Học Bác qua những việc làm bình dị, thiết thực

24/05/2018 - 06:00

PNO - Những tấm gương này cho thấy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là những việc to tát, lớn lao, mà trước hết là những việc làm bình dị, gần gũi, thiết thực nhất.

Sáng 22/5, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết hai năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tuyên dương 26 tập thể, 11 cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018.

Đại biểu dự hội nghị đã giao lưu cùng một tập thể và hai điển hình cá nhân tiêu biểu, gồm Hội Phụ nữ (PN) Công ty TNHH Linh Pang, chị Salymah và cô giáo Trần Thị Hai. 

Hoc Bac qua nhung viec lam binh di, thiet thuc
Trưởng ban Dân vận Nguyễn Hữu Hiệp trao khen thưởng cho các điển hình thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ảnh: Phùng Huy

Hội PN Công ty TNHH Linh Pang được thành lập vào tháng 10/2015. Chị Pang Mỹ Linh - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội PN Công ty Linh Pang - tâm sự: “Các doanh nghiệp thường đặt tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu, ít khi chú trọng đến các hoạt động phong trào. Nhưng tôi thấy hội PN có nhiều phong trào hay, có môi trường cho PN rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, làm đẹp, gìn giữ hạnh phúc từ đó tạo động lực, nền tảng tốt để xây đắp sự nghiệp.

Ở công ty chúng tôi, mỗi lần sinh hoạt hội PN, câu chuyện mà chị em thích được nghe, chia sẻ nhất chính là chuyện về những tấm gương vượt khó, thành đạt. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là một cơ hội, một động lực để hội viên PN chúng tôi phấn đấu vươn lên”. 

Là một PN dân tộc Chăm, chị Salymah, ngụ tại P.7, Q.6, đến với tổ chức hội PN từ một nỗi trăn trở “làm sao để giúp người PN Chăm đủ tự tin, vững vàng hơn trong cuộc sống”.

Ngày 22/5, Hội LHPN TP.HCM cũng tổ chức trao thưởng cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật lịch sử, các địa chỉ đỏ gắn với cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Trải qua bảy tuần thi từ ngày 25/2 - 7/5, cuộc thi đã thu hút 78.307 lượt thí sinh tham gia. Kết quả, ban tổ chức cuộc thi đã trao 70 giải thưởng hằng tuần, 10 giải thưởng chung cuộc và 5 giải phong trào dành cho các đơn vị có số lượng thí sinh tham gia đông nhất. Thí sinh Nguyễn Ngọc Vân Thanh (P.1, Q.3, TP.HCM) đã đoạt giải nhất toàn hội thi.

Tại buổi giao lưu, chị  Salymah chia sẻ: “Hồi giáo và những phong tục, tập quán của người Chăm đã là một “vách ngăn” khiến PN Chăm khó tự tin, hòa nhập vào cuộc sống. Trước đây, thế hệ bà và mẹ của chúng tôi rất ít giao tiếp với bên ngoài, chỉ làm việc nhà và sinh hoạt trong cộng đồng đạo Hồi.

Khi tham gia hoạt động xã hội, tôi nhận thấy hội PN có nhiều phong trào rất hay, giúp PN có nhiều kiến thức, đặc biệt là kiến thức pháp luật, kỹ năng xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hiểu được điều đó, tôi tình nguyện làm cánh tay nối dài của hội đến chị em người Chăm”. 

Nhiều năm qua, từ một hội viên, chi hội trưởng PN ở khu phố, nay chị Salymah đã là Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN P.7, Q.6, là một nhịp cầu gắn kết hội viên PN Chăm với hội PN và cả cộng đồng xã hội. Theo lời chị Salymah, bây giờ, gần như toàn thể PN có đạo, PN người Chăm đều tham gia hội PN.

Để các chị có thể tham gia sinh hoạt, chị Salymah đã phải vận động, làm công tác tư tưởng đối với chồng của các chị. Có chồng hậu thuẫn, PN Chăm mới mạnh dạn tham gia phong trào.

Tại buổi giao lưu, hình ảnh về lớp học tình thương ở nhà cô giáo Trần Thị Hai (P.Tân Thới Hiệp, Q.12) đã làm nhiều người xúc động. “Khi mở lớp, tôi không tính toán gì nhiều. Tốt nghiệp ngành sư phạm, đi dạy ở trường công, khi phụ mẹ làm công tác PN ở khu phố, tôi thấy nhiều cảnh đời chị em cơ cực quá. Tôi thấy thương các em nhỏ không biết đọc, biết viết lại không có điều kiện đến trường, nên lặng lẽ tập hợp các em lại, đưa về nhà dạy học” - cô Hai kể.

Việc vận động học trò đi học đã khó, vận động cha mẹ cho chúng đến trường càng khó hơn, vì chúng phải ở nhà chăm em, đi bán vé số, bánh cam, bánh bò. Cô Hai phải kiên trì để rủ từng em ra lớp. Nhà cô khi đó quá nghèo, cái bàn ăn được kê thành bàn học, tấm ván để ngủ chiều được dựng lên làm bảng viết.

Vậy rồi, lớp học lan tỏa tiếng thơm, nhiều người hay tin, ủng hộ lớp học bộ bàn ghế, cái quạt trần, người thì cho bình nước uống, tặng sách vở. Cứ vậy mà lớp học tồn tại suốt hơn 20 năm qua.

Tính đến nay, hơn 2.000 em nhỏ được cô Hai dạy vỡ lòng ở lớp phổ cập tại nhà, trong đó có người trở thành công nhân, kỹ sư. Được tuyên dương là điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cô Hai nói rất chân thành: “Từ thời trẻ, tôi đã nhận thức rõ ràng lời dạy của Bác, sự nghiệp trồng người là công việc cần phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, không ngưng nghỉ.

Đó là lời di huấn đầy tình cảm, tâm tư, trí tuệ của Bác Hồ. Tôi đã sống và làm theo phương châm đó suốt quãng đời đã qua của mình và chưa có suy nghĩ thay đổi cách nhìn về quan điểm này”.

Trong các điển hình tập thể, cá nhân được tuyên dương tại hội nghị lần này, có tập thể Chi hội PN ấp 1B, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh ngày ngày miệt mài chia nhau thu gom rác, làm sạch những tuyến đường, con hẻm, bờ kênh; có vợ chồng nữ nông dân Phan Thị Kích, ở xã Nhuận Đức, H.Củ Chi, bỏ ra hơn 6 triệu đồng mua máy bơm cho người dân - đặc biệt là học sinh, công nhân - dùng miễn phí...

Những tấm gương này cho thấy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là những việc to tát, lớn lao, mà trước hết là những việc làm bình dị, gần gũi, thiết thực nhất.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI