nghĩnh… đó là biểu hiện bình thường và cho thấy trẻ thích thú với điều đó. Hoặc trẻ thấy cha mẹ “hù” hay “hú òa” thì bật cười cũng là một biểu hiện vui vẻ và thích thú. Có khi trẻ chơi với một món đồ chơi ưng ý và cười một mình. Trẻ vui và cười đó là biểu hiện tâm lý tự nhiên.

Dẫu vậy, cái cười của trẻ cũng cần được quan tâm, lưu ý khi có những trạng thái khác thường, như cười quá lớn tiếng, cười hô hố, cười phô cả răng lợi… mà nhiều người gọi là “cười vô duyên”.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Chẳng hạn, nếu có người khác thì phải biết cười khẽ, lấy tay che miệng khi cười, tránh cười tạo thành tiếng lớn hoặc cười văng cả nước miếng… Tức là, có thể giữ được sự thoải mái nhưng phải lịch sự, chừng mực.

Nhưng khi trẻ cười vì thấy một người khuyết tật, có hình thù kỳ dị hoặc cười khi thấy hành vi xấu, hành động tàn bạo… thì trẻ chưa hiểu được phải biểu lộ thái độ như thế nào cho phù hợp, hoặc là trẻ có một thái độ, một tình cảm, một nhận thức có gì đó chưa ổn. Nếu hành động cười đó được lặp lại thường xuyên, tức là thái độ của trẻ trước những điều đó trở nên bình thường thì có thể hình thành một nhận thức, tính cách lệch chuẩn.

Chẳng hạn, khi nào gặp người khuyết tật mà chỉ trỏ, cười nói, bình luận vô phép, thiếu lịch sự thì có thể trở thành một thói quen khinh người hoặc thiếu lòng nhân ái. Hay trẻ cảm thấy sảng khoái và cười lớn khi xem các cảnh bạo lực, hào hứng, vui vẻ với các cảnh đánh đá mà không uốn nắn kịp thời thì trẻ có thể có xu hướng thích dùng bạo lực khi giải quyết các vấn đề… Hoặc trẻ xem cảnh xúc động mà vẫn hồn nhiên cười, nếu lặp lại thường xuyên thì có thể dần trở thành sự vô cảm, dửng dưng với những hoàn cảnh thương tâm.

Do đó, cần phải dạy trẻ biết cười đúng lúc, đúng nơi, thể hiện nụ cười đúng mực. Với người lớn (như với thầy cô, ông bà, cha mẹ, với khách của cha mẹ…), trẻ cần được dạy phải biết cười nhẹ nhàng, lịch sự, thể hiện sự tôn trọng; khi bạn hoặc em nhỏ có lỗi thì trẻ phải biết cười độ lượng, chứ không phải quát nạt, mắng mỏ; tránh kiểu cười xun xoe, cười nịnh để lấy lòng ai đó; bé gái ở tuổi dậy thì tránh cười lẳng lơ với bạn nam hoặc người khác giới lớn tuổi để giữ gìn hình ảnh của mình đồng thời đề phòng nguy cơ bị xâm hại…

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Dạy trẻ biết cười không chỉ để giáo dục trẻ có thái độ lịch sự, văn minh, đúng mực mà còn là một trong cách để dạy trẻ biết yêu, biết ghét. Nếu uốn nắn, rèn luyện nụ cười, tiếng cười, kiểu cười từ nhỏ thì nay mai, trẻ trưởng thành sẽ là những người hay cười và thực sự biết cười. Đã “học ăn, học nói” thì việc học cười cũng không thể xem nhẹ. 

Nguyễn Minh Hải 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI