edf40wrjww2tblPage:Content
Thầy Lê Minh Quang, hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (66 đường Hòa Bình, P.5, Q.11, TP.HCM), phân bua về những chiếc tủ đựng tài liệu và những vật dụng để chống ngập trong căn phòng của mình như thế.
Các phụ huynh tới Trường tiểu học Hòa Bình cõng con em về nhà (ảnh chụp chiều 16/10/2013) - Ảnh: Đức Phú
Thấy mưa là rầu
Mới 9g ngày 18/10, dọc hành lang trước các lớp học, các bàn nhựa san sát nhau. “Trường mình cho học sinh ăn trưa sớm hả thầy?” - chúng tôi hỏi. Thầy Lê Minh Quang khoát tay cười nói: “Không phải ăn trưa đâu. Sân trường đầy bùn sình nên trường phải kê bàn để ngăn không cho học sinh chạy ra sân, không thì dơ hết! Lúc nước ngập thì bàn này được kê làm lối đi cho các cháu”.
Thầy Quang chỉ tay vào sân trường nhớp nháp bùn sình, vẻ mặt đăm chiêu: “Tôi về trường được ba năm và cũng từng ấy thời gian chứng kiến cảnh trường bị ngập lênh láng, nước tràn vào phòng học khiến học sinh phải ngồi co chân. Năm 2012, phụ huynh cùng nhà trường nâng nền phòng học tầng trệt lên hơn nửa mét, tạm thời không còn bị ngập nhưng các phòng hiệu bộ, phòng chức năng vẫn thường xuyên ngập mỗi khi mưa lớn”.
Không có một quy tắc thành văn nào nhưng dường như ai ở trường cũng biết rõ mình phải làm gì trước khi ra về. Với thầy Quang, việc cần làm nhất trước khi rời trường là kê bàn ghế, các vật dụng khác lên cao để không bị ngập.
Theo thầy Lê Minh Quang, trường đã kiến nghị lên cấp trên về việc sửa chữa nâng cấp trường, tránh tình trạng ngập úng ngày càng nặng, gây khó khăn cho việc dạy và học cũng như đưa đón con em của phụ huynh. Hiện cơ quan chức năng đã có quyết định cấp vốn để sửa chữa trường. Dự kiến tháng 12 này sẽ sửa chữa lớn, trong đó có việc nâng nền sân trường, hi vọng trường sẽ không còn cảnh ngập triền miên như hiện nay. |
Khổ nhất là phụ huynh, học sinh và giáo viên. Nhiều lúc nước ngập cao quá, phụ huynh phải vào tận cầu thang, cửa lớp học cõng con về. Giáo viên và nhiều phụ huynh đi xe máy bị chết máy phải gửi xe lại trường, lội nước về nhà. Hình ảnh khá quen thuộc mỗi khi trời chuyển mưa là ông hiệu trưởng tay cầm cái gắp đi khắp sân trường... lượm rác. Thầy Quang nói: không lượm thì rác trôi xuống cống, gây nghẹt, trường bị ngập nặng hơn.
Cũng ở ngôi trường này, mỗi nhân viên, thành viên ban giám hiệu đều có một đôi ủng. Không chỉ để chống ướt trong trường mỗi khi bị ngập, ủng còn một công dụng khác là lội bùn dọn vệ sinh. Sau mỗi lần ngập, 5g sáng trường phải tiến hành vệ sinh để đón học sinh vào buổi sáng.
Cô Phạm Thị Nga, nhân viên phòng y tế, chia sẻ: “Mỗi lần thấy trời chuyển mưa là rầu dữ lắm. Bữa nào mưa buổi sáng sớm càng rầu hơn. Giáo viên xắn quần vào lớp, học sinh trượt ngã lấm lem, ướt hết quần áo. Trường cũng có quần áo dự phòng nhưng chỉ vài bộ. Em nào có mang đồ theo thì thay, nếu không trường phải liên hệ với phụ huynh mang đồ lên cho các em”.
Sống chung với... sình
Thầy Nguyễn Đình Phúc, giáo viên tin học, nói hai hôm gần đây nước ngập dữ quá, mấp mé tràn vào phòng học đã được nâng nền hơn 0,5m. Giáo viên quần áo ướt mèm cũng phải lên lớp. Trường phải kê bàn dọc hành lang để học sinh đi vệ sinh. Giờ ngập, nước đen thui bốc mùi hôi, rút rất lâu.
Phụ huynh Trần Yến Loan chia sẻ: “Hôm 17/10, hai mẹ con muốn khóc luôn. Nước ngập tới yên khiến xe bị chết máy, phải dắt bộ trong nước đi tìm chỗ sửa xe. Tan trường lúc 17g mà 19g hai mẹ con còn bì bõm ngoài đường, chưa về được nhà”. Phụ huynh Huỳnh Thanh Hòa đứng chờ con trước cổng trường chiều 18/10 kể, trường ngày càng ngập nặng do đơn vị thi công làm cống chắn gần hết dòng chảy kênh Tân Hóa. Có bữa đang đi thì chiếc xe buýt chạy ngang, sóng đập cái ào khiến hai cha con ngã ùm xuống nước. “Về nhà đâu dám để quạt vì sợ gió làm rách sách, mẹ cháu phải dùng máy sấy tóc sấy từng trang sách, còn tập vở bị nhòe chữ, lem luốc hết trơn. Cũng muốn con học trường khô ráo nhưng người ta phân theo tuyến, mình đâu có chuyển đi được” - anh nói thêm.
Nước đã rút một ngày rồi, những cán bộ làm văn phòng của trường đã làm vệ sinh, rửa phòng ốc, sân trường xong từ sáng 18/10, nhưng những vạt nước xâm xấp vẫn còn loang loáng ở một vài chỗ trũng, mùi hôi từ nước cống, bùn lầy vẫn phảng phất trong không khí. “Mưa là ngập, sau ngập là sình, mỗi tháng ít nhất 10 lần bị như vậy” - thầy hiệu trưởng nói.
Để đối phó với bùn sình, nước cống ngập, các cô giáo Trường Hòa Bình đã chế ra dụng cụ quét bùn được làm từ miếng đệm xốp buộc chặt vào một chiếc cán sắt. Lớp sình non thì rửa theo nước, còn lớp sình đặc phải thuê xe chở đi. Chịu ngập, trường còn phải tốn tiền thuê xe chở bùn.
Việc học bị đảo lộn Nhiều phụ huynh cho biết như vậy khi chờ đón con ở cổng Trường Hòa Bình. “Mưa ngập đến cổ xe, không mang xe đến thì không biết gửi ở đâu, còn mang xe vào thì chỉ vài bữa là đem đi sửa. Từ nhà đến trường hơn 1km, không thể đi bộ được nên đối với tôi việc đưa con đi học trong những ngày mưa thực là cực hình” - chị Trần Thị Giàu, 47 tuổi, nói. Mưa thất thường, nước ngập cũng thất thường nên thầy cô giáo đều có những phương án dự phòng suốt mùa mưa. Nhưng dù đề phòng đến mức nào thì việc dạy, học không tránh khỏi bị đảo lộn. “Khối 4, 5 các cháu vẫn đi học bình thường dù mưa ngập nhưng khối 1, 2 thì các cháu nghỉ học nhiều lắm” - cô Trần Thị Thu Vân, giáo viên dạy lớp 4, kể. Nếu mưa buổi chiều thì sĩ số lớp học không thay đổi, nhưng nếu mưa buổi sáng thể nào cũng có một số cháu không đến trường vì bố mẹ không cõng đến lớp được. |
Theo HOÀNG ĐIỆP - MINH GIẢNG (Tuổi Trẻ)