Học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” lần thứ 33: Ước mơ của Nhiên và nỗi lòng của mẹ

02/08/2024 - 06:27

PNO - Mười mấy tuổi đầu, nhưng nơi xa nhất Nhiên đi là từ quận này sang quận kia. Để chuẩn bị cho con vào lớp Mười, mẹ phải đi vay 1 triệu đồng. Nhưng số tiền ấy chẳng đủ mua bộ sách với 2 bộ đồng phục mới.

Nhờ buôn bán mà tụi nhỏ có mì, cháo qua bữa

Bà Trương Thị Nhung - 56 tuổi, ngụ phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM - cầm chiếc ghế đi tới đi lui nhưng không biết đặt chỗ nào cho tiện. Trời mưa lâm râm, không thể để khách ngồi dưới lòng đường, còn bậc tam cấp trước cửa phòng thì vướng tủ tạp hóa, không đủ chỗ đặt 2 cái ghế. Trong phòng, con gái lớn đang ngủ sau 1 đêm làm việc trong khu chế xuất.

Không còn cách nào, bà Nhung ngại ngùng mời khách vào bên trong. Căn phòng rộng 7 - 8m2 gồm cả bếp núc, nhà vệ sinh. 3 cái ghế nhựa bày ra, căn phòng không còn lối đi. Tất cả vật dụng trong phòng đều cũ kỹ. Gia đình bà Nhung đã trọ trong căn phòng này 13 năm nay.

Thảo Nhiên và mẹ trước “cửa hàng” tạp hóa của gia đình
Thảo Nhiên và mẹ trước “cửa hàng” tạp hóa của gia đình

Chỉ bức ảnh trên bàn thờ, bà Nhung kể, chồng bà ra đi vì COVID-19. Trước đó, ông mang đủ thứ bệnh như tiểu đường, huyết áp, tai biến, suy thận, nên bà cũng phải theo ông vào ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Không thể đi làm công khi chồng bệnh tật như thế, mà ở không thì đói, nên bà bày ra tủ tạp hóa để vừa chăm sóc chồng, vừa buôn bán kiếm đồng ra đồng vô. Nhưng không có vốn nên tủ tạp hóa cũng chỉ có ít gói mì tôm, vài chai nước tương, ít cà phê gói và vài lốc nước giải khát.

Để có thêm thu nhập, bà Nhung bán thêm món cháo trắng ăn với trứng vịt và củ cải muối. Không có chỗ để khách ngồi nên bà chỉ bán mang đi. Tiệm mở từ 5g chiều đến 1g sáng, mỗi ngày bà cũng kiếm được vài chục ngàn đồng.

“Ngày nắng cũng bán được vài ba chai nước cho dân lao động, còn mưa như mấy bữa nay thì chỉ có ngồi nhìn ra. Nhưng cũng nhờ bán lặt vặt vầy mà tụi nhỏ có mì gói, có cháo ăn qua bữa. Mấy bữa con đi thi mà nhà hết tiền, nhìn con ăn mì 3 ngày liên tiếp mà rớt nước mắt” - bà Nhung mếu máo.

Thương con nhưng chẳng thể làm gì...

“Có mì ăn là ngon lắm rồi mẹ” - Lâm Trương Thảo Nhiên - 15 tuổi, con gái út của bà Nhung - lay cánh tay mẹ khi bà chực khóc. Không còn hồn nhiên, Thảo Nhiên nhận thức rõ hoàn cảnh của gia đình mình. Em kể, ba bệnh mười mấy năm trời khiến chị Hai dù học rất giỏi, đành từ bỏ ước mơ học hành để đi làm công nhân.

Anh Ba học xong lớp Chín thì rẽ sang học nghề để sớm được đi làm giúp mẹ. Nhưng vừa tốt nghiệp trường nghề thì đến tuổi nhập ngũ. Nhà giờ chỉ còn 3 mẹ con. Tiền mẹ kiếm được đành để lo bữa ăn hằng ngày, đồng lương của chị Hai để lo tiền nhà và trả góp khoản nợ 200 triệu đồng vay ngân hàng để chữa bệnh cho ba.

Biết mẹ, chị gái dù vất vả vẫn cố gắng lo cho mình ăn học, Nhiên không dám đòi hỏi gì mà chỉ biết cố gắng học thật giỏi. Tổng kết năm học 2023-2024, Nhiên đạt 9.1. Trong kỳ tuyển sinh lớp Mười vừa qua, em đậu vào Trường THPT Ngô Quyền - một trong những ngôi trường tốt của quận 7.

Chia sẻ bí quyết học tốt, Nhiên cho biết ở lớp, em tập trung lắng nghe giáo viên giảng bài, về nhà cố gắng luyện tập thật nhiều để nắm vững kiến thức. Nhiên quyết tâm học tiếng Anh thật giỏi bằng cách tập phát âm, dịch phụ đề và tranh thủ học từ vựng từ những bộ phim tiếng Anh.

Không chỉ học, mấy năm qua Nhiên đã nhiều lần xin đi phụ quán nhưng bị từ chối vì chưa đủ tuổi. Không chịu thua, Nhiên lên mạng tìm việc và làm cộng tác viên bán hàng online với những món đồ có giá trị nhỏ, vì không có vốn. Dù chỉ lời vài ngàn đồng mỗi món, nhưng với Nhiên, số tiền đó đã giúp em trang trải bớt phần nào những khoản tiền lặt vặt ở lớp.

Nhiên kể, nhờ phải học online trong mùa COVID-19 mà em được tiếp xúc với điện thoại, tiếp cận với một số game hoạt hình. Lướt xem rồi bắt chước cách làm phim hoạt hình trên YouTube, Nhiên tập làm và lập 1 kênh YouTube riêng để đăng tải những sản phẩm của mình. Làm được khoảng 10 video thì kênh có gần 4.000 lượt người đăng ký theo dõi. Có người liên hệ mua lại kênh với giá 1 triệu đồng, thế là Nhiên bán. Đó là số tiền lớn đầu tiên trong đời em kiếm được.

Những ngày hè, Thảo Nhiên thích chăm chút tủ hàng của mẹ
Những ngày hè, Thảo Nhiên thích chăm chút tủ hàng của mẹ

Biết Nhiên là đứa trẻ sáng tạo và có khả năng làm nhiều thứ, bà Nhung nói “cái khó bó cái khôn”, bà thương mà chẳng thể làm gì cho con. Con mơ ước có 1 cái laptop để thuận tiện cho việc học và phát triển, nhưng 1 cái điện thoại “cùi bắp” bà còn không với tới. Những hoạt động ngoại khóa ở trường, Nhiên rất thích nhưng chẳng mấy khi tham gia vì không có tiền, cũng chẳng có phương tiện đi lại.

“Mười mấy tuổi đầu, nhưng nơi xa nhất nó đi được là từ quận này sang quận kia. Mấy hôm nay, để chuẩn bị cho nó vô lớp Mười, tôi phải vay 1 triệu đồng. Vậy mà vẫn không đủ để mua bộ sách với 2 bộ đồng phục mới”.

Năm nay, Nhiên tiếp tục được nhận học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” của Báo Phụ nữ TPHCM. Đây là năm thứ ba liên tiếp em được đón nhận sự hỗ trợ này. Em nói, suất học bổng 2 triệu đồng không chỉ giúp em đóng học phí, mua thêm dụng cụ học tập, mà còn mang đến niềm vui khi biết mình được quan tâm, được yêu thương, nâng đỡ.

“Học bổng đã tạo động lực, niềm tin rất lớn để con tiếp tục cố gắng học tập. Lúc nào con cũng ước sau này có việc làm, có tiền con sẽ quay lại Báo Phụ nữ TPHCM để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh giống con” - Nhiên khẳng định.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI