Học cách trân trọng những giá trị

16/05/2015 - 18:59

PNO - PN - Việc một tỷ phú Á đông, ông Yu Pang-lin, vừa qua đời ở tuổi 93, dành tặng toàn bộ sản nghiệp cho một quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ những người nghèo, bệnh nhân, trao học bổng cho sinh viên khó khăn, sinh viên giỏi… đang trở thành một hiện tượng xã hội. Truyền thống quyên tặng gia tài cho quỹ từ thiện đã hình thành ở châu Âu, nhưng ở châu Á, nó vẫn còn khá xa lạ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Yu Pang-lin có hai người con trai. Có con trai đối với người Á đông là quan trọng, là có người nối dõi tông đường, giữ gìn cơ nghiệp, làm rạng danh tổ tiên. Bởi vậy người ta càng bất ngờ hơn khi ông không để quyền thừa kế cho các con, các cháu. Thậm chí dư luận đã cố tìm nghĩa bóng, tìm những giả định trong mấy lời ông giải thích hành động khác biệt cuối đời của mình: “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi”.

Người ta nghi ngờ liệu có phải các con cháu ông “không đủ năng lực” để quản lý cơ nghiệp đồ sộ ước tính hơn hai tỷ đô la mà ông đã tạo dựng nên? Logic thông thường được áp dụng: keo kiệt với gia đình, hào phóng với xã hội…

Nhưng không hoàn toàn vậy. Có lẽ do thông tin về gia đình, đời sống riêng, con cháu của Yu… được giữ gìn khá cẩn thận, không phơi bày nhiều trên mạng; mặt khác, sức chấn động của việc ông từ trần và quyết định tặng toàn bộ gia sản cho quỹ từ thiện đã phần nào lấn át đi những thông tin ít ỏi về gia đình ông. Nhưng, người ta biết gia đình ông không phản đối. Hai người con trai của ông, đã ở tuổi 60, và những đứa cháu nội… đều hiểu và trân trọng những hoạt động từ thiện mà cha, ông nội mình làm. Họ tôn trọng quyết định của ông.

Hoc cach tran trong nhung gia tri

Việc họ chia sẻ mục tiêu của ông cho thấy, đây cũng là một kiểu “gia tài” mà Yu để lại cho gia đình mình, cho những thế hệ tiếp theo của mình. Không những vậy, đây có thể gia tài đáng giá hơn cả khối của cải tiền bạc kếch xù kia. Sự giàu có của một đại tỷ phú, gánh nặng của tiền bạc và quyền thừa kế… đã không ngăn cách những người thân trong gia đình ông Yu với phần còn lại của xã hội, họ đã sẵn lòng sẻ chia. Có thể gọi cái gia tài vô hình mà Yu để lại này là ý thức cá nhân hòa trong ý thức về trách nhiệm xã hội. Là một cá nhân, tự kiếm sống, trưởng thành và gầy dựng cơ nghiệp bằng lao động bản thân là một quá trình tất yếu.

Cho dù là con cái của các tỷ phú, họ cũng không được phép sống lười biếng, vô dụng, xài những đồng tiền không làm ra bằng mồ hôi công sức lao động của mình. Là một thành viên của xã hội, dù ở vị trí này hay vị trí khác, ở thang bậc cao hay thấp, trách nhiệm xã hội được thực thi ngay trong chính lao động của mỗi người. Yu đã đổ mồ hôi, nước mắt để vươn lên, nên ông hiểu rõ ý thức và cũng là động lực này.

Có lần ông kể rằng, ông từng làm công việc cọ rửa toa lét, và là người cọ sạch nhất, với ý thức khi làm bất kỳ công việc nào, mình đều phải làm tốt nhất ở vị trí đó. Vậy nên, dễ hiểu thôi, khi từ vị trí là đại tỷ phú, ông cho rằng cách tốt nhất để thực hiện trách nhiệm cá nhân cũng là trách nhiệm xã hội này, là dành tặng gia sản một đời lao động của ông cho những người thực sự lao động, để hỗ trợ, nâng đỡ họ vươn lên.

Song hành cùng với quỹ từ thiện Yu Pang-lin, nhà tỷ phú này đã để lại một tên tuổi, một quan niệm sống, một gia tài được xã hội tham gia quản lý. Đó cũng là những thứ mà con cháu ông thừa hưởng - những thứ không mua được bằng tiền. Cơ nghiệp được giữ gìn bằng cái tâm, bằng lao động, bằng mang lại lợi ích cho cộng đồng, chứ không để nó tàn đi trong kín cổng cao tường của danh gia vọng tộc, hay trong những tranh chấp ít nhiều, kiện tụng hơn thua và thụ hưởng vô trách nhiệm. Những giá trị của cộng đồng đã được đặt cao hơn cá nhân, dòng dõi. Từ Yu, người ta có thể nhận ra châu Á đã bắt đầu thay đổi quan niệm một cách quyết liệt.

Nhìn lại những “tấm gương” “hy sinh đời bố củng cố đời con”, nhìn lại những vụ ăn chơi thác loạn của những cậu ấm cô chiêu, nhìn lại những người trẻ ích kỷ dù bố mẹ chỉ mới ở hàng trung lưu nhưng đã cố gồng mình lên đua đòi sang chảnh, chối bỏ gốc gác… có thể thấy đây là một câu chuyện không dễ kể. Các bậc cha mẹ có thể cùng con cái học cách để trân trọng những giá trị mà cha mẹ để lại cho con, trân trọng những giá trị thực sự mà mình có, học cách lao động và trưởng thành bằng chính năng lực của bản thân.

 HOÀNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI