Học còn hơn công nhân tăng ca

11/03/2019 - 11:30

PNO - Học sinh học một buổi - trường lo không đủ thời gian để dạy kỹ năng. Nhưng trường lên hai buổi rồi sao? Lại dùng buổi hai để dạy thêm ba tiết văn hóa, thậm chí có nơi “lách” quy định, dạy nhiều hơn.

Bấy nhiêu vẫn chưa đủ, thầy cô ra ngoài dạy thêm tạo lực hút vô hình, kéo học sinh chính khóa đi học. Một ngày “lao động” của học sinh thành phố kéo dài từ sáng sớm đến tận 21g.

Trung tâm dạy thêm “mai phục” trường học

Tan học buổi hai vào tầm 16g30, nhiều tốp học sinh của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi vội vã tạt vào các hàng quán xung quanh cổng trường ăn nhanh, rồi băng qua đường đến trung tâm dạy thêm 1035 Hồng Bàng, đối diện cổng trường. Cổng trung tâm này tạm yên ắng cho đến 19g10, những học sinh học 1 ca lần lượt ra về, học sinh ca 2 vội vã vào lớp. Có em học xong ca 1 chỉ kịp ra ngoài mua nước uống lại quay vào học tiếp ca 2. Gần 21g, học sinh lần lượt ra về, vẻ mặt bơ phờ, trên người vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục. Có lẽ đây là nhịp sinh hoạt điển hình của học sinh tại TP.HCM và nhiều thành phố lớn khác. 

Trải qua một ngày với hai buổi học chính khóa dày đặc bài học - bài tập chưa phải là thời điểm kết thúc một ngày “lao động” của học trò tại TP.HCM. Thử hình dung buổi tối tan tầm về, người lao động mệt như thế nào, hẳn học trò đi học cũng “đuối” y như thế với những áp lực, căng thẳng từ bài vở, điểm số, thi đua.

Buổi tối là thời gian nghỉ ngơi của người đi làm nhưng lại là giờ vàng tăng ca học thêm, luyện thi của học sinh. Nhu cầu học để đạt điểm cao hơn, đậu vào trường tốt hơn đã tạo ra một thị trường dạy thêm - học thêm sôi nổi, tràn lan. Chưa tính các lớp do thầy cô mở tại gia và các trung tâm luyện thi thì theo thống kê trên website của Sở GD-ĐT TP.HCM có hơn 100 trung tâm dạy thêm được cấp phép. Dĩ nhiên, con số này chưa đầy đủ bởi nhiều nơi đã dạy mà chưa kịp hoặc không thèm xin phép. 

Hoc con hon cong nhan tang ca
Học sinh vẫn còn nguyên bộ đồng phục, tan ca 1 tại trung tâm dạy thêm 1035 Hồng Bàng lúc 19g10

Dân trong nghề bảo nhau, mở cơ sở dạy thêm có hai dạng thu hút đông học sinh nhất: một là trung tâm nổi tiếng chuyên luyện cho học sinh giỏi, hai là trung tâm có thầy cô dạy chính khóa ở trường. Chưa có số liệu chứng minh chính thức, nhưng chỉ cần có giáo viên chính khóa thì tự động sẽ lôi kéo được học sinh của trường đó đến học thêm. Bởi thế, trên các tờ quảng cáo, nhiều cơ sở dạy thêm ghi thẳng: giáo viên của trường THPT Mạc Đĩnh Chi, chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT chuyên Lê Hồng Phong… trực tiếp giảng dạy. 

Xung quanh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, một trường có quy mô lớn với khoảng 3.000 học sinh, mọc lên nhiều cơ sở dạy thêm. Trong đó, có một số trung tâm do “đương kim” tổ trưởng chuyên môn hoặc cựu cán bộ, giáo viên của trường làm chủ. Đặt vị trí gần trường, lại có nhiều giáo viên của trường dạy thì mục đích là muốn thu hút học sinh của trường. 

Trong danh sách 45 giáo viên của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đăng ký dạy thêm bên ngoài có đến 25 giáo viên dạy cho trung tâm 1035 Hồng Bàng, 7 người dạy tại cơ sở dạy thêm - học thêm Phú Lâm, 5 người dạy tại cơ sở 24/12C Tân Hòa Đông, những trung tâm khác chỉ có từ 1-2 người. Theo quan sát, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi học thêm tại trung tâm 1035 Hồng Bàng đông nhất so với ba trung tâm còn lại. Và thời khóa biểu của trung tâm này cũng cho thấy trong số 50 lớp đang tổ chức dạy thì chỉ có 4 lớp không do giáo viên của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi phụ trách. 

Học bao nhiêu mới đủ?

Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu nhưng không được giải đáp, để rồi học trò phải chạy theo một lịch học do nhà trường sắp xếp, thầy cô chỉ định, cha mẹ đặt để, trân mình chịu đựng trong suốt những năm tháng đi học. Quá tải hay không quá tải, chỉ có người lớn mới giải được bài toán này.

Khi được hỏi, lịch học của học sinh như vậy có quá tải không? Ông Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi nói: quá tải hay không còn tùy từng học sinh. Có em học lực khá và đặt mục tiêu vào các trường đại học lấy điểm cao thì phải luyện thi. Nhu cầu học thêm của cha mẹ vô cùng lớn, học sinh học thêm ở nhiều nơi, em nào mục tiêu vừa phải thì luyện thi gần trường, cao hơn thì chạy lên tận trung tâm Lý Tự Trọng ở Q.1 để ôn luyện. Những học sinh khá giỏi, chủ động trong việc học thì không cảm thấy học nhiều là nặng nề và ngược lại.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục Microsoft, CEO của Công ty InnEdu STEAM, đau đáu: “Đây là câu hỏi mà tôi trăn trở trong nhiều năm đi dạy. Học trò đang học nhiều quá. Nhưng thứ các em học là kiến thức, mà kiến thức rồi sẽ lạc hậu trong thế giới này. Các em không được học những thứ mũi nhọn, kỹ năng để rồi các em tiếp thu một cách thụ động. Thay vào đó nên học theo hướng mũi nhọn bằng phương pháp học được trải nghiệm, kiến thức sẽ được tích lũy bằng kỹ năng tự học mới không lo lạc hậu”.  

Trong một nghiên cứu về hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh phổ thông do phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM làm chủ nhiệm đề tài, cho thấy: nghiên cứu sàng lọc được 280 học sinh có dấu hiệu thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân, thì trong đó có tới 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình, 17 học sinh yếu và 3 học sinh kém. Nguyên nhân có thể từ nhiều phía: gia đình, tình cảm, quan điểm sống, nhưng có lẽ thứ ảnh hưởng đến các em không nhỏ chính là áp lực học hành. Phần lớn các em cảm thấy không hạnh phúc. Nhìn vào gương mặt mệt mỏi của các em bước ra từ những lớp dạy thêm, luyện thi là đủ hiểu các em có thật sự hạnh phúc hay không. 


Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI