Học cách nhận diện và phòng ngừa đột quỵ cho bản thân và gia đình

12/01/2025 - 22:40

PNO - Chiều 12/1, Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing và Viện Ứng dụng Công nghệ Y tế (IMT) đã phối hợp thực hiện workshop "Nhận diện và phòng ngừa đột quỵ”. Workshop diễn ra dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Theo Hội đột quỵ thế giới, đột quỵ được xem là "kẻ sát thủ thầm lặng" khi mỗi năm có hơn 12 triệu người mắc và 6 triệu ca tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, có đến hơn 200.000 ca đột quỵ mỗi năm và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Thanh chia sẻ tại workshop - Ảnh: Safe and Sound
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Thanh chia sẻ tại workshop - Ảnh: Safe and Sound

Workshop được tổ chức nhằm cung cấp những thông tin về nguyên nhân, các dấu hiệu nhận biết cũng như cách xử lý ban đầu khi người thân bị đột quỵ. Tại buổi chia sẻ, thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Thanh - Cố vấn chuyên môn cao cấp Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing; phụ trách điều hành Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch học Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ là do thiếu máu (nhồi máu não, chiếm khoảng 85% tổng số ca đột quỵ) và đột quỵ do xuất huyết (chiếm 15% tổng số ca đột quỵ).

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Thanh thông tin: “Khung giờ vàng trong điều trị đột quỵ thiếu máu não là 6 tiếng kể từ khi có triệu chứng. Vì vậy, khi phát hiện người thân có một trong các dấu hiệu như: cười méo mó, nói ngọng, xuội tay… thì người nhà phải ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có đơn vị chống đột quỵ để được điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng về sau”.

Bên cạnh đó, người dân cần trang bị các kiến thức về sơ cấp cứu để có thể đưa ra hướng xử trí kịp thời khi người thân không may lên cơn đột quỵ. Ví dụ, nếu bệnh nhân còn ý thức, người nhà cần nhanh chóng đỡ đầu và vai họ bằng gối khoảng 30 độ; nếu bệnh nhân mất ý thức thì để họ nằm nghiêng, 1 chân co, 1 chân duỗi (tư thế hồi phục); trong trường hợp nạn nhân ngưng tim, ngưng thở phải tiến hành thổi ngạt, ép tim…

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Thanh cho biết thêm, đa phần người lớn tuổi có tâm lý sợ làm phiền nên khi bệnh tình trở nặng mới thông báo đến con cháu, điều này rất nguy hiểm. Song song đó, thực trạng người già cô đơn trong tương lai sẽ trở nên phổ biến. Chính vì vậy, mô hình bác sĩ gia đình - mỗi gia đình hoặc 2 đến 3 gia đình sinh sống gần nhau sẽ thuê một bác sĩ để được thường xuyên theo dõi, kiểm tra và chăm sóc sức khỏe. Đây là mô hình đã có từ lâu tại các nước phương Tây, với Việt Nam thì còn mới mẻ. Tuy nhiên, mô hình này là xu thế tất yếu khi các cơ sở y tế dần trở nên quá tải.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI