Học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” lần thứ 33 - Khó khăn không làm cản bước vươn lên

19/07/2024 - 06:21

PNO - Thiếu tình thương và sự bảo bọc của cha, 2 cô học trò nghèo Trần Cát Uyên (13 tuổi) và Lê Ngọc Diễm (15 tuổi) đang nỗ lực vươn lên từng ngày. Uyên và Diễm là 2 trong số hàng trăm học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Báo Phụ nữ TPHCM trao học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” năm học 2024-2025 tới đây.

Tuổi 13 nhọc nhằn

3 mẹ con em Trần Cát Uyên và 4 thành viên gia đình người dì ruột đang chung sống trong một căn nhà thuê có diện tích khoảng 30m2 nằm trên đường Xuân Thủy, khu phố 7, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM. Gần 2/3 diện tích sáng sủa phía trước là nơi mẹ Uyên - chị Trương Thị Thọ - mở nhà thuốc.

Ở phía sau, hằng ngày Uyên thay mẹ lo cơm nước, giặt giũ và kèm cặp 3 đứa em học hành. Thỉnh thoảng có khách nước ngoài ghé, Uyên ra trò chuyện rồi dịch lại cho mẹ. Là chị lớn, từ lúc 8-9 tuổi, Uyên đã làm việc nhà và chăm sóc việc ăn uống, tắm rửa cho các em. Ban đầu, em cảm thấy vất vả, thiếu thời gian cho việc học. Nhưng về sau, em đã chủ động học bài và làm bài tập vào giờ giải lao ngay tại lớp.

Chị Thọ quê ở Nghệ An, vào TPHCM học trung cấp dược rồi lập gia đình, sinh con, đến nay đã hơn 20 năm. Khi Uyên được 4 tuổi, em gái 2 tuổi, thì cha mẹ ly hôn. Tuy chật vật, nhưng mấy mẹ con, dì cháu sống nương tựa vào nhau nên cuộc sống cũng tạm ổn.

Không chỉ học giỏi và phụ giúp mẹ phần lớn việc nhà, Trần Cát Uyên (bìa trái) còn là gia sư của 3 đứa em
Không chỉ học giỏi và phụ giúp mẹ phần lớn việc nhà, Trần Cát Uyên (bìa trái) còn là gia sư của 3 đứa em

Tuy nhiên, vào tháng 12/2023, tai ương thình lình ập đến khi dượng của Uyên bị té giàn giáo trong lúc làm việc dẫn đến bị chấn thương sọ não, gãy đốt sống và liệt 2 chân. Hơn nửa năm dì chăm sóc dượng trong bệnh viện, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và 4 đứa trẻ học hành đều do mẹ Uyên gánh vác. Cảnh nhà khiến Uyên càng phải nỗ lực đỡ đần mẹ.

Ở tuổi 13, Uyên đã khá chững chạc. Em đang là học sinh Trường THCS An Phú (TP Thủ Đức). 7 năm qua, không chỉ đạt kết quả học tập xuất sắc, Uyên còn là học sinh giỏi toán và là chỉ huy Đội giỏi của TP Thủ Đức.

Em bảo, tham gia các hội thi vì mong có giải thưởng để phụ mẹ. Uyên thường tìm những bài toán khó rồi mày mò cách giải, đồng thời tự học tiếng Anh với mong muốn sau này có cơ hội việc làm tốt, đi đó đi đây khám phá thế giới.

Ước mơ trở thành thẩm phán

Ngay sau khi TPHCM công bố điểm chuẩn lớp Mười, chiều 3/7, căn phòng trọ nhỏ trên đường số 45, khu phố 9, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức rộn rã tiếng cười. Với 24,75 điểm, Lê Ngọc Diễm đã trúng tuyển vào Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh).

Thêm một niềm vui nữa, năm học 2024-2025, Diễm được Báo Phụ nữ TPHCM xét trao học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó”. Chị Lê Ngọc Tuyền - Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp Bình Chánh - đến nhà rủ Diễm ra tiệm lấy số đo để may tặng em 1 bộ áo dài.

“Sau khi thi xong, em tự tin sẽ đậu, nhưng lòng bất an vì mẹ bị tai nạn. Mấy tuần qua, em không dám nhắc chuyện trường lớp, sợ mẹ lo nghĩ khiến sức khỏe xấu thêm. Hôm nay, trong 1 ngày, em nhận được 3 tin vui, cảm giác thật khó tả” - Diễm bộc bạch.

Em Lê Ngọc Diễm thay mẹ trông coi tiệm tạp hóa
Em Lê Ngọc Diễm thay mẹ trông coi tiệm tạp hóa

Vào ngày 6/6, chị Lê Thị Thanh B. đưa con gái đến trường thi chuyển cấp. Trên đường về, chị bị choáng rồi té xe, gãy xương đùi. Bởi thế, 2 ngày thi với Diễm thật khó khăn. Ban ngày ở trường thi, tối em lại vào bệnh viện với mẹ. Xuất viện về xóm trọ, chị Thanh B. chỉ ngồi một chỗ, thành ra hơn 1 tháng nay, Diễm “gánh” hết mọi việc, từ cơm nước, giúp mẹ vệ sinh cá nhân đến trông coi tiệm tạp hóa - nơi kiếm sống của 2 mẹ con.

Tiệm được chị Thanh B. mở năm 2009, sau khi sinh Diễm. Nhớ lại chuyện cũ, chị nghèn nghẹn: “Tôi rời quê nhà Long An lên TPHCM làm công nhân. Chồng bỏ đi khi con còn đỏ hỏn, kể từ đó không hỏi han, chu cấp gì. Tôi nghỉ việc công ty, lấy tiền trợ cấp mở tiệm tạp hóa với mấy kệ sắt bày dầu ăn, nước mắm và bánh kẹo cho trẻ nhỏ”.

Khi Diễm vào tiểu học, chị Thanh B. bắt đầu nhận đưa đón học sinh gần nhà. Thù lao gần đây của chị là 25.000 đồng mỗi ngày. Để phụ giúp mẹ, Diễm tập tành quán xuyến việc nhà, trông coi tiệm. Hồi ấy, mẹ con Diễm còn bán bánh bao, dừa tươi, nhưng ế ẩm nên thôi.

Mãi đến năm 2019, nhờ được Hội LHPN phường kết nối vay vốn, chị Thanh B. mua tủ mát bán thêm các loại nước giải khát thì tình hình mới khởi sắc. Nhưng rồi dịch giã khiến tiệm tạp hóa của chị trở nên vắng khách, nhiều khi chị Thanh B. không còn tiền lấy hàng mới.

Thương mẹ vất vả, Diễm chưa bao giờ hỏi xin thứ gì dù là bộ quần áo mới hay chiếc ba lô. “Em biết, nhiều bữa mẹ không có đồng nào đi chợ, có tháng phải khất tiền phòng… nhưng càng khó khăn em càng phải nỗ lực để sau này làm chỗ dựa cho ngoại, cho mẹ”.

Năm nay Diễm lên lớp Mười. Là học sinh giỏi kể từ năm lớp Một đến nay, Diễm dự định sẽ thi vào Trường đại học Luật TPHCM để sau này trở thành một thẩm phán. Em đặc biệt yêu thích các môn toán, hóa, văn và tiếng Anh. Bên cạnh việc tự rèn tiếng Anh giao tiếp, Diễm cũng thường xuyên theo dõi các phiên tòa trên các báo điện tử, đây là cách em nuôi dưỡng ước mơ.

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI