Học cách “sống chung” với AI

09/04/2024 - 06:01

PNO - Các nhà khoa học của Học viện Kỹ thuật quân sự vừa cài trí tuệ nhân tạo cho robot có tên Bonbon để nó có thể dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học.

Robot này thực hiện được các tình huống trong giảng dạy như trình bày nội dung bài giảng, dạy từ vựng, dạy cấu trúc câu mới, giao tiếp tự do về một chủ đề nào đó. Nó còn biết múa hát, đưa ra vấn đề tranh luận, tổ chức trò chơi, cổ vũ hoặc khích lệ khi học sinh làm đúng hoặc sai. Qua thử nghiệm ở một số trường tiểu học, Bonbon cho thấy, ngoài nói tiếng Anh chuẩn như người Anh, nó còn có khả năng tạo sự hào hứng, kích thích sự tương tác trong tiết học.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cuối năm 2023, với sự hướng dẫn của giảng viên, nhóm nghiên cứu gồm 6 sinh viên năm thứ tư Trường Điện - Điện tử thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội đã thiết kế thành công con chip có tốc độ xử lý nhanh, tiết kiệm năng lượng. Con chip được nhận xét giống bộ não hơn là một máy tính toán, thích hợp với những hệ thống AI phức tạp như robot, xe tự lái. Trước đây, có thể nhóm phải mất nhiều năm để lập trình, kiểm tra và chỉnh sửa, mới hoàn thiện được 1 con chip tương tự, nhưng nay, họ chỉ mất 12 ngày. Đó là nhờ ChatGPT - công cụ trả lời tự động, do Công ty OpenAI (Mỹ) phát triển - giúp tạo mã (code) tự động, cùng kiểm tra các đoạn mã.

Một số đơn vị đào tạo, doanh nghiệp đã bước đầu nhập cuộc để thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ của AI. Đầu năm 2024, ông Hoàng Tiến Nam - Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học FPT - cảnh báo, sự phát triển không ngừng của AI sẽ khiến lao động phổ thông, công nhân nhà máy, nhân viên văn phòng, thậm chí cả người làm kế toán sẽ mất việc trong tương lai rất gần bởi robot ngày nay không chỉ làm việc 24/7 mà còn biết quan sát và “tự học” từ những điều tốt đẹp lẫn sai sót của con người.

Nhiều người cho rằng, robot, AI khó thay thế được giáo viên. Có thể với những tình huống phát sinh trong lớp học, chúng chưa có đủ các kỹ năng sư phạm để linh hoạt xử lý, nhưng ở góc độ giảng dạy, AI dường như theo sát năng lực người học hơn. Cứ 3 phút, AI sẽ ngưng giảng để đặt câu hỏi cho học sinh; nếu học sinh không trả lời được, AI sẽ giảng lại. Kết thúc mỗi bài học, AI đều có phần kiểm tra, nếu 70% học sinh không vượt qua phần này, lớp phải học lại từ đầu.

Trước những thay đổi không ngừng của AI, ngành giáo dục nước ta tỏ ra khá chậm chạp trong quá trình chuyển đổi số. Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT) từng chia sẻ, trong quá trình tham gia tập huấn, giảng dạy cho giáo viên ở nhiều địa phương, bà thấy vẫn có nhiều giáo viên không phân biệt được giữa ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Tháng trước, trong hội thảo quốc tế “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của giáo dục”, bà Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch nước - đã hối thúc: “Không chuyển đổi số, chúng ta sẽ ngày càng lạc hậu. Các trường đại học, viện nghiên cứu cần tích cực đưa ra nhiều phương pháp học tập theo hướng mở để giúp học sinh, sinh viên, giáo viên, người đi làm, thậm chí là nông dân, công nhân có thể học mọi lúc, mọi nơi”.

Hàng triệu công nhân đang đứng trước nguy cơ mất việc khi trên thực tế, robot đang dần thay thế con người. Với rất nhiều ngành nghề trong xã hội, AI cũng đang chứng tỏ khả năng làm việc tốt hơn con người. Với sự bùng nổ của AI như hiện nay, có lẽ không chỉ mỗi ngành nghề mà mỗi cá nhân đều phải cố gắng học hỏi, thay đổi từng ngày để vượt lên chính mình của ngày hôm qua, từng bước tiếp cận, làm quen với AI và học cách sống chung với nó. Chỉ có vậy, con người mới không bị AI bỏ lại phía sau hay lệ thuộc quá nhiều vào nó.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI