Học cách sơ cứu để sẵn sàng giúp người bị nạn

29/03/2023 - 05:43

PNO - Nên sớm dạy kỹ năng sơ cứu cho học sinh tiểu học, THCS. Làm tốt điều này là góp phần giảm tải gánh nặng cho xã hội cũng như hệ thống y tế và nền kinh tế nói chung.

Gần đây, có không ít người bị khởi tố về hành vi “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Tuy nhiên, khi thấy người bị nạn trên đường, không phải ai cũng có kỹ năng và đủ tự tin để dừng lại hỗ trợ.

Phải học cách sơ cứu hiệu quả

Thấy em Sóc bị chảy máu cam, Phinn (8 tuổi) và Noel (7 tuổi) bình tĩnh chia việc cho nhau: Noel đứng bên cạnh trấn an, nhắc em nghiêng người về phía trước; Phinn dùng đầu ngón tay cái và tay trỏ bóp nhẹ vào phần thịt mềm ở sống mũi, giúp em cầm máu. 

Bé Phinn (áo xanh) rất hứng thú khi được Survival Skills Vietnam hướng dẫn các kỹ năng sơ cứu
Bé Phinn (áo xanh) rất hứng thú khi được Survival Skills Vietnam hướng dẫn các kỹ năng sơ cứu

Chứng kiến cảnh này, anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa (TPHCM) rất ngạc nhiên, đồng thời thấy rằng, quyết định cho các con tham gia lớp học về kỹ năng sinh tồn là đúng. Các con của anh đã không hoảng loạn nhét bông gòn vào mũi và yêu cầu em ngửa cổ lên như cách mà anh từng làm.

Sau nhiều lần hoảng loạn ôm con vào bệnh viện cấp cứu, anh Nghĩa luôn nghĩ mình phải học các kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu. Anh kể, khi Phinn khoảng 4 tuổi, bị co giật sau đợt sốt cao, anh chỉ biết cầu mong đường đến bệnh viện ngắn lại. Lần khác, bé Sóc đang chơi thì bị ngất, môi tím tái. Dù đã là cha của 3 đứa trẻ, anh vẫn hoảng loạn, không biết xử trí ra sao. Anh chạy như điên để đưa con đi cấp cứu mà không biết rằng cần phải kiểm tra đường thở, nhịp tim để hỗ trợ con trên đường đến bệnh viện. “Nếu chẳng may lúc đó con ngưng thở, ngưng tim, tôi sẽ rất ân hận về việc chỉ lo cắm đầu chạy”.

Cũng theo anh, khi chạy xe trên đường, anh thường xuyên chứng kiến tai nạn giao thông nhưng không dám hỗ trợ người bị nạn do chưa có kiến thức về sơ cứu. Cũng có lần, anh thấy có những người đi đường xuống xe hỗ trợ người bị nạn nhưng không biết cách sơ cứu, làm cho tình trạng sức khỏe của người bị nạn tồi tệ hơn. Anh Nghĩa đã tìm đọc những kiến thức về sơ cứu để có cách ứng xử đúng đắn trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, kiến thức trên mạng bát nháo khiến anh hoang mang. 

Khi biết đến lớp “Sơ cấp cứu và kỹ năng sinh tồn” do Survival Skills Vietnam (SSVN, trụ sở 232/6 Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) tổ chức, anh liền đăng ký tham gia. Thấy lớp hữu ích, anh đưa các thành viên trong gia đình cùng đi học. Lớp do ông Tony Coffey - chuyên gia sơ cấp cứu, phản ứng nhanh thuộc Hiệp hội Cứu hộ Sydney và Học viện Cứu hộ bang New South Wales (Úc) - trực tiếp giảng dạy.

Nhiều người thờ ơ với sơ cứu

Trao đổi với chúng tôi, ông Tony Coffey - Giám đốc đào tạo của SSVN - cho biết, năm 2014, khi đến TP Đà Nẵng du lịch, ông đọc được bài báo viết về bé gái 4 tuổi chết do mắc nghẹn. Khi xảy ra vụ việc, những người có mặt không biết làm gì ngoài việc gọi điện thoại báo cho cha mẹ bé biết để họ đến đưa con đi cấp cứu. Nhưng bé gái đã ngưng thở trước khi đến được bệnh viện.

Nhóm người khiếm thị từ Thái Lan đến TPHCM để tham gia lớp học “Sơ cấp cứu và kỹ năng sinh tồn” do ông Tony Coffey trực tiếp hướng dẫn
Nhóm người khiếm thị từ Thái Lan đến TPHCM để tham gia lớp học “Sơ cấp cứu và kỹ năng sinh tồn” do ông Tony Coffey trực tiếp hướng dẫn

“Tôi đã khóc khi đọc được bài viết đó. Tôi mong muốn những câu chuyện tương tự không còn xảy ra. Đó là lý do khiến tôi thành lập tổ chức phi lợi nhuận SSVN và trong 9 năm qua, cứ 2-3 tháng 1 lần, tôi lại bay sang Việt Nam 3 tuần để trực tiếp đứng lớp đào tạo sơ cấp cứu” - ông Tony kể.

Trước đó khá lâu, khi con gái ông lên 2 tuổi, ông đang nấu ăn cho con thì nghe tiếng nấc sau lưng mình, quay lại thì thấy con gái đã ngã xuống sàn, tím tái, bất động. Trong lúc hoảng hốt, ông chợt nhớ mình từng xem chương trình tư vấn cách xử trí cho trường hợp tương tự trên ti vi. Tony làm theo trí nhớ rồi nhanh chóng đưa con đến bệnh viện và con ông đã may mắn thoát chết. Sau sự việc, ông để ý thấy xung quanh mình, rất nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra với trẻ em, người lớn nhưng rất ít người biết cách xử trí. Ông quyết định theo học khóa sơ cấp cứu để bảo vệ bản thân và gia đình.

Chị Trang Jena Nguyễn - Đồng sáng lập kiêm Phó giám đốc SSVN - cho biết, giai đoạn đầu, chị và ông Tony gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thủ tục và vấn đề nhận thức của người dân với việc sơ cấp cứu: “Chúng tôi có các khóa đào tạo miễn phí, bắt đầu từ TP Đà Nẵng nhưng mọi người không quan tâm, không chịu học. Lớp đầu tiên chỉ có 6 người đăng ký, lớp thứ hai chỉ có 1 người. Chúng tôi vẫn dạy vì tin rằng từ 1 người sẽ lan tỏa đến 4-5 người khác”. 

Sau 9 năm thành lập và phát triển mạng lưới ở TP Đà Nẵng, TP Hà Nội và TPHCM, SSVN đã tạo nên những thay đổi nhỏ trong nhận thức của cộng đồng khi có những học viên SSVN đứng ra tổ chức các mô hình hỗ trợ cộng đồng, như mô hình FAS Angle với hơn 100 thành viên ở TP Hà Nội. Thế nhưng, theo ông Tony, phần lớn người Việt Nam rất ngần ngại sơ cứu cho ai đó vì nghĩ rằng việc này đòi hỏi chuyên môn rất sâu, chỉ có y tá, bác sĩ mới làm được. Ngoài ra, họ cũng sợ bị liên lụy. 

Ông Tony cho hay, ở các nước phát triển, sơ cứu là nội dung bắt buộc trong chương trình học ở bậc phổ thông và ai cũng có thể làm được. Sơ cứu không phải là điều trị, không can thiệp sâu mà chỉ nương theo cơ thể người bị nạn để hỗ trợ họ tốt hơn trước và trong khi đưa đến viện. Theo ông Tony, cốt lõi của vấn đề nằm ở nhận thức. Việc có chương trình đào tạo, giáo dục mang tính bắt buộc sẽ thúc đẩy việc nâng cao nhận thức của người dân. 

“Nên sớm dạy kỹ năng sơ cứu cho học sinh tiểu học, THCS bởi đây là kỹ năng phục vụ sự sống còn. Khi được giáo dục về sơ cấp cứu, trẻ sẽ có nhận thức đúng, trước hết là nhận diện những rủi ro để phòng tránh và tự tin giúp đỡ cộng đồng nếu xảy ra sự cố. Làm tốt điều này là góp phần giảm tải gánh nặng cho xã hội cũng như hệ thống y tế và nền kinh tế nói chung. Cụ thể, người bị tai nạn nếu được sơ cứu kịp lúc, đúng cách thì sẽ phục hồi nhanh hơn, giảm thời gian nằm viện” - ông Tony tâm huyết. 

Anh Ekkachai Nasompong - chuyên viên Cục Giáo dục đặc biệt, Bộ Giáo dục Thái Lan - cho biết, anh cùng nhóm người khiếm thị Thái Lan đến Việt Nam học lớp đào tạo sơ cứu của SSVN vì ở Thái Lan không có lớp dạy sơ cứu, càng không có lớp dạy sơ cứu dành cho người khiếm thị.

Nội dung sơ cứu rất đa dạng

SSVN là doanh nghiệp xã hội, hoạt động với mục tiêu “mỗi gia đình Việt Nam có ít nhất 1 người biết sơ cấp cứu đúng cách”. Từ năm 2014 đến nay, SSVN đã giúp hơn 83.000 lượt người Việt Nam tiếp cận khóa đào tạo sơ cấp cứu thông qua các chương trình thương mại và phi lợi nhuận. 

Nội dung đào tạo của SSVN bao gồm các kỹ năng hồi sinh tim phổi, kỹ năng sơ cấp cứu đột quỵ, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngưng tim đột ngột; xử trí khi có người hóc thức ăn, dị vật, đuối nước, chảy máu, mất máu; xử lý các vết bỏng, rạn nứt, gãy xương; xử lý khi bị rắn cắn, gặp các sự cố về điện, cháy… Ngoài những khóa học trực tiếp, SSVN cũng đào tạo miễn phí cho cộng đồng trên các nền tảng mạng xã hội.

Chị Trang Jena Nguyễn - Phó giám đốc Survival Skills Vietnam 

Đặt trạm sơ cứu ở địa điểm công cộng

Khi người bị nạn bất tỉnh, nếu chẳng may ngưng thở thì trong vòng 30-180 giây sẽ chết não, ngưng tim và tử vong. Khóa học sơ cứu cho chúng tôi nhận thức đúng, thao tác đúng, và quan trọng là biết làm đúng trong 3 phút vàng để duy trì sự sống. Ở TPHCM, khi có người bị tai nạn, xe cấp cứu khó tiếp cận được trong vòng 15 phút do đường sá chật, hẹp, lượng xe cấp cứu ít và phân bố không dày. Do đó, việc nhân rộng mạng lưới sơ cứu sẽ hỗ trợ nhanh cho người bị nạn. 

Theo tôi, nên đẩy mạnh việc đào tạo và có thể kết hợp đặt trạm sơ cứu ở các nhà vệ sinh công cộng, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về sơ cứu, thu hút các nguồn lực tài trợ mang tính nhân đạo để vừa duy trì hoạt động của các đội sơ cứu, vừa vận hành hiệu quả các nhà vệ sinh công cộng.

Anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI