PNO - Nghe nhắc đến chữ “ba”; đang đu mình trên cửa sổ, không dưng “cậu bé” khựng lại, vẻ mặt ngơ ngác. Chạy đến vỗ vai em, cậu hỏi: “ba âu?” (ba đâu?).
Linh tính chuyện chẳng lành, em gái nắm tay anh bóp chặt: “ba mất rồi anh! ba mất rồi, anh nhớ không?”. “Cậu bé” bỗng hú lên một tiếng dài rồi ngửa mặt bật cười. Lật đật mở bọc thuốc, em gái bối rối lấy đưa anh…
Kể từ khi cha mất cách đây hơn một tháng, Đức - tên “cậu bé” phải cầu viện nhiều hơn những viên thuốc an thần. Hai mươi tuổi, Đức gầy nhom, nhỏ thó hệt đứa trẻ lên mười.
Đến với nhau trễ tràng, mong mỏi một đứa con, nhưng ngày Đức chào đời, niềm vui của vợ chồng ông Đinh - bà My chưa trọn vẹn thì đối mặt với chẩn đoán con trai bị bại não bẩm sinh. Càng lớn, bệnh Đức càng nặng, những cơn căng cứng rồi run run co giật đến thường xuyên, đôi mắt mờ dần, nói năng không rõ chữ và rất thích hú vang. Mọi sinh hoạt của con từ ăn uống, tắm rửa do một tay bà My chăm sóc.
Gánh nặng áo cơm dồn hết trên đôi vai ông Đinh. Nhưng, nghề xe ôm của ông đâu đủ đắp đổi qua ngày, cuộc sống túng khó, họ phải nương nhờ trong căn phòng mười mét vuông được cha mẹ chia cho. Cái nghèo bám riết, phần như chim sợ cành cong, đôi vợ chồng chẳng mảy may ý định sinh thêm con. Thế rồi năm Đức lên chín, bà My phát hiện mình có thai. Nguyễn Ngọc Trúc Mai (SN 2005) chào đời trong tột cùng hồi hộp, bất an của cha mẹ. May mắn, Mai khỏe mạnh, xinh xắn. Thở phào để rồi bậc sinh thành lại đối mặt với nỗi lo đã thêm phần trĩu nặng. Sinh kế gia đình, từ ấy lắm khi phải dựa vào bát gạo giúp đỡ của người thân.
Ba mẹ con Trúc Mai
Nhà có thêm thành viên mới, như một phép màu, Đức bỗng ngoan hơn, không còn bám riết mẹ như trước, biết “nhường” mẹ cho em. Đứa trẻ khiếm khuyết chuyển sang quấn quýt cha. Mỗi sáng, khi cha chuẩn bị dắt xe đi làm, Đức lật đật bật dậy cầm lấy mũ bảo hiểm, nhảy tọt lên xe cha. Mười một năm qua, không sáng nào ông Đinh không chở cậu con trai dạo một vòng trước khi bắt đầu ngày làm việc. Thi thoảng gặp vị khách không nhận lại tiền thối, người cha ấy mừng rỡ quay về đưa Đức đi sở thú, công viên; nắm tay con dạo siêu thị mua dăm món đồ chơi… Ông bảo, dù con không bình thường, nhưng cho con những “trải nghiệm” tuổi thơ như bao đứa trẻ khác là ước muốn chung của mọi bậc sinh thành.
Một tháng trước, ông Đinh lên cơn đột quỵ, qua đời. Nhìn cha im lìm, xung quanh bỗng ồn ào đông đúc, Đức lại gần từng người rồi đưa tay lên miệng: “Suỵt. Suỵt. Ba ủ” (ba ngủ). Nước mắt ngắn dài, Mai chạy theo níu tay anh, nghẹn ngào: “Ba mình mất rồi, anh vào quỳ lạy ba đi anh!”… Suốt một tuần sau đó, mỗi sáng cứ 5g là Đức bật dậy, chụp vội mũ bảo hiểm lên đầu, háo hức chạy ra đường. Bà My lao theo con, nghẹn ứ: “Ba còn đâu Đức ơi!”. Trong nhà, Mai cuống cuồng mở bọc bóc một viên thuốc an thần…
Vắng đi người trụ cột, ba mẹ con càng lao đao. Muốn giữ chiếc xe cả đời chồng gắn bó làm kỷ niệm, nhưng rồi không còn tiền chợ búa, bà My đứt ruột bán đi. Nhiều đêm thao thức, bà chảy nước mắt nghẹn thắt nỗi thương chồng. Trong sáu tháng trước ngày qua đời, ông Đinh thường xuyên gồng mình chống chọi cơn ho khan, khó thở. Lắm bữa xong chén cơm, ông nhắm mắt, ôm ngực vỗ thình thịch.
Lo cho sức khỏe chồng, bà My năn nỉ đi khám nhưng người đàn ông trụ cột cứng đầu: “Khám chi, để tiền đó cho bé Mai ăn học, sang năm con lên cấp hai rồi, nhiều thứ phải lo lắm!”. Rồi, trước hôm lên cơn đột quỵ, ông bất ngờ bảo vợ: “Em có đói thì mua cháo mà ăn, ăn để lấy sức mà chiến đấu với khó khăn, lo cho các con”. Người vợ đâu ngờ đó lại là những dự cảm không lành hoặc một sự sắp bày nào đó của ông Đinh.
Hai tuần nay, số tiền bán chiếc xe vơi dần, tranh thủ con trai có những người tốt bụng rộng tay bầu bạn, bà My đến chợ hỏi việc làm, ai kêu gì làm nấy, khi phụ khiêng hàng lúc nhận giữ trẻ cho các chủ sạp. Chuyện cơm nước, giặt giũ đến thuốc thang cho anh trai một mình Mai quán xuyến. Khó khăn là vậy, nhưng tranh thủ lúc rỗi, Mai lại ôm vở học bài. 5 năm tiểu học, cô trò nhỏ (hiện học lớp 6 Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.3, TP.HCM) luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi.
Em trải lòng: “Con phải học thật giỏi vì đó là mong ước của ba con. Ba thường bảo, con đi học là học cho cả hai anh em luôn nha!”. Đó là năm Đức 12 tuổi, lần đầu rời nhà đi lang thang. Cuống cuồng tìm con, bậc sinh thành ngỡ ngàng phát hiện Đức lặng lẽ trước cổng một ngôi trường, chăm chú ngó vào trong. Đưa con về mà lòng cha mẹ nhói đau. Họ ghé vào một tạp hóa mua cho con cuốn tập. Đức mừng rỡ, ôm cuốn tập lật tới lật lui, thích thú cười vang. Họ chắt chiu tiền rồi đưa con gõ cửa các trường học dành cho trẻ thiểu năng, nhưng bệnh Đức quá nặng... Mai tâm sự: “Con cứ cố, nhưng có lần ngồi chải tóc cho con, mẹ thở dài nói: “Không biết mẹ lo cho con học được đến đâu, Mai ơi” khiến con lo lắm”.
Viên thuốc an thần trả lại Đức cơn lặng lẽ, yên lặng trong chốc lát. Cậu mỉm cười hiền lành rồi ngoan ngoãn làm theo khi em gái bảo: “Anh ngồi đây, chỗ bên em này”. Tôi cay mắt, hỏi: “Mong ước lớn nhất của con bây giờ là gì?”. Mai cúi đầu im lặng, hồi lâu mới ngẩng mặt rưng rưng: “Thưa cô, con ước mong nhiều lắm. Một là trở thành tiếp viên hàng không. Hai là anh trai con hết bệnh, biết phụ mẹ đi làm thì mới mong giúp con không bị nghỉ học. Ba là mẹ có thật nhiều sức khỏe để lo cho anh em con”. Rồi đây, có ước mong nào của em sẽ trở thành hiện thực?
Tổng Công ty Cơ điện lạnh (REE) ủng hộ 100 triệu đồng
Chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó báo Phụ Nữ TP.HCM đã bước sang năm thứ 26. Qua 25 năm thực hiện, chương trình đã trao gần 6.000 suất học bổng cho đối tượng học sinh phổ thông các cấp từ TP.Hồ Chí Minh đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Huế, Hà Nội với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng. Có được thành quả này là nhờ sự đồng hành, góp sức của nhiều nhà hảo tâm, nhiều tổ chức, đơn vị…
100 triệu đồng là số tiền ủng hộ của REE dành cho chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 26 năm học 2016- 2017. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc REE, cho biết, tham gia hoạt động hỗ trợ cộng đồng là một trong những nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh. Đây cũng là một trong những hoạt động truyền thống thường niên tốt đẹp của REE. Được biết, ngoài việc đồng hành cùng chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của báo Phụ Nữ, REE vừa chính thức là đơn vị đồng tài trợ giai đoạn 2 của dự án “Mở đường đến tương lai” dành cho các nữ sinh xuất sắc của các dân tộc thiểu số tại 63 tỉnh thành trong cả nước.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.