Văn chương - xuất bản: Nhộn nhịp cuối năm
Sau gần nửa năm “án binh bất động”, đến nay, hoạt động của ngành sách gần như đã trở lại bình thường. Đường Sách TP.HCM, các nhà sách, cửa hàng sách đều đã mở cửa đón khách. Từ đầu tháng 12, nhà sách Phương Nam (trung tâm thương mại Estella Place, TP.Thủ Đức) đã trang hoàng chuẩn bị cho sự kiện “Ngôi làng Giáng sinh”, giảm giá 50% các sản phẩm từ sách đến văn phòng phẩm, đồ chơi, đồ trang trí… kéo dài từ nay đến ngày 1/1/2022. Trung tâm sách Kim Đồng (248 Cống Quỳnh, Q.1) cũng khuyến khích bạn đọc nhỏ tuổi đến vui chơi, đọc sách, chụp ảnh.
|
Hoạt động tại Đường Sách TP.HCM sôi nổi từ nay đến cuối năm - ẢNH: ĐƯỜNG SÁCH TP.HCM |
Sôi động nhất là Đường Sách TP.HCM với các hoạt động đang và sẽ diễn ra từ nay đến tết dương lịch. Sau lễ khai mạc vào sáng 1/12, tuần lễ Doanh nhân và Sách tiếp tục với chuỗi các sự kiện: giao lưu sinh viên - hành trang lập nghiệp qua những trang sách, hội thảo Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp, trao giải cuộc thi ảnh đẹp TP.HCM, lễ công bố các tựa sách được chọn trong Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học… cùng nhiều sự kiện ra mắt, giới thiệu sách.
Đến cuối tháng 12/2021 sẽ có phiên chợ sách cuối năm (từ 29/12/2021 - 2/1/2022) và hoạt động mừng Đảng mừng xuân, kỷ niệm sáu năm thành lập Đường Sách TP.HCM (từ ngày 5 - 9/1/2022). Đây là chuỗi hoạt động liên tục và kéo dài nhất của Đường Sách kể từ ngày mở cửa trở lại sau giãn cách.
Sự nhộn nhịp lạc quan của xuất bản cuối năm còn là những tựa sách hay được đều đặn ra mắt độc giả. Hậu khủng hoảng: Bảy bí quyết bảo toàn của cải trong thời gian tới và 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch là hai trong số sách đề tài “hậu khủng hoảng sau dịch” được Nhà xuất bản Trẻ thực hiện trong thời gian giãn cách, vừa chính thức phát hành. Omega Plus Books cũng gấp rút tái bản tác phẩm được trao giải A giải thưởng Sách Quốc gia: Súng, vi trùng và thép (cuốn sách từng phải nằm chờ trong nhà in vì dịch bệnh). Theo thông tin từ các đơn vị xuất bản, từ nay đến cuối năm sẽ còn rất nhiều tựa sách văn học, nghiên cứu, lịch sử, khoa học… tiếp tục được lên kệ.
Hoạt động xuất bản đang dần trở lại bình thường. Một số sự kiện giới thiệu, tọa đàm về sách dù vẫn phải tổ chức trong điều kiện giới hạn khách mời để phòng dịch, nhưng nhờ kết hợp livestream, giao lưu qua Zoom đã góp phần tạo được sự sôi động đáng khích lệ.
Một trong những điều khiến những người cầm bút phấn khởi còn là các cuộc thi viết ý nghĩa như: “Tết 5K” (do fanpage Tập san Áo Trắng tổ chức), “Về nhà” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - chi nhánh phía Nam tổ chức).
Điện ảnh bắt nhịp, truyền hình tăng tốc
Hoạt động sản xuất phim cũng rộn ràng trở lại với nhiều dự án được triển khai, nhất là lĩnh vực phim truyền hình. Các đoàn làm phim truyền hình chiếu tết đang tăng tốc ghi hình để kịp ra mắt. Đạo diễn Văn Công Viễn tất bật với 10 tập Thấy mai là thấy Tết - bộ phim về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, đặc biệt là trong những ngày tết. Anh cho biết bộ phim này truyền tải thông điệp tết hiện đại, nhưng không mất đi giá trị truyền thống. Phim dự kiến phát sóng vào dịp tết Nguyên đán trên kênh SCTV6 phim 360. Phim ghi hình tại phim trường CineV Studio rộng 5ha ở TP.Thủ Đức để đảm bảo an toàn, thuận tiện.
|
Đoàn phim Xứng lứa vừa đôi đang ghi hình |
Đạo diễn Đinh Đức Liêm trở lại với phim truyền hình Xứng lứa vừa đôi, bấm máy vào ngày 1/12 vừa qua. Ngày 5/12 tới, đạo diễn Xuân Phước bấm máy phim Vũ điệu đón xuân dài khoảng 20 tập với sự tham gia của các diễn viên Lương Thế Thành, Thúy Diễm, Kha Ly, Thanh Duy. Anh tiết lộ: “Từ lâu tôi đã có ý tưởng làm một bộ phim về nghề lân sư rồng, vì cuộc đời những người làm công việc này thường có những câu chuyện rất hay…”.
Bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc Hãng Mega GS, đơn vị đang triển khai hai phim Nhà không bán (điện ảnh) và Duyên kiếp (truyền hình) - chia sẻ: “Phim ảnh hoạt động trở lại, các diễn viên vui vì có việc làm nhưng không chủ quan. Cứ ba ngày, đoàn phim lại phải xét nghiệm một lần. Đây là điều cần làm để đảm bảo an toàn cho các thành viên”. Nói thêm về hai phim đang thực hiện, bà cho biết: “Nhà không bán do đạo diễn Hoàng Tuấn Cường thực hiện, với sự góp mặt của Việt Hương, Hữu Tín. Vài ngày tới, đến lượt đoàn phim Duyên kiếp của đạo diễn Chu Thiện bấm máy. Đây là phim chuyển thể từ kịch bản cải lương nổi tiếng Duyên kiếp trước đây”.
Ngoài các phim trên, lĩnh vực truyền hình còn nhộn nhịp nhiều phim khác đang ghi hình, như phim chủ đề gia đình Sóng gió hào môn (đạo diễn Tô Hòa Thuận), phim xưa Bến lỡ liêu xiêu (đạo diễn Hoàng Mập - Cư Quế), phim hình sự trinh thám Mặt trời khuyết (đạo diễn Đặng Minh Quốc). Trong khi các phim truyền hình trở lại khá sôi nổi thì các dự án phim điện ảnh vẫn còn đang trong giai đoạn tiền kỳ như Nghề siêu dễ (đạo diễn Võ Thanh Hòa), Quỳnh Hoa nhất dạ (đạo diễn Lý Minh Thắng), Con Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn).
Nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc được “hâm nóng”
Thị trường nhạc Việt tái khởi động cực kỳ sôi nổi với hàng loạt sản phẩm “hâm nóng” đường đua âm nhạc mùa cuối năm. Trong vòng khoảng hơn một tháng, đã có hơn 10 sản phẩm âm nhạc được giới thiệu, giải tỏa “cơn khát” sản phẩm mới sau thời gian thị trường phải đóng băng hoạt động vì dịch bệnh. Dù các sản phẩm được phát hành sát nhau, nhưng nhờ sự khác biệt trong đề tài, thể loại, khán giả vẫn có nhiều sự lựa chọn. Ca sĩ Vũ ra mắt MV Bước qua nhau với bối cảnh quay trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Phương Mỹ Chi làm mới Hồn trinh nữ (tác giả Trịnh Lâm Ngân, phổ thơ Nguyễn Bính) theo thể loại lofi, mở màn cho dự án Bolero lâu phai - chuyên làm mới những bản bolero nằm lòng với khán giả. Ca sĩ Đan Trường ra mắt nhạc phẩm Hoa trong nụ cười. Hà Thu giới thiệu MV Huế và em, nằm trong dự án dài hơi khai thác những nhạc phẩm quê hương. Ali Hoàng Dương, Min, Erik, Văn Mai Hương, rapper Dế Choắt… cũng liên tục giới thiệu các sản phẩm mới. Sự sôi động của thị trường nhạc Việt là tín hiệu vui, cho thấy các nghệ sĩ đã trở lại với hoạt động âm nhạc trong thời điểm bình thường mới.
|
Hình ảnh khai mạc “Đường nhiếp ảnh nghệ thuật” |
Hoạt động hội họa và nhiếp ảnh trên địa bàn thành phố thời gian qua cũng bắt đầu rục rịch khởi động từ khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Điểm nhấn của nhiếp ảnh là sự kiện ra mắt “Đường nhiếp ảnh nghệ thuật” giữa lòng thành phố. Theo đó, con đường Đồng Khởi tuyệt đẹp giữa trung tâm thành phố sẽ trở thành điểm hẹn không chỉ của các nhiếp ảnh gia, mà còn với người dân Sài Gòn và du khách trong thời gian tới. Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM Đoàn Hoài Trung cho biết, sắp tới, các triển lãm sẽ được tổ chức liên tục để duy trì hoạt động của con đường nhiếp ảnh nghệ thuật này.
Triển lãm “Thành quả trại sáng tác và sáng tác mới năm 2021” trưng bày 333 tác phẩm với nhiều thể loại, chất liệu, phong cách thể hiện. Đây là các tác phẩm được hội đồng nghệ thuật tuyển chọn từ 670 tác phẩm tranh, tượng gửi tham dự chín trại sáng tác và tác phẩm sáng tác tự do của hội viên. Bên cạnh triển lãm của Hội Mỹ thuật TP.HCM, thời gian qua, các triển lãm cá nhân cũng được tổ chức trở lại. Họa sĩ Lê Kinh Tài tổ chức triển lãm Mirror (tựa Việt: Soi gương) vô cùng ấn tượng. Nhóm nghệ sĩ Wallovers tổ chức triển lãm Urban Layer (tựa Việt: Những lát cắt thành thị) cho thấy đời sống mới của cộng đồng nghệ thuật graffiti tại Sài Gòn. Sắp tới, từ ngày 4 -8/12, năm nghệ sĩ đường phố của TP.HCM sẽ thực hiện các bức tranh tường khổ lớn tại một chung cư và villa ở Q.1. Đây là hoạt động thuộc dự án nghệ thuật quốc tế Saigon Urban Arts 2021, do Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TP.HCM và Hội đồng nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia tổ chức.
Game show trở lại ghi hình trực tiếp
Chỉ ít ngày sau khi TP.HCM cho phép các hoạt động sản xuất được trở lại bình thường, tuân thủ quy định phòng chống dịch, các nhà sản xuất game show đã bắt tay sản xuất lại. Trước đó, nhiều chương trình phải ghi hình trực tuyến để đảm bảo lịch phát sóng. Dẫu thích nghi nhưng chất lượng các chương trình không đồng đều. NSƯT Vũ Thành Vinh - Giám đốc Công ty Truyền thông Khang - cho biết sau hai tháng bình thường mới, tình hình nhân sự của các ê-kíp sản xuất đã ổn định. “Việc sản xuất trực tuyến là phương án thích nghi trong tình hình căng thẳng vừa qua. Tuy nhiên, nhiều chương trình đặc thù phải sản xuất trực tiếp mới thể hiện được tính tương tác. Khi ê-kíp làm việc trực tiếp sẽ dễ dàng trao đổi, chỉnh sửa cho nhau”, anh nói.
|
Một cảnh trong game show Hát cho ngày mai |
Hiện thị trường game show đã trở nên nhộn nhịp, với nhiều màu sắc đa dạng. Trong đó, nhiều game show vui nhộn, hài hước lên sóng như: 7 nụ cười xuân, Lạ lắm à nha, Tài tám tếu, Tiếp chiêu đi chờ chi, Thách sao nấu được… Đây cũng là xu hướng tất yếu, bởi thời điểm này sự vui vẻ, nguồn năng lượng tích cực được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút người xem.
Không thể không nhắc đến một số chương trình mang ý nghĩa nhân văn. Hát mãi ước mơ trở lại với mùa 4. Những người tham gia chương trình sẽ giúp sức cho những hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những trường hợp gặp cảnh không may trong đại dịch COVID-19. Hát cho ngày mai quy tụ người chơi là bác sĩ, tình nguyện viên chống dịch. Số tiền người chơi thu được sau các phần thi có thể được dùng hỗ trợ cho các tổ công tác chống dịch, hoặc những hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi do dịch COVID-19.
Yếu tố đảm bảo an toàn, phòng chống dịch luôn được đề cao, nhiều chương trình chọn cách thu nhỏ quy mô ghi hình hoặc ghi hình không có khán giả. Chẳng hạn, Giải mã tri kỷ mùa này chỉ thực hiện trong một studio nhỏ, với MC, khách mời và quay phim, trong khi những mùa trước có cả khán giả tham dự, và được quay ở phim trường lớn. Tài tám tếu cũng thực hiện trong không gian khá nhỏ, ngoài bốn nghệ sĩ thì có thêm khoảng năm người ngồi xem tạo hiệu ứng. Ê-kíp sản xuất phải đáp ứng đủ các điều kiện: tiêm đủ hai mũi vắc-xin, xét nghiệm nhanh âm tính, thực hiện 5K.
Đại diện Nhà sản xuất The champion - bà Trương Thụy Tường Vy - cho biết ê-kíp đã tìm nhiều cách thích nghi với tình hình mới, hiện đã ghi hình xong đợt 1, chuẩn bị ghi hình đợt 2. “Dù phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, nhưng từ những khó khăn này, chúng tôi - những nhà sản xuất, nghệ sĩ có mặt ở đây đã có được nhiều bài học. Quan trọng là cùng nhau vượt qua để có chương trình hay phục vụ khán giả”.
Sân khấu hồi sinh
Với đặc trưng quy mô nhỏ, sân khấu phòng trà là nơi có nhiều triển vọng khi hoạt động trở lại. Anh Hà Thanh Phúc - chủ phòng trà ca nhạc Vừng ơi mở ra - dự định chỉ mở hai suất dành cho ca sĩ Văn Mai Hương vào đầu tháng 11, nhưng do liên tục “cháy vé” nên đã quyết định có thêm suất thứ ba. Tín hiệu vui này giúp anh có động lực mở thêm các suất diễn, kết hợp với các ca sĩ: Nguyên Hà, Trịnh Thăng Bình, Quang Trung, Hoàng Dũng… Trong tháng 12, nơi đây sẽ diễn ra sô của các ca sĩ như: Trung Quân Idol, Orange, Phương Thanh, Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi, Bùi Lan Hương, Vương Anh Tú… Mỗi đêm diễn lượng khán giả cho phép là 50% so với sức chứa bình thường. Ê-kíp lẫn khán giả phải tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch theo yêu cầu.
Anh Hà Thanh Phúc cho biết việc hoạt động trong thời điểm này vẫn còn những trở ngại nhất định, nhưng anh vẫn muốn duy trì thói quen nghe nhạc live cho khán giả. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng dự định tổ chức mini show để mở cửa lại phòng trà trong tháng 12 này. Hiện anh đang trong quá trình chuẩn bị, chưa ấn định thời gian chính thức. Nam nhạc sĩ nói: “Chúng tôi luôn muốn gặp gỡ khán giả để giúp đời sống văn nghệ tại TP.HCM sôi động, nhiều màu sắc hơn. Tuy nhiên, có lẽ chúng tôi vẫn phải chờ đợi tình hình chung trong thời gian ngắn sắp tới, vì vấn đề sức khỏe, an toàn của khán giả vẫn trên hết”.
Sân khấu kịch của NSND Hồng Vân vừa tổ chức phúc khảo vở Ngôi nhà trên thuyền, nói về đời sống gia đình, di chứng chất độc da cam từ chiến tranh. Đây là sân khấu kịch đầu tiên có vở mới, sau khoảng nửa năm im lìm. Vở diễn dự kiến được mang dự thi Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc diễn ra tháng 1/2022, sau đó phục vụ khán giả trong mùa tết. NSND Hồng Vân cho biết bên cạnh thế mạnh về kịch kinh dị, hài kịch, sân khấu sẽ phát triển chính kịch trong thời gian tới.
|
Các thí sinh trong đêm chung kết 2 Chuông vàng vọng cổ |
Nhà hát Phương Nam cũng có vở rối cạn Lòng mẹ, đã hoàn thiện, chờ ngày ra mắt. Đồng thời, đơn vị này cũng đang dựng vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Sân khấu Sen Việt chuẩn bị phiên bản thử nghiệm mới của vở cải lương Nhật thực, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị cho mùa tết 2022. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có vở: Đứa con họ Triệu, Tiếng trống Mê Linh, Ngược gió, Khát vọng ngày mai. Hiện, các vở vẫn chưa có lịch diễn, nhưng phải chuẩn bị trong tâm thế sẵn sàng. Đồng thời, đơn vị này cũng có chương trình “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu cải lương”, phát trên kênh YouTube để phục vụ khán giả.
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ hiện đã đi được một nửa chặng đường để tìm ra chủ nhân ngôi vị cao nhất. Trước đó, do dịch nên một số vòng thi phải tổ chức trực tuyến. Khi tình hình ổn định, các huấn luyện viên tập luyện, hướng dẫn trực tiếp cho thí sinh. Mỗi số quay hình giới hạn lượng khán giả tham dự. Trường quay được bố trí thêm các màn hình để kết nối với khán giả xem trực tuyến tại nhà, tạo không khí sinh động.
Nhóm phóng viên văn hóa văn nghệ