Học bổng Sơn Nam nối dài tình yêu với 'ông già đi bộ'

22/08/2018 - 13:24

PNO - Kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, nhà xuất bản Trẻ đã cho tái bản 20 tác phẩm của ông, đồng thời lập chương trình trao học bổng Sơn Nam về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Một buổi ra mắt, trò chuyện tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam vừa diễn ra vào sáng 22/8, tại hội trường nhà xuất bản (NXB) Trẻ. Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ - cho biết, đơn vị đã trao 20 suất học bổng Sơn Nam cho các trường THCS ở tỉnh Kiên Giang vào tháng 4/2018.

Hoc bong Son Nam noi dai tinh yeu voi 'ong gia di bo'
 

"Sắp tới, chúng tôi sẽ trao tiếp 80 suất cho các trường THCS ở Cà Mau và Tiền Giang. Mỗi suất là 100 cuốn sách của nhà văn Sơn Nam, với tổng kinh phí cho các tủ sách khoảng 425 triệu đồng. Chúng tôi cũng kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đồng hành trong việc trao tặng tủ sách Sơn Nam đến thư viện các trường vùng sâu vùng xa trong thời gian tới" - ông Nguyễn Minh Nhựt nói.

Bộ sách tái bản, có bổ sung lần này gồm nhiều thể loại. Hương rừng Cà Mau, Biển cỏ miền Tây, Mùa len trâu, Bà chúa Hòn, Xóm Bàu Láng, Vạch một chân trời - Chim quyên xuống đất… là những tác phẩm tiêu biểu ở thể loại truyện dài, truyện ngắn của cố nhà văn.

Ngoài ra, các tập ghi chép, biên khảo: Từ U Minh đến Cần Thơ, Đất Gia Định xưa - Bến Nghé xưa - Người Sài Gòn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam… cũng được phát hành phiên bản mới.

Hoc bong Son Nam noi dai tinh yeu voi 'ong gia di bo'
 

Trong ký ức của gia đình và nhiều người quý mến nhà văn Sơn Nam, hình ảnh "ông già đi bộ" hiện lên dung dị, gần gũi. "Hồi đó, ông hay nói vui, NXB Trẻ là ngân hàng của ông. Có lần ông đến NXB đề nghị ứng tiền để mua xe gắn máy cho con gái. Tôi có hỏi vui rằng con gái hiện như thế nào. Ông bảo, mày nhìn tau đẹp sao là con gái tau đẹp như thế ấy. Dù có qua bao nhiêu năm, tôi vẫn giữ mãi những ký ức khó quê về ông" - TS Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc NXB Trẻ, nhớ lại. 

Hoc bong Son Nam noi dai tinh yeu voi 'ong gia di bo'
Nhà văn Đoàn Thạch Biền trao tặng những ấn bản sách cũ từng mua của "ông già đi bộ" cho Nhà tưởng niệm Sơn Nam

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam tâm sự: “Lịch sử Nam bộ là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha tôi lo khẩn hoang, mở đất. Nên những trang viết của tôi cũng dành cho việc khẩn hoang mở đất. Đây cũng là đề tài mà người dân Nam bộ rất quan tâm, bởi trong ký ức của những người Sài Gòn cũ, người Nam bộ cũ, vẫn còn lưu giữ rất nhiều ấn tượng trong việc vật lộn với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên trong những ngày đầu mở đất, mở nước”. Đây cũng chính là tâm thức sáng tác cả đời ông dành cho văn chương, cho Cà Mau nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung.

TS Nguyễn Thị Hậu cũng nói rằng, những trang viết thấm đẫm hồn quê của nhà văn Sơn Nam là động lực lớn cho chị tiếp tục con đường nghiên cứu học thuật.

Một chi tiết thú vị được NXB Trẻ chia sẻ là các tác phẩm Sơn Nam bán rất chạy mỗi dịp Tết đến. Bạn đọc mua nhiều dịp này là kiều bào các nước trở về quê hương ăn Tết. Nói như vậy để thấy rằng, những trang viết của Sơn Nam cũng đã trở thành hồn cốt, là kho tàng với những giá trị vượt thời gian của văn chương miền Nam. 

Hoc bong Son Nam noi dai tinh yeu voi 'ong gia di bo'
TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ về các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam

Tháng 3/2003, NXB Trẻ đã ký tác quyền trọn đời với nhà văn Sơn Nam. "Việc xây dựng học bổng và tủ sách Sơn Nam dành cho bạn đọc đồng bằng sông Cửu Long như cách thể hiện tấm lòng ông vẫn luôn đau đáu với mảnh đất này lúc sinh thời" - TS Quách Thu Nguyệt nói thêm.

Từ năm nay, NXB Trẻ cũng sẽ tổ chức giải thưởng bình sách Sơn Nam hàng năm, sẽ trao chỉ một giải thưởng (trị giá 10 triệu đồng) cho bạn đọc có bài cảm nhận hay nhất. Thể lệ giải thưởng dự kiến được in trên tờ rơi kèm theo mỗi cuốn sách. Đây cũng là một trong những cách góp phần lan tỏa niềm yêu thích đọc sách của độc giả và giá trị các tác phẩm Sơn Nam. 

Hoc bong Son Nam noi dai tinh yeu voi 'ong gia di bo'
 

Nhà văn Sơn Nam (tên thật là Phạm Minh Tài), sinh năm 1926 tại Kiên Giang. Gia đình ông từ cù lao ông Chưởng ở Long Xuyên (An Giang) đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tuổi thơ của ông tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh, đó cũng là vốn sống đầu tiên, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của ông sau này.

Tác phẩm đầu tay của nhà văn Sơn Nam là tập thơ Lúa reo (xuất bản năm 1948). Giai đoạn 1951 - 1952, truyện ngắn Bên rừng Cù lao Dung Tây đầu đỏ của ông được trao giải nhất cuộc thi do Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ tổ chức. Tên tuổi nhà văn Sơn Nam được biết đến rộng rãi trên văn đàn sau tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau (xuất bản năm 1962).

Cho đến nay, đây vẫn là tập truyện ngắn được đánh giá cao nhất trong số các tác phẩm đặc sắc viết về Nam bộ. Ông mất ngày 13/8/2008.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI