Học bổng 'Nữ sinh hiếu học vượt khó' lần 27: Uớc muốn của Tuyền

11/08/2017 - 06:45

PNO - Tám năm liền giữ chức vụ lớp trưởng, Tuyền luôn làm gương cho bạn bè bằng kết quả học sinh giỏi nhất trường. Niềm đam mê thể thao và những thành tích của em cũng khiến các thầy cô tự hào.

Căn nhà mái tôn đã gỉ sét, vài chỗ thủng. Cơn mưa đêm còn để lại trên nền một vũng nước. Đang trộn dở nồi cám cho đàn gà, Nguyễn Thị Bích Tuyền (SN 2002, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi) giật mình, ngước lên rồi mỉm cười ngượng ngùng...

15 tháng tuổi, Tuyền vẫn chưa thể bập bẹ một tiếng nào. Em chỉ cười hoặc khóc. Nghĩ con chậm nói, vợ chồng chị Lê Thị Xuân (42 tuổi) không mảy may lo lắng. Nỗi bất an chỉ gợn lên và lớn dần khi chị Xuân gọi khản cả cổ mà con không ngoảnh lại. Tuyền 20 tháng tuổi, quá sốt ruột, chị Xuân đưa đi khám bệnh. Chị chảy nước mắt khi biết con bị câm điếc.

Ôm con trở về, bần thần chìa cho chồng kết luận, anh Nguyễn Văn Toàn, chồng chị, cười và xua tay: “Ôi, câm điếc thì đã sao! Sự thật đã vậy thì mình tìm cách dạy dỗ, đối đãi với con sao cho phù hợp chứ đâu phải để buồn”. 

Học bỏng 'Nũ sinh hiéu học vuọt khó' làn 27: Uoc muon cua Tuyen
Nguyễn Thị Bích Tuyền

4 tuổi, Tuyền được học thủ ngữ ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Củ Chi, sau đó theo chương trình tiểu học với lộ trình hai năm một lớp. Hiện tại, em đã hoàn thành xong chương trình lớp 4. Tám năm liền giữ chức vụ lớp trưởng, Tuyền luôn làm gương cho bạn bè bằng kết quả học sinh giỏi nhất trường. Niềm đam mê thể thao và những thành tích của em cũng khiến các thầy cô tự hào.

Bằng khen nào em mang về cũng đều được chị Xuân đóng khung, treo trang trọng trên tường: giải nhất môn bật xa, giải nhất chạy 60m (Ngày hội thể thao học sinh khuyết tật lần 5 năm học 2015-2016); hạng 3 môn điền kinh 60m (Hội thi thể thao học sinh khuyết tật năm học 2010-2011); giải Nét vẽ xanh cấp huyện…

Nhắc chuyện thành tích của Tuyền, chị Xuân tự hào: “Đi thi về, một tay con giơ lên ba ngón, tay kia chỉ vào ngón giữa rồi chỉ vô ngực mình. Tôi có hiểu con muốn nói gì đâu. Gọi hỏi cô giáo, tôi mới biết ý con muốn nói mình đứng giữa trong ba người đạt giải cao nhất”.

Tuyền mê thể thao từ nhỏ. Giỏi chạy nhảy nhưng em thích nhất môn bơi lội. Mấy lần, ra con kênh trước nhà, Tuyền cứ muốn nhảy xuống tập bơi, nhưng nhớ câu mẹ viết: “Kênh rất sâu sẽ nguy hiểm cho con, nó cũng dơ khiến người con nổi ngứa”, em đành thôi ý định, nhưng theo dõi rất kỹ các cuộc thi bơi lội.

“Năng khiếu, niềm say mê thể thao của Tuyền nếu có môi trường phù hợp để huấn luyện, phát huy, em sẽ vượt xa những gì thể hiện” - cô Võ Thị Hạnh - giáo viên chủ nhiệm của Tuyền tiếc nuối. Đây cũng là nuối tiếc lớn nhất của vợ chồng chị Xuân. Theo tính toán của gia đình, hai năm nữa, học xong chương trình tiểu học, 18 tuổi, vì hoàn cảnh, Tuyền phải lựa chọn việc may vá hoặc làm tăm kiếm thu nhập phụ gia đình, khép lại ước mơ đến trường và những buổi tập chạy nhảy cùng bạn bè.

Nhưng Tuyền muốn đi học. Có lần “tra” trên mạng, Tuyền viết đưa mẹ một địa chỉ dạy văn hóa kiêm dạy nghề dành cho trẻ khuyết tật. Đắn đo suy nghĩ, chị Xuân gom tiền đưa con đến Bình Dương. Nhưng vì không có hộ khẩu nên Tuyền không được nhận vào học. Hỏi thăm thêm vài trường chuyên biệt ở TP.HCM, chị Xuân ngậm ngùi khi trường nào cũng có mức học phí vượt quá khả năng của gia đình.

“Hồi đó nếu không làm liều thì có khi hai năm nữa vợ chồng tôi cũng ráng lo cho cháu học tiếp lên cao được” - chị Xuân rớm nước mắt. Ba năm trước, gia đình chị Xuân có hai con bò sữa cho thu nhập ổn định. Nhưng vì ước mong sửa lại ngôi nhà khiến nên vợ chồng chị đã liều vay 100 triệu đồng để xây chuồng rồi mua thêm bò về nuôi. Chẳng ngờ thời cuộc lao đao, sữa không bán được. Thâm nợ, vợ chồng chị phải bán đàn bò hòng vớt lại chút đỉnh trả lãi ngân hàng. “Riêng cái chuồng xây hết 30 triệu, giờ bỏ không, nhìn nó, nhìn cái nhà, rồi ngẫm đến tương lai con mà cứ thấy xót xa” - chị Xuân trầm ngâm… 

Yên Nhạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI