Hoạt động trải nghiệm không phải là tổ chức cho học sinh đi tham quan

03/10/2020 - 18:01

PNO - Sau bài học, giáo viên cho học sinh luyện tập, các em có thể trải nghiệm tại gia đình... chứ không phải cho học sinh đi tham quan là trải nghiệm.

Thời gian qua, nhiều phụ huynh phản ánh về việc các trường bắt đầu thông báo thu tiền hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Theo đó, mức thu ở mỗi trường là khác nhau, có trường thu 150.000 cho hoạt động trải nghiệm, có trường thu 200.000 đồng và có trường lại thu hơn 200.000 đồng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều phụ huynh cho rằng Bộ GD-ĐT cần quy định mức thu cho chương trình trải nghiệm không thể để xảy ra tình trạng các trường thích thu thế nào thì thu và mỗi nơi thu một kiểu. Nhiều trường lại chủ trương cho học sinh đi tham quan 1 ngày và nói đó là hoạt động trải nghiệm liệu đã đúng bản chất?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, hoạt động trải nghiệm trong chương trình mới được xây dựng theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Học sinh học kiến thức sẽ có các bài tập để luyện tập kỹ năng, vận dụng kiến thức ấy trong các hoạt động thực tế tại nhà...

"Sau bài học, giáo viên giao cho học sinh bài tập luyện tập để các em về xem xung quanh gia đình có gì liên quan đến kiến thức học trong bài bài đó để nghiên cứu trải nghiệm tại gia đình, tại vườn trường. Đó là cách sử dụng kiến thức để ứng dụng trải nghiệm thực tế sau đó phải có báo cáo về việc vận dụng trải nghiệm đó gửi cho thầy cô.

Việc tổ chức trải nghiệm không phải là thu tiền của phụ huynh, cho học sinh lên xe tham quan. Điều này hiện nay đang bị lạm dụng. Bộ GD-ĐT không cấm việc các trường cho học sinh đi tham quan nhưng nhiều người hiểu trải nghiệm là tổ chức đưa các cháu đi tham quan và thu tiền của phụ huynh là chưa đúng tinh thần và bản chất của hoạt động trải nghiệm trong cơ sở giáo dục đại học”, ông Thành cho hay.

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT, chương trình phổ thông mới có quy định trải nghiệm là bắt buộc và phải thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

“Đó là hoạt động chính khóa, có quy định chuẩn đầu ra. Trong chương trình mới có những hoạt động được tích hợp trải nghiệm trong chính tiết học, có những hoạt động trải nghiệm được lồng ghép trong môn học khác và nhiệm vụ của giáo viên là phải giúp học sinh thực tế hóa bài học.

Có những hoạt động trải nghiệm nhà trường công khai theo chương trình chính khóa còn có hoạt động theo nhu cầu phụ huynh thì nhà trường bắt buộc phải lấy ý kiến của phụ huynh và khoản thu phải công khai, minh bạch”, ông Tài cho hay.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI