Học bổng 'Nữ sinh hiếu học vượt khó' lần 27: Cô học trò… già dặn

08/08/2017 - 12:19

PNO - Trò chuyện với Nguyễn Cao Quỳnh Thảo, học sinh lớp 5 Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.2), tôi quá đỗi ngạc nhiên khi ẩn sau đôi mắt trong veo trên gương mặt thơ trẻ là một trái tim nhân hậu và những suy nghĩ già dặn khó ngờ.

Cha mẹ ly hôn khi Thảo vừa chập chững. Tuổi đôi mươi phải ôm nỗi đau hôn nhân đổ vỡ, mẹ Thảo đã đánh mất chính mình. Chị bỏ con cho mẹ mình là bà Võ Thị Kim Em chăm nom để tìm vui trong bao cuộc tụ tập. Lên 5, Thảo ngơ ngác khi thấy mẹ ôm chặt mình, chảy nước mắt từ biệt.

Ngàn câu hỏi xoay quanh sự biền biệt của mẹ từ Thảo trôi qua trong ấp úng, ngụy giải qua loa của bà ngoại! Hai năm sau, Thảo học lớp 2, thì mẹ trở về. Trong câu chuyện của người lớn, Thảo biết mẹ vừa trở về từ trại cai nghiện. 

Hoc bong 'Nu sinh hieu hoc vuot kho' lan 27: Co hoc tro… gia dan
Thảo luôn ý thức phải giúp ngoại việc nhà

Nhưng rồi vòng tay của gia đình một lần nữa không đủ lấp đầy cơn chếnh choáng nên mẹ Thảo tái nghiện. Ngày mẹ đi, Thảo níu tay thút thít: “Mẹ cai nghiện xong đừng nghiện nữa nha mẹ!”. Mẹ đi rồi, bà Em ôm Thảo vào lòng mà khóc. Thảo an ủi bà: “Ngoại đừng buồn nữa. Mẹ đi là để tốt cho sức khỏe và tương lai của mẹ”. Năm ấy Thảo đang học lớp 4.

Câu chuyện bị cha bỏ rơi, mẹ nghiện ngập khiến Thảo bị một bạn chung lớp “nghỉ chơi”. Thảo tủi thân về khóc, rồi quả quyết với bà ngoại: “Con không giận bạn. Con cũng không muốn gây nhau với bạn vì người tốt không hành xử như vậy. Con sẽ chờ bạn hiểu chuyện để biết con không xấu”. Ngày lên trại thăm mẹ, Thảo không kể nỗi khổ tâm của mình. Em chỉ nhắn: “Mẹ cố cải tạo rồi về với con, với bà ngoại, vì mẹ cứ ở đây, bà ngoại thương mẹ càng thêm bệnh”.

Mỗi lần gọi điện cho mẹ Thảo, bà Em đều nhấm nhẳng, dặn con biết nghĩ đến ngày về, dựng lại cuộc đời, bởi không biết bà sẽ “ra đi” lúc nào. Căn bệnh ung thư vú của bà Em đã di căn qua xương, qua não khiến bà suy nghĩ nhiều cho tương lai Thảo. Mỗi ngày còn được thức dậy sau giấc ngủ đêm là thêm một ngày bà hạnh phúc trong ý nghĩ Thảo vẫn được “an toàn”.

Nghĩ xa, nên ngay từ năm Thảo vào học lớp 1, bà đã tập cháu tính tự lập bằng cách nén lòng nhìn Thảo “đánh vật” với thau đồ, chậu nước lau nhà hay nồi canh mặn chát. Giờ đây, những việc nhà như vậy Thảo giúp ngoại ngon lành.Thương ngoại, những đêm ngoại sốt, em thức trắng đêm để chăm sóc cho bà… Sự trưởng thành, hiếu thuận của Thảo, theo bà Em, là nhờ được rèn giũa và sự ý thức về hoàn cảnh thiếu khuyết. 

Cách đây mấy năm, làng xóm xì xào “con bé rất xinh, học giỏi, mắc gì không nhìn nhận”, Thảo mới được cha và nhà nội quan tâm, thương yêu. “Quãng ấy, nội thì năn nỉ cho gặp, đón con về chơi, còn ngoại thì trách “sao lâu nay không ngó ngàng” khiến con rất buồn. Con nghĩ ai cũng là người thân của mình nên không thích vì con mà nội, ngoại cãi nhau”.

Rồi con có nói điều đó với ngoại không? - “Sau đó con xin ngoại cho con về chơi với nội thì ngoại cho”. Con có giận ba, giận nội? - “Con nghĩ thêm một người yêu thương là phải vui, nên con không giận”.

Chia tay Thảo, tôi suy nghĩ mãi về em. Trái tim trong sáng và những nghĩ suy thiện lành nơi em sẽ là nền tảng cho một nhân cách đẹp đẽ và hữu ích cho mai sau.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI