Học sinh giỏi mơ thành đầu bếp
Căn nhà cấp 4 nơi Nguyễn Ngọc Minh Thy cùng 5 thành viên trong gia đình sinh sống nằm sâu trong hẻm 608 Phạm Thế Hiển, phường 14, quận 8. Trong gian bếp nhỏ, Minh Thy đang phụ bà nấu ăn. Mẹ Minh Thy làm công nhân nhưng nhiều tháng nay không tăng ca nên thu nhập chỉ còn khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ba em làm nghề sửa điện máy tại nhà, nhưng công việc bấp bênh. Kinh tế gia đình vì thế khá chật vật.
|
Minh Thy và mẹ luôn động viên nhau vượt qua khó khăn |
Minh Thy có chị gái đang học lớp Mười hai. Ông bà ngoại đã ngoài 70 tuổi, không còn sức lao động, nên mọi chi phí cho cuộc sống gia đình và học tập của 2 chị em đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của ba mẹ.
Do hoàn cảnh, Minh Thy không có điều kiện đi học thêm, nên em luôn tận dụng thời gian ở trường và ở nhà để tự ôn luyện bài vở. Với em, việc chăm chỉ học tập là cách tốt nhất để đền đáp công ơn ông bà và ba mẹ, đồng thời giúp mình trở thành người có ích, có thể thay đổi được cuộc sống sau này. Suy nghĩ ấy đã giúp em vượt qua thiếu thốn để giữ vững thành tích học sinh giỏi suốt 6 năm liền.
Năm nay Minh Thy lên lớp Bảy tại Trường THCS Chánh Hưng. Không chỉ xuất sắc trong học tập, em còn có niềm đam mê mãnh liệt với nghề bếp. Từ nhỏ, em đã thích thú với việc nấu nướng, thường xuyên giúp mẹ và bà chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Và niềm đam mê ấy ngày càng lớn trong cô bé. Em luôn tìm kiếm và thử nghiệm các công thức nấu ăn mới, không ngại thử sức với những món ăn phức tạp.
“Mỗi khi đứng trong bếp, em cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới riêng, nơi em có thể sáng tạo và thể hiện bản thân. Được nhìn thấy những người thân yêu thưởng thức những món ăn do mình nấu là niềm vui của em” - Minh Thy chia sẻ. Em không ngừng học hỏi và rèn luyện kỹ năng nấu nướng với ước mơ sau này có thể trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, mở được một nhà hàng của riêng mình, nơi em có thể chia sẻ đam mê ẩm thực với mọi người.
Mẹ của Minh Thy - chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền - tâm sự, chị đi làm suốt ngày, về nhà lại lo giặt giũ, cơm nước, nên hầu như không có thời gian chỉ bảo con cái học hành. Các con của chị đều tự ý thức trong học tập. Chị nói: “Đây là lần đầu Minh Thy được nhận học bổng của Báo Phụ nữ TPHCM. Gia đình tôi vô cùng biết ơn các tấm lòng hảo tâm đã tiếp thêm động lực phấn đấu cho con cũng như cho cả gia đình. Nhận được số tiền này, tôi sẽ sắm sửa quần áo, giày dép và tập sách mới cho con”.
Cô bé chỉ biết mỗi ngày phải cố gắng
Nằm sâu trong hẻm 480 Ngô Gia Tự (phường 4, quận 10), ngôi nhà 20m2 của gia đình em Đặng Nguyễn Thanh Phượng đã rất cũ kỹ. Bên trong, gác lửng bị mối mọt đục khoét bong tróc khắp nơi, mái tôn gỉ sét và có nhiều chỗ hở. Đến nhà Phượng vào một chiều mưa, chúng tôi thấy em đang loay hoay lau dọn những vùng nước còn đọng trên nền. Lau dọn nhà xong, em lại rửa chén bát, nấu cơm, kèm em trai làm bài tập. Luôn tay với công việc nhưng em vẫn cười nói: “Em quen rồi. Đi học về hoặc có thời gian rảnh là em làm việc nhà, chăm em để ba mẹ an tâm buôn bán”.
|
Thanh Phượng phụ mẹ bán nước mía tại đầu hẻm 480 Ngô Gia Tự, phường 4, quận 10 |
Để có tiền trang trải cuộc sống, mẹ của Phượng - chị Nguyễn Hoàng Thanh Vân, 39 tuổi - hằng ngày phải dậy từ 5g sáng để chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ trước khi đẩy xe nước mía ra bán ở đầu hẻm. 7 năm qua, xe nước mía ấy mang lại nguồn thu nhập chính để nuôi lớn chị em Phượng. Kinh tế khó khăn nên việc bán nước mía của chị cũng bấp bênh. Ngày nắng, chị kiếm được khoảng 300.000-400.000 đồng, nhưng ngày mưa thì chỉ đủ mua bó rau, con cá. Trước đây, ba Phượng làm thợ mộc, thu nhập cũng được 3-4 triệu đồng/tháng. Nhưng tai nạn lao động làm một bên mắt của ông yếu đi, gánh nặng cơm áo gạo tiền, vì thế, lại đè lên vai chị Vân.
Nhìn con, chị Vân nghẹn ngào kể, Phượng bị sinh non, vì khi mang thai chị phải làm việc quá nhiều. Cũng bởi thế mà hồi nhỏ Phượng hay ốm đau, ít nói và ngại giao tiếp với mọi người. Nhưng lớn lên thì em cởi mở và trưởng thành hơn. Thấu hiểu nỗi vất vả của gia đình, em luôn nỗ lực học tập và san sẻ với mẹ công việc nhà. Chị Vân nói: “Phượng là niềm tự hào và động lực lớn của tôi. Dù không dám kỳ vọng gì lớn lao nhưng tôi vẫn cố gắng lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn, không có tiền tôi cũng sẽ vay mượn”.
Thanh Phượng đang học lớp Bảy Trường THCS Hoàng Văn Thụ. Tính tình hiền dịu, chăm ngoan, lại không ngừng nỗ lực nên nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu quý.
Trong năm học mới 2024-2025, lần đầu tiên Phượng được nhận học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” của Báo Phụ nữ TPHCM. Không đắn đo, em cho biết sẽ đưa cho mẹ mua quần áo mới, sách vở và đóng học phí cho cả 2 chị em.
Phượng bộc bạch: “Em không dám mơ ước xa xôi mà em chỉ biết mỗi ngày phải cố gắng học thật giỏi để làm ba mẹ vui lòng, xứng đáng với sự quan tâm yêu thương mà các cô chú mạnh thường quân đã trao gửi”.
Ngọc Trăm