Học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 26: Giấc mơ của "cô bé bánh tráng trộn"

29/07/2016 - 20:09

PNO - “Con chỉ mong nhiều năm sau nữa, bà ngoại và mẹ không phải nhớ về những lúc đói ăn, mà nhớ đến hình ảnh khỏe mạnh, tự lập mỗi khi nghĩ về con”.

6g chiều, khu chợ nhỏ trước đường vừa vãn, trong nhà, tiệm tạp hóa nhỏ cũng bắt đầu đông khách. Chị Mai Thị Ngọc Hà đang lỉnh kỉnh những chổi, ki, quét rác, dọn đường, lại phải lật đật chạy vào bán gói muối, gói đường khi có người gọi. Dáng người nhỏ nhắn, thoăn thoắt của người phụ nữ ngoài ba mươi thỉnh thoảng lại cuống quýt lên khi đứa trẻ nãy giờ vẫn quấn theo bên chân bất ngờ khóc ngất vì... chạy không kịp mẹ, và vì đói.

Nhắc đến Nguyễn Lý Ngọc Trinh - cô học sinh giỏi của trường THCS Lê Lợi, người dân ở dọc con đường D11, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM vẫn nhớ đến hình ảnh lem luốc, gầy gò của em trong những buổi chiều như thế.

Trinh vừa ra đời thì ba em bị bệnh nặng. Chạy chữa một thời gian bệnh tình vẫn không thuyên giảm, ông nghĩ quẩn, tự tìm đến cái chết. Cú sốc quá lớn, chị Ngọc Hà vừa khóc chồng, vừa khóc cho đứa con chưa đầy một tuổi đã mồ côi cha. Khi ấy, Ngọc Trinh còi cọc, suy dinh dưỡng nặng. Mẹ ẵm con gái về phía ngoại, thuê căn phòng trọ cách nhà ngoại vài căn.

Chị Hà quay lại với nghề bóc hạt điều, lo liệu từng bữa rau bữa cháo. Có hôm, chị vét hết thùng gạo chỉ được một nắm để nấu cháo cho con. Đến giờ ăn, Trinh khó khăn lắm mới nuốt lần lượt từng muỗng cho đến hết chén cháo, rồi lại nôn thốc nôn tháo hết. Vừa mệt vừa đói, chị Hà quẫn trí, bất thần vung tay đánh con. Đứa trẻ khóc thét. Bà Nguyễn Thị Tư - mẹ chị Hà chạy sang vừa dỗ dành cháu, vừa chột dạ vì nhận thấy những bất thường ở Trinh đã quá rõ rệt. Từ lúc lọt lòng, Trinh đã không bú được sữa mẹ. Mãi đến tuổi ăn dặm, mọi thức ăn, nước uống đút vào, em chỉ nuốt được một nửa. Vừa thiếu thốn, vừa khó khăn trong ăn uống, Trinh bị suy dinh dưỡng nặng.

Hoc bong
Hai mẹ con Ngọc Trinh trong cuộc mưu sinh

Thấy con gái trầy trật mãi vẫn không lo nổi miếng cơm, lại lao tâm khổ tứ đủ điều, bà Nguyễn Thị Tư chỉ lặng lẽ quan sát mà không dám nói năng. Khi tình hình ngày càng xấu đi, bà lại lặng lẽ chắt bóp, lén đưa Trinh đi bệnh viện. Đến khi cầm trên tay kết quả “hệ tiêu hóa bình thường” của cháu ngoại mà trút hết nỗi lo ra với chị Hà, bà mới dám ôm con, khóc nức nở.

Nhưng, sau lần đi bệnh viện, tình hình của Trinh vẫn không khá lên. Bà Tư bắt đầu thấy ngại những lần thăm hỏi của người quen, sợ nhỡ lời nhận xét vô tình của người lạ lại xoáy thêm vào nỗi lo của đứa con gái cô lẻ. Thân hình còi cọc, Trinh đau ốm liên miên. Mỗi lần nhìn đứa cháu tiều tụy, ăn vào lại ói, bà Tư sợ hãi nghĩ đến tình huống xấu nhất. “Hồi đó tui nghĩ dại, chắc cháu tui rồi cũng ốm o dần mà đi mất. Nhà không có tiền, cũng không tìm ra bệnh, không biết đường đâu mà chữa”, bà nhớ lại.

Trong thời gian đó, chị Hà quần quật kiếm tiền. Nghề bóc hạt điều không đủ sống, được bên nội Trinh hỗ trợ một xe nước mía, chị bỏ nghề, mở một gian tạp hóa nhỏ. Chị còn nhận phần quét rác, dọn đường quanh ngôi chợ nhỏ trước nhà kiếm thêm mỗi tháng 800.000đ, bù vào phần học phí khi Trinh vào tuổi đến trường. Giai đoạn ấy, sức khỏe của Trinh ngày càng yếu, chị Hà một mặt cuống cuồng bồi bổ cho con, một mặt xoay vần với công việc từ sáng đến đêm. Không có bữa sáng, chị ăn trưa lúc... 3g chiều, ăn tối lúc 9g đêm. Năm Trinh năm tuổi, cô giáo dạy phát âm ở trường mầm non phát hiện em bị hở hàm ếch. Đến khi chị Hà đưa con đi khám, những biểu hiện khó khăn của em trong ăn uống lâu nay mới có lời giải.

Sau khi phẫu thuật hở hàm ếch, sức khỏe được cải thiện, Trinh trở thành “người bạn”, đồng hành cùng mẹ trong mọi gian nan. Những năm chị Hà còn nhận quét rác, cứ đến chiều, Trinh lại thay mẹ bán nước mía. Những hôm không có bà ngoại phụ, một mình em vừa ép mía, vừa rửa ly, vừa đon đả mời khách. Có những hôm Sài Gòn mưa to, đến bữa cơm tối lúc 9g, hai mẹ con mới vào nhà. Mẹ cởi tấm áo mưa ra, người ướt như chuột lột, con gái cũng xòe ra khoe hai bàn tay mềm nhũn, tróc da sau bao đêm ngâm trong nước đá - mà cười, mà khóc.

Suốt những ngày gian khó đó, niềm đam mê kiến thức và kết quả học tập của Trinh là nguồn hy vọng duy nhất cho cả hai mẹ con. Trinh dần bước ra khỏi cái nhìn về một cô bé gầy gò, lem luốc, được thầy cô và bạn bè biết đến với hình ảnh một cô học trò thông minh, chăm chỉ. Học sinh giỏi tám năm liền, nhưng chưa lần nào cầm tiền của mẹ mà em không ngập ngừng, áy náy.

Cách đây vài tháng, thấy con gái dấm dúi vào tay mình vài chục ngàn, bảo “cất đi”, chị Hà gặng hỏi. Đến khi thấy mẹ kiên quyết, Trinh mới “khai” thật chuyện em... lấy bánh tráng trộn lên lớp, lén bán cho các bạn để kiếm tiền. Vừa thương con, vừa sợ ảnh hưởng đến trường lớp, chị Hà hết lời khuyên ngăn nhưng rồi cũng đành thỏa hiệp trước quyết tâm của con: “Chừng nào mẹ đỡ khổ, con mới yên tâm học hành được”.

Chạy qua chạy lại giữa quầy nước của mẹ và “góc học tập” là chiếc bàn nhựa giữa vỉa hè để vừa bán hàng, vừa xem lại từ vựng tiếng Anh, Ngọc Trinh tâm sự: “Con chỉ mong nhiều năm sau nữa, bà ngoại và mẹ không phải nhớ về những lúc đói ăn, mà nhớ đến hình ảnh khỏe mạnh, tự lập mỗi khi nghĩ về con”.

Công ty Điện lực BOT Phú Mỹ 3 ủng hộ 100 triệu đồng

Ngày 28/7, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Hành chính, đại diện Công ty điện lực BOT Phú Mỹ 3 trao tặng số tiền 100 triệu đồng ủng hộ chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 26 năm học 2016 - 2017 của báo Phụ Nữ.

Trong nhiều năm qua, Công ty điện lực BOT Phú Mỹ 3 là đơn vị đồng hành cùng nhiều chương trình xã hội từ thiện của báo Phụ Nữ, hướng tới mục tiêu vì cộng đồng không khoảng cách. Theo bà Kim Oanh, kể từ khi thành lập (2004) đến nay, ngoài mục đích góp phần đảm bảo nguồn điện quốc gia giúp đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp khí của Việt Nam, cùng với việc chú trọng công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động và công tác bảo vệ môi trường, công ty còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội, với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Bà Oanh chia sẻ : “Công ty điện lực BOT Phú Mỹ 3 ủng hộ chương trình học bổng của báo Phụ Nữ nhằm động viên các nữ sinh nghèo đã không ngừng nỗ lực học tập; góp phần nâng đỡ một cách hiệu quả cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục thực hiện ước mơ cắp sách đến trường”.

N. Thiện

Nam Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI