Học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26: Mồ côi, tội lắm ai ơi!

22/08/2016 - 11:37

PNO - Ba tuổi mất cha, 10 tuổi mất mẹ - từ bấy đến giờ, cuộc sống côi cút của cô trò nhỏ Lư Gia Văn (lớp 8 Trường THCS Phạm Đình Hổ, Q.6, TP.HCM) đầy chông chênh…

Ngày ấy, trở thành vợ một chàng trai có nghề nghiệp ổn định, gia thế khá giả, đồng thời là “người trong lòng” của mình, chị Đào Thị Yến không giấu nổi niềm vui, tin rằng đời mình đã cập bến bình yên. Mà rồi, chữ ngờ chẳng ai lường được. Bốn năm hôn nhân, hạnh phúc tày gang, con gái vừa lên ba cũng là lúc chồng chị đổ bệnh. Bệnh ung thư dạ dày cướp mất anh sau nửa năm phát hiện.

“Bờ vai” chẳng còn, sống trong gia đình giàu có với quá nhiều nguyên tắc riêng, Yến bơ vơ lạc lõng. Giọt nước tràn ly là mỗi bữa cơm phải đóng 5.000đ khiến chị thấy xót xa, tủi phận. Một chiều, lo cơm nước cho gia đình chồng xong, Yến ôm con bỏ đi. Vất vưởng suốt buổi tối không chốn dừng chân, chị đành về với mẹ. Quỳ thụp trước mẹ mình - bà Cát Ngọc Oanh, Yến nức nở: “Chồng con mất, nhà chồng không ở được. Con xin mẹ cưu mang lấy mẹ con con”. Dìu con gái đứng lên, bà Oanh chảy nước mắt: “Mẹ nào bỏ con, bà nào bỏ cháu. Nhà này luôn có chỗ cho con”.

Hoc bong
Lư Gia Văn và bà ngoại

Không còn chịu gò bó trong khuôn phép kỳ lạ của nhà chồng, nhưng về với mẹ, khi ấy, bà Oanh đã tròm trèm 80 tuổi, chị Yến phải làm việc nhiều hơn mới mong đủ trang trải cho cuộc sống ba người. Ngày xin vào làm ở một xưởng gia công, đêm chị nhận hàng về may tới khuya. Ngày tháng cần mẫn kiếm tiền nuôi con chăm mẹ khiến chị nhanh xuống sức, người gầy ốm, xanh xao. Nhiều người xót xa, khuyên nghỉ ngơi hoặc đi khám sức khỏe nhưng Yến vẫn mặc kệ, tiếp tục ngày đêm lao lực.

Sự chủ quan ấy kéo dài đến một sáng vừa ngủ dậy, chị hốt hoảng thấy toàn thân ê ẩm, nhói đau. Đến khi chị thường xuyên có những cơn thở dốc, ăn vào là nôn thốc, bà Oanh vội vàng đưa con đi bệnh viện, bác sĩ kết luận gan, phổi, thận, tim… của Yến đều đã tổn thương. Rồi sau đó chẳng bao lâu, chị ôm siết chặt cô con gái, đưa mắt nhìn người mẹ già , thì thào: “Mẹ, mẹ chăm sóc bé Văn giùm con”. Nói rồi chị nhắm mắt, đôi tay ôm con gái lơi dần…

Nỗi đau con gái mất chưa nguôi ngoai, bà Oanh phải tiếp tục đánh vật với cháu ngoại khi đớn đau làm Văn không còn thiết nói cười. Những góc tối trong nhà vừa như chốn an toàn, vừa như người bạn, nơi Văn sụt sùi ngồi bó gối đêm ngày. Quá đau lòng nhìn tình cảnh cháu, một tối, bà Oanh… chui theo Văn vào góc, tâm tình: “Không cha không mẹ, nhưng cháu còn bà đây. Bà sẽ làm cha làm mẹ của cháu, được không”. Văn thút thít: “Nhưng giờ ai nuôi bà cháu mình?”. Ôm cô cháu vào lòng, người bà dịu dàng: “Bà có tiền mà”

An ủi, động viên cháu là vậy. Còn thực ra, số tiền 900.000đ mà địa phương trợ cấp người cao tuổi cùng trẻ mồ côi của cả hai bà cháu chẳng thấm vào đâu. Số tiền ấy, bà Oanh dành mua sách vở, ít quần áo cho Văn. Cuộc sống gieo neo của họ phần lớn dựa vào sự giúp đỡ từ những người con khác của bà Oanh, khi bó rau, lúc miếng thịt hay dăm chục nghìn đồng. Ai nấy đều khó khăn. Nhiều lần xót xa Văn đã tuổi dậy thì, vẫn cần một khoản chi tiêu riêng nhưng quá túng khó, bà Oanh đánh bạo liên hệ phía sui gia, rằng, con bé cần mua này mua kia hoặc dằn túi dăm ba chục thi thoảng bạn bè ngồi uống nước. Một người cô của Văn đồng ý “cấp” cho cháu mỗi ngày 10.000đ. Nhưng, Văn buồn buồn: “Sau bốn lần con đến hôm thì không gặp cô, hôm nhà cô đóng cửa nên con ngại, không đến nữa. Mà, bà ngoại đã cho con mỗi tuần 10.000đ, con cứ dành dụm rồi dùng mua những cái gì cần thiết thôi”.

Hoàn cảnh côi cút, khó khăn là thế song Văn luôn là học sinh đứng nhất, nhì lớp, hằng năm được ủy ban phường trao học bổng. Năm ngoái, Văn mừng rỡ khi học bổng là một chiếc xe đạp, giúp quãng đường đến trường của em được gần hơn. Trân giữ phần thưởng đến mức mỗi ngày đều lau rửa chiếc xe hòng phòng tránh rỉ sét, vậy mà, đi chưa đầy một năm, chiếc xe… không cánh mà bay trong một lần Văn mang đồ đi sửa giúp bà ngoại. Lếch thếch đi bộ quãng đường hơn cây số về đến nhà, Văn vùi mặt vào lòng ngoại nức nở. Thương cháu, nhưng bà bất lực.

Liên tiếp mấy chiều đến học thêm nhà cô X., Văn phải cuốc bộ tròm trèm ba cây số. Cô X. - giáo viên tiếng Anh dạy miễn phí cho Văn - phát giác sau lần Văn đến trễ, hỏi dồn: “Xe em đâu?”. Nhìn cô học trò trào nước mắt kể lại chuyện, cô X. kéo tay Văn xuống nhà kho của mình. Lôi ra chiếc xe đạp cũ kỹ, cô xoa đầu Văn: “Nhiều năm rồi cô không dùng, em chỉ cần sửa sang lại một chút”. Tối ấy, thấy cháu đi học về với món quà bất ngờ, bà Oanh rưng rưng, vội vàng lại bàn thờ đốt nén hương cho con gái…

Ở tuổi 88, bà Oanh lo lắng: “Mồ côi, tội lắm! Học hành tương lai biết ra sao mà lần. Cứ nghĩ cho người ở lại mà lòng già nghe đứt gan đứt ruột”.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI