PNO - Trong những ngôi nhà chật hẹp, tồi tàn, thậm chí không có lấy chiếc bàn học đúng nghĩa, vậy mà những nữ sinh vẫn hằng ngày ấp ủ và nuôi lớn giấc mơ…
Nguyễn Thị Thanh Tâm và mẹ trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp ở quận 4
Ước mơ rộng trong căn nhà chật hẹp
18 tuổi, nhưng năm học 2024-2025 sắp đến, Nguyễn Thị Thanh Tâm (phường 10, quận 4) mới vào lớp Chín. Chị của Thanh Tâm là Thanh Trâm (20 tuổi) và em gái Thanh Trúc (17 tuổi) cùng vào lớp Mười. Tâm cho biết, em và 2 chị em gái đều đi học trễ bởi nhà đông con… Mãi đến khi cán bộ phường đến nhà đốc thúc, gia đình mới lo làm giấy khai sinh để 3 chị em được đến trường. Chưa kể, vì hoàn cảnh khó khăn, học xong lớp Bốn, Tâm phải dừng việc học để đi phụ quán nước kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hơn 1 năm sau, được sự động viên của nhiều người, Tâm mới đi học trở lại.
Nghe con gái nói, bà Đào Thị Nhuần - mẹ của Thanh Tâm - phân trần, vợ chồng bà sinh 9 đứa con, nên quanh năm lo cái ăn đã là quá sức. Cho nên, nhà chỉ có 3 đứa nhỏ được đi học, 6 đứa lớn không được đến trường ngày nào. Từ nhỏ, chúng đã đi làm thuê, bán vé số để cùng cha mẹ chạy ăn từng bữa. Đến nay, gia đình bà Nhuần vẫn thuộc diện hộ nghèo. Chồng bà chạy xe ôm, mỗi tháng thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng. Còn bà vừa bán vé số vừa chăm cháu, thu nhập chỉ đủ mua ký gạo, mớ rau. Trong 6 đứa con lớn, 2 người là lao động tự do, thu nhập chỉ đủ nuôi sống bản thân, 2 người thất nghiệp và 2 người bị tâm thần. Việc cho 3 chị em Thanh Tâm đi học cùng lúc là vấn đề rất lớn đối với vợ chồng bà.
Căn nhà cấp 4 đã xuống cấp rộng chừng 40m2 do cha mẹ bà Nhuần để lại hiện có tổng cộng 16 người sinh sống. Vì 2 con lớn đã lập gia đình nên bà Nhuần buộc phải ngăn phòng cho các con. 7 đứa con còn lại và vợ chồng bà, vì thế, phải ở ké phần diện tích của người em trai sống độc thân. Căn phòng chừng 15m2 là không gian sinh sống của chừng ấy con người nên bàn ăn vừa là giường ngủ của cậu, vừa là góc học tập của chị em Tâm. Đầu giường là nơi để chén bát.
Mỗi ngày, Tâm ngồi học nơi chiếc bàn con duy nhất đặt giữa nhà. Chiếc ghế ngồi cao gần bằng mặt bàn, nhưng với Tâm, có được chỗ ngồi đã là mừng. “Ban ngày cậu với ba đi làm, tối về ăn uống xong thì tập trung ở đây, nên bình thường, em ngồi bệt dưới thềm rồi đặt sách vở lên ghế mà viết chứ không có bàn để ngồi” - Tâm nói.
Không có góc học tập, nên mỗi khi học xong, chị em Tâm xếp sách vở, cho vào bao, rồi đẩy xuống gầm giường. Nhà nghèo nên Tâm chưa từng đến lớp học thêm. Hễ bài nào không hiểu thì em về nhà mở YouTube nghe giảng thêm. Vậy mà 8 năm liền, cô gái vẫn cố gắng học giỏi.
Năm học mới sắp đến, nhưng cả 3 chị em Tâm đều chưa có sách vở. Tâm nói sẽ tìm xin sách cũ, nếu đến cuối tháng Tám vẫn chưa xin được thì mới tính chuyện mua sách mới. Còn 2 bộ đồng phục em đặt mua từ năm lớp Sáu, đến nay vẫn còn mặc vừa nên không cần phải mua thêm. Hỏi, đi học với những bạn nhỏ hơn mình 3-4 tuổi có ngại không, Tâm cười: “Em chỉ lớn tuổi hơn, còn người vẫn nhỏ hơn các bạn nên không ai biết em “già” như vậy”.
Hè mấy năm trước, Tâm xin phụ quán để có tiền trang trải đầu năm học. Nhưng mùa hè năm nay, sau 1 đợt cảm sốt, Tâm bị liệt dây thần kinh số 7 nên phải đến trung tâm y tế phường điều trị mỗi ngày. Được các bác sĩ quan tâm, điều trị tận tình, ước mơ trở thành bác sĩ bắt đầu rõ ràng hơn trong hình dung về tương lai của cô gái trẻ. Khi Tâm chia sẻ ước mơ của mình với mẹ, bà Nhuần bần thần: “Mẹ không biết có lo cho mày học hết cấp III nổi hay không nữa”.
Dù nghèo, quyết không để con học hành dang dở
“Mới đi mua khúc áo dài cho con bé Tư, bỏ ra tiệm cho người ta may đặng kịp nhập học. Mần cả ngày, giờ còn được mấy chục ngàn trong túi. Còn sách cho thằng út thì bữa dặn, người ta hứa cho rồi nên cũng đỡ phần nào” - anh Phan Văn Toàn (ấp 12, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) vừa khoe với vợ, vừa dắt xe vào nhà.
Tranh thủ những ngày hè, Phan Quỳnh Như dành thời gian nghiên cứu trước bài vở để sẵn sàng cho năm học mới
Một bên mắt của anh Toàn gần như không còn thấy gì sau ca phẫu thuật cận thị bị hỏng cách đây gần 20 năm. Anh nói con mắt còn lại vẫn còn thấy đường là may mắn, và nhờ đó, anh có thể chạy xe kiếm cơm mỗi ngày. Công việc của anh hiện nay là nhận nước rửa chén từ xưởng về chiết vô thùng 5 lít và đi giao cho các cửa hàng, quán ăn. Mỗi thùng anh lời 5.000 đồng. Mỗi ngày làm việc cật lực, anh kiếm được khoảng 200.000-300.000 đồng. Chị Nguyễn Thu Trang - vợ anh Toàn - ở nhà nội trợ và nhận lặt ngò cho 1 công ty. Nhưng do hàng không đều, mỗi tháng chỉ làm được 5-7 ngày, nên những ngày còn lại, trong xóm có đám tiệc, gọi chị phụ giúp, chị đều làm.
Vợ chồng anh Toàn có 4 đứa con, đều đang tuổi đến trường. Con gái lớn mới tốt nghiệp THPT, đang chờ kết quả tuyển sinh đại học. Cháu thứ hai chuẩn bị vào lớp Mười một. Cháu thứ ba vào lớp Mười. Và cháu út chuẩn bị vào lớp Bảy. Với khoản thu nhập ít ỏi, vợ chồng họ phải hết sức gói ghém mới tạm đủ chi phí học tập cho các con, dù các cháu đều được giảm 50% học phí theo chính sách dành cho hộ cận nghèo.
Anh Toàn bộc bạch: “Hồi tụi nó còn nhỏ thì làm còn có dư, sắm sửa này nọ. Nhưng tụi nó lên cấp II, cấp III thì không đủ đâu vào đâu. Đến mức không khi nào vợ chồng tôi có 500.000 đồng trong túi”.
Dù hết sức khó khăn, nhưng anh Toàn lại rất tự hào về 4 đứa con, bởi các cháu đều ý thức được hoàn cảnh, tự giác học tập và đều là học sinh giỏi. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, chị lớn đăng ký vào Trường đại học Y dược TPHCM và đang hồi hộp chờ kết quả. Cũng có ước mơ làm bác sĩ như chị, con gái thứ hai là Phan Quỳnh Như đang học lớp chuyên sinh Trường THPT Long Thới.
Không chỉ là ngôi sao của lớp, Như luôn là gương mặt đại diện cho trường tham gia các cuộc thi học sinh giỏi môn sinh cấp huyện, thành phố. Như chia sẻ: “Ba mẹ dù vất vả nhưng không ca thán, quyết lo cho 4 chị em học hành đến nơi đến chốn. Em không giúp gì được cho ba mẹ ngoài việc phải cố gắng học thật giỏi. Chỉ có học giỏi mới giúp em thoát nghèo, cuộc sống của ba mẹ sau này cũng bớt khổ”.
Con học giỏi thì mừng, nhưng nỗi lo cũng thường trực trong câu chuyện hằng đêm của vợ chồng anh Toàn - chị Trang khi các con lần lượt đến gần với ngưỡng cửa đại học. Nếu con đậu đại học thì làm sao lo nổi học phí hàng chục triệu đồng? Vừa đi làm, anh Toàn vừa nghe ngóng, hỏi xin học bổng từ các nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên hiếu học. Biết được câu chuyện của gia đình anh, 1 nhà hảo tâm đã hứa sẽ hỗ trợ phần nào học phí nếu con anh đỗ đại học.
Riêng Quỳnh Như, mấy năm qua, em cũng chủ động tìm học bổng cho mình bằng cách gửi thư đến các chương trình học bổng khuyến học của thành phố. Như chia sẻ, những suất học bổng 1-2 triệu đồng dành cho học sinh phổ thông đủ giúp ba mẹ em giải tỏa nỗi lo đè nặng mỗi khi vào năm học mới. Và năm học 2024-2025 này, Như vô cùng hạnh phúc khi hay tin sẽ được Báo Phụ nữ TPHCM tiếp sức bằng suất học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó”.
Chiều 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt, biểu dương Đội tuyển bóng đá nam quốc gia sau khi đội tuyển giành chức vô địch ASEAN Mitsubishi Electric Cup™ 2024.
14g30 ngày 6/1/2025, chuyến bay Vietnam Airlines chở đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vừa giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài.