Cái chiêng nhỏ đổi một con nghé đấy!
Tôi ngơ ngác, chưa kịp hiểu thì ông Điểu Kri, cha Điểu Hùng, đã tiếp lời: “Không chỉ lũ nhỏ bon Prung này mà lũ nhỏ bon Preng ở gần bên cũng tìm về học đánh chiêng. Hè này, già làng bảo cho lũ con nít đi học đánh chiêng, để xa cái điện thoại mà cũng là bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Tụi thanh niên trong bon mình giờ chỉ còn ít đứa biết nghe tiếng chiêng. Cái bụng người già không ưng”.
|
Già làng Điểu Nhau tận tâm dạy bọn trẻ đánh cồng chiêng |
Ông Điểu Kri chỉ chiếc chiêng nhỏ treo nơi liếp tường, giọng hồ hởi: “Của Điểu Hùng, đổi bằng một con nghé đấy”.
Cơm nước vừa xong, gà chưa kịp về chuồng, tôi đã nghe dưới chân cầu thang nhà dài tiếng bước chân dồn dập. Tiếng con nít cười nói lao xao. Điểu Hùng giục: “Chị không nhanh chân, em đi trước với bạn đây”. Tôi chưa kịp trả lời,
Điểu Hùng với tay lấy chiếc chiêng nhỏ treo trên vách liếp, rồi cùng lũ bạn biến mất trong bóng tối chập choạng.
Bon Prung, xã Đắk R’Tih, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với trăm nóc nhà, nhà nào có trẻ nhỏ cũng theo chân nhau đến nhà già làng Điểu Nhau học cồng chiêng hết rồi.
Con nít học, người già mừng rơi nước mắt
Tới nơi, tôi đã thấy lố nhố bọn con nít học đánh chiêng, đánh cồng. Có đứa ngồi nghe chơi, hoặc lui cui bên bếp lửa cùng vợ già làng học hát những làn điệu dân ca jrô jay, ca lú… của người M’Nông.
Bọn trẻ học xong, nán lại đòi già làng Điểu Nhau kể cho chúng nghe Ót N’Drông (một pho sử thi của người M’Nông). “Mấy đứa lớn trong bon chỉ nghiện điện thoại và hát nhạc trẻ thôi. Mà điện thoại đâu biết dạy chúng đánh chiêng, dạy chúng làm rượu cần, kể chúng nghe sử thi. Chúng quên luôn cả tiếng đồng bào mình mà”. Tiếng già Điểu Nhau trầm đục vang lên trong đêm như đang than, đang tự trách mình.
Nhưng chỉ phút chốc thôi, gương mặt nhăn nheo đầy dấu chân chim của già làng bỗng trở nên rạng rỡ lạ kỳ: “Cũng may, tui đã kịp nghĩ lại mà bàn với những người già trong bon, hè này cho bọn nhỏ đi học lại cái cồng cái chiêng, cái tiếng hát của dân tộc mình. Chưa được nhiều lắm đâu nhưng được chút nào mừng chút đó. Nhìn thấy những đứa như Điểu Hùng, Điểu Khau, Điểu Nhúc… say mê với cồng chiêng mà người già mừng rơi nước mắt”.
Lớp học cồng chiêng nào tụi nhỏ nơi này không có sự bắt buộc, không học theo phong trào, mà là một sự say mê thực sự. Những cái nhíu mày, chau mặt theo từng tiếng cồng chiêng chưa đi đúng vần nên điệu, tiếng nói cười ríu rít khi thầy giáo - già làng Điểu Nhau - chỉ ra cái sai của cái nắm tay của người này chưa đúng cách, của người kia là giơ cao quá, đánh nhanh và mạnh quá mà thôi…
Phải yêu lắm, ham lắm, say lắm mới đến được với cồng chiêng
“Từ khi sinh ra, người M’Nông đã nghe, đã hiểu tiếng cồng, tiếng chiêng. Nó đã có sẵn trong máu, cái khó là người biết cách khơi ra để nó bùng cháy lên thôi. Những đứa trẻ lớn lên không biết cội nguồn, không hiểu văn hóa của dân tộc mình thì rất dễ bị lạc loài. Bắt đầu bây giờ biết rằng đã muộn nhưng chẳng thà là muộn còn hơn là không làm gì”, già làng Điểu Nhau trầm tư đau đáu nghĩ suy tìm mọi cách bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Lý do ông Điểu KPhi đưa con trai Điểu Nhúc đến lớp học đánh cồng chiêng là: “Để mùa hè nó không còn lêu lổng tắm suối, bắt chim. Đêm về không cho nó mượn điện thoại dán mắt vào trò chơi thì cả bọn lít nhít rủ nhau đi phá làng phá xóm, chọc chó sủa inh ỏi không cho mọi người nghỉ ngơi. Từ ngày nó theo già làng Điểu Nhau học đánh cồng chiêng cái tính tình thay đổi. Lúc nào cũng mân mê cái chiêng, rảnh là tập đánh chiêng mà không còn ngó vào điện thoại”.
Tôi hỏi Điểu Nhúc có định gắn bó lâu dài với lớp học cồng chiêng. Điểu Nhúc cười tươi: “Ngày trước không ham nhưng bây giờ thích rồi. Bao giờ già làng Điểu Nhau còn dạy thì em còn theo học. Em cứ nghĩ cồng chiêng là dễ, nhưng thực sự là khó. Phải yêu lắm, ham lắm, say lắm mới đến được với tiếng cồng tiếng chiêng. Hôm nào già làng Điểu Nhau có việc không chỉ dạy là chân tay em bứt rứt không yên. Có khi mấy đứa cùng rủ nhau mang chiêng lên nhà cộng đồng ôn lại bài cũ. Có khi chỉ cần gặp nhau đánh thập thoong vài cái mới chịu được”.
Khi nghe tôi hỏi có mệt không, khi dạy cồng chiêng cho cái tuổi lóc chóc này, già làng Điểu Nhau bật cười ha hả: “Cái cồng chiêng này lạ lắm. Ai đã mê rồi thì rất dễ say, không dứt ra được đâu. Nếu chỉ còn một đứa học thì già cũng truyền hết nghề cho nó mà. Hết hè tụi nó vẫn học được mà. Không mệt đâu”.
Thị Nhau, vợ già làng Điểu Nhau, ngồi bên cạnh cũng vội vã góp lời: “Những đứa nhỏ học cồng chiêng nhanh hơn những đứa lớn mà. Cồng chiêng, dân ca, văn hóa của dân tộc mình mà, lũ trẻ không biết, không lớn được đâu. Mình muốn phải dạy chúng thật nhiều chớ”.
Già làng Điểu Nhau có một ước mơ giản dị, nhưng đầy trăn trở: “Người biết nghe tiếng cồng chiêng đã đi xa gần hết rồi. Bây giờ hy vọng đặt hết vào mấy đứa nhỏ này. Chỉ mong sao chúng chịu học, chịu nghe, chịu hiểu tiếng cồng chiêng để dân tộc mình không bị xóa bỏ hay lai căng”.
Thủy Vũ