Kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023)

Học Bác “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”

19/05/2023 - 06:20

PNO - Trưa 9/5, tôi nhận được cuộc gọi của bà Tám Hà, giọng hớn hở: “Con ơi, cô đã nhận được giấy xác nhận mã số định danh cho mẹ con cô Lan rồi. Giờ cô đi mua cho họ thẻ bảo hiểm y tế đây. Cô báo vậy cho con yên tâm”.

 

Bà Tám Hà (trái) trong lần cùng  bà Lê Ngọc Lan đến Công an  xã Hưng Long,  huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước xin xác nhận nhân thân cho bà Lan  vào tháng 2/2023  - ẢNH: DIỄM CHI
Bà Tám Hà (trái) trong lần cùng bà Lê Ngọc Lan đến Công an xã Hưng Long, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước xin xác nhận nhân thân cho bà Lan vào tháng 2/2023 - Ảnh: Diễm Chi

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là sau hơn 30 năm không giấy tờ tùy thân, bà Lê Ngọc Lan (75 tuổi) cùng đứa con trai khù khờ đã có mã số định danh. Công lớn này thuộc về bà Tám Hà. Tám Hà là tên thường gọi của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Hà - 83 tuổi, ở khu phố 2, phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM - là điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, điển hình dân vận khéo cấp thành phố nhiều năm liền.

Bà Lê Ngọc Lan từng là công nhân ở đồn điền cao su Phú Riềng, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Năm 1992, do liên tục bị chồng bạo hành, dọa giết nên bà ôm đứa con trai vừa lọt lòng trốn đi. Khi đi, bà chỉ kịp xách theo túi quần áo cùng một ít tiền, bỏ lại giấy tờ tùy thân. Để nuôi con, ai thuê gì, bà cũng nhận làm dù công việc nặng nhọc đến đâu. 

Do không có giấy tờ tùy thân, đầu óc lại thiếu linh hoạt nên khi lớn lên, con trai bà Lan rất khó kiếm việc làm. Ngày càng già yếu, bà Lan lo đến ngày mình mất, con trai sẽ khó sống do không có giấy tờ tùy thân. Nhưng suốt mấy năm trời, bà không thể làm được giấy tờ tùy thân cho mình và con trai. Một người quen bèn mách nước: “Chị qua nhờ bà Tám Hà đi. Bà đó giỏi lắm, cái gì cũng làm được mà không lấy đồng nào”. 

Bà Lan liền tìm đến nhờ bà Tám Hà với mớ giấy ghi lại các cột mốc cuộc đời của mình và con trai. Bà Tám Hà cùng bà Lan đến quận Gò Vấp, Phú Nhuận là những nơi mà gia đình bà Lan từng cư trú trước khi đi kinh tế mới ở tỉnh Bình Phước. Bà Tám Hà xin trích lục giấy tờ hộ tịch gốc của bà Lan và làm lại giấy khai sinh cho con trai bà. Sau 4 tháng, gom đủ hồ sơ, bà Tám Hà và bà Lan bắt xe đi huyện Phú Riềng để xin xác nhận từng cư trú ở đó. Nhưng, hồ sơ gốc của bà Lan ở đó không còn. 

Hội Nông dân quận 12 thăm, chúc mừng bà Tám Hà (thứ hai từ trái sang) dịp tết Quý Mão 2023.  Bà Tám Hà từng là nữ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của quận 12 nhiều năm liền - ẢNH: DIỄM CHI
Hội Nông dân quận 12 thăm, chúc mừng bà Tám Hà (thứ hai từ trái sang) dịp tết Quý Mão 2023. Bà Tám Hà từng là nữ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của quận 12 nhiều năm liền - Ảnh: Diễm Chi

Không nản chí, bà Tám Hà lại tiếp tục thay mặt mẹ con bà Lan viết đơn, tìm luật sư tư vấn, đến Công an phường An Phú Đông, Công an quận 12, rồi lại đến huyện Phú Riềng. Sau gần 3 năm miệt mài viết đơn từ, đi lại, bà Tám Hà đã xin được mã định danh cho bà Lan và con trai. Tuy chưa làm được căn cước công dân cho họ nhưng bà Tám Hà cũng yên tâm phần nào.

Mẹ con bà Lan là 2 trong số hàng chục người mà bà Tám Hà đã hỗ trợ tìm lại nhân thân, hỗ trợ chi phí chữa bệnh kể từ ngày bà nghỉ hưu, về sinh sống ở quận 12 vào năm 1990 (trước khi nghỉ hưu, bà là Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Tiền Giang). 

Năm 2019, để giúp các con bà Nguyễn Thị Hương (91 tuổi) làm lại giấy tờ tùy thân để làm thẻ bảo hiểm y tế chữa bệnh, bà Tám Hà phải 8 lần đến cơ quan tư pháp để xin chỉnh lại tên Hường thành Hương (do cơ quan này đánh máy sai). 

Hỏi bà lui tới cơ quan công quyền hoài không mệt sao, bà chỉ cười: “Mệt thì có, nhưng mình nghỉ ngơi, tập thể dục rồi lại khỏe. Những người bị bệnh tật, đau yếu, nghèo khó, thiếu chữ nghĩa khổ hơn mình nhiều. Giúp họ được, mình mừng, sẽ càng khỏe hơn. Mà cô đâu có làm một mình. Nhiều người giúp cô lắm”. 

Rồi bà kể về anh lương y ở chùa Từ Quang, phường An Phú Đông, quận 12, sẵn sàng hốt thuốc giúp người bệnh mỗi khi bà cần đến, có khi còn sắc thuốc để bà mang đến cho các cụ già neo đơn. Bà cũng nhắc đến luật sư Đoàn Trọng Nghĩa - cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM.

Nghe hỏi về bà Tám Hà, luật sư Đoàn Trọng Nghĩa kể: “Mỗi lần nghe cô Tám Hà gọi là mình biết có rắc rối pháp lý cần giải quyết khẩn cấp rồi. Nghề luật sư cần sự sáng suốt, bình tĩnh nhưng khi nghe cô Tám Hà kể đầy bức xúc, tim mình lại nóng lên theo. Cứ vậy, mình nhào vô tìm căn cứ pháp lý, thảo đơn rồi cùng cô chạy lòng vòng lo biết bao nhiêu vụ việc”. 

Hỏi bà Tám Hà về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời, bà nói đó là 2 lần gặp Bác Hồ: “Lần tham gia diễu hành ở vườn hoa Ba Đình là đi ngang qua nơi Bác đứng thôi, nhưng lần Bác về thăm Trường Học sinh miền Nam thì cô may mắn được ở gần bên Bác, nghe Bác dặn dò, thương lắm, từng câu từng chữ nhớ hoài. Thương Bác, nên cô nguyện học theo gương Bác, nâng niu tất cả, chỉ quên mình. Bây giờ, vợ chồng cô đều hưu trí, con cái thành đạt, nên cô có thời gian để giúp người khác”. 

 Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI