Học bơi - kỹ năng sinh tồn mà phụ huynh bắt buộc phải trang bị cho con

25/03/2019 - 18:00

PNO - Ngày 21/3 vừa qua, đã có 8 nam sinh chết đuối trên sông Đà, TP Hòa Bình. Các em đều biết bơi nhưng bị dòng nước cuốn đi. Câu chuyện thương tâm là lời cảnh báo... lần thứ n với các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Tôi sinh ra ở vùng sông nước của Bến Tre, nhưng không phải ở xã mà ở thị trấn. Ba mẹ tôi đều buôn bán nên không có thời gian trông chừng tôi tập bơi. Ở quê lúc đó không ai dạy bơi chuyên nghiệp cả, mà thường ba mẹ chỉ con cách bơi hoặc bơi cùng mà thôi. Ba mẹ tôi đều bơi rất giỏi nhưng tôi nhát nước, không dám bơi. Cả đám bạn chơi thân từ thời bé đều không biết bơi, có thể vì học sinh ở chợ ít tiếp cận sông nước như các bạn dưới xã.

Cũng có mấy lần tôi được ba dạy bơi. Sông cách nhà tôi khoảng 1km. Vì là sông lớn nên tôi chỉ tắm ngay mé bờ. Ba hay đưa con Lu theo để nó bơi cùng. Nó bơi rất giỏi. Tôi có một bẹ dừa nước rồi bì bõm cho vui chứ cũng không dám bơi xa bao giờ.

Cạnh nhà tôi, có một em bé bị chết đuối. Lúc ấy, tôi không biết, vẫn qua nhà, thấy em ngủ rất say. Mặt chỉ hơi tái mét một tí. Lúc đó không hiểu chuyện gì mà người lớn khóc lóc không cho em ngủ. Sau này mới biết, em về nhà ngoại, với cây lượm chiếc dép rơi xuống mương. Mương thì không nhiều nước, nhưng đất dưới mương ở vùng này bao giờ cũng là đất sét, thứ đất lún nhiều. Tôi nghĩ em bị lún, vùng vẫy và lún hơn. 

Hoc boi - ky nang sinh ton ma phu huynh bat buoc phai trang bi cho con
Hình ảnh tang thương giữa sông Đà.

Anh họ tôi cũng bị chết đuối. Nhưng một cái chết...rất buồn vì anh bơi rất giỏi. Hôm đó anh uống rượu say, nửa đêm có lẽ người nóng quá, nhảy xuống sông tắm. Anh ở nhà ngoại, ngay sát mé sông. Tắm xong thì không lên nữa. Lúc ấy tôi đã học đại học. Chuyện đau mà nghe kể như đùa.

Ở vùng sông nước, chuyện chết đuối chưa bao giờ là chuyện hiếm. Ngày xưa, cây cầu gần nhà tôi vẫn là cầu ván. Những câu cầu ván đóng đinh như trong câu ca dao ngày nào mẹ hay ru ngủ. Có người mẹ, tay dẫn đứa lớn, tay bồng đứa nhỏ, đến giữa cầu thì đứa nhỏ đòi xuống. Mẹ vừa bỏ bé xuống thì...rơi tõm xuống sông...

Câu chuyện nào cũng đau thương tang tóc như câu chuyện nào. Như chiều qua, khi 10 học sinh rủ nhau chơi bóng trên sông Đà. Chỉ 2 em là lên được bờ. 8 em mãi mãi nằm lại ở khúc sông quê ấy. Em nhiều tuổi nhất chỉ sinh năm 2004, em ít tuổi nhất sinh năm 2009. Một khu phố trải dài với những tiếng bi thương, không cần phải làm mẹ mới hiểu nổi đau của những người mẹ mất con. Chắc ai cũng nén một tiếng thở dài: phải chi...

Ở Thành phố, cho con đi học bơi là một việc luôn được khuyến khích. Các bé tiểu học thì được học ở trường, nhiều quận phổ cập học bơi cho trẻ. Nhưng vất vả vì phụ huynh đa số đi làm, con đi học đến 5h chiều lại đèo nhau ra hồ bơi đến 7h tối mới về nhà và chuẩn bị bữa tối.

Hoc boi - ky nang sinh ton ma phu huynh bat buoc phai trang bi cho con
 Nhiều trẻ được cha mẹ cho học bơi với huấn luyện viên chuyên nghiệp. Ảnh minh họa.

Chị gái tôi nhà xa, tận Bình Chánh vẫn miệt mài cho con đi học bơi như thế. Không ngại đường xá xa xôi vì bé hơi béo phì. Việc học bơi giúp bé săn chắc người hẳn. Không chỉ bơi giỏi mà bé còn là một trong những thành viên của đội bơi thiếu nhi quận.

Bơi giỏi nhưng chưa đủ. Bé cần có những kỹ năng khác mà có khi ba mẹ chưa tường tận hết. Như kỹ năng quan sát dòng nước. Như trường hợp thương tâm kia, các trẻ đều biết bơi nhưng bị nước dữ cuốn đi. Và hơn hết, mọi cuộc vui chơi với nước đều phải có người lớn đi cùng, xem xét để có thể hướng dẫn, sơ cứu... Mà đâu chỉ sông, suối mà còn cả hồ bơi, các vũng nước luôn là những cái bẫy cứ chực chờ nuốt chửng con em mình.

Kim Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI