Hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh ngày càng hiệu quả

28/09/2024 - 06:03

PNO - Năm học này, nhiều trường THPT khác tại TPHCM cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, hướng đến cuộc thi cấp trường và cấp thành phố sắp tới.

7g, tiếng chuông reo báo hiệu giờ vào lớp tự động vang lên khắp khuôn viên Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM). Đây là hệ thống chuông báo do chính học sinh trường nghiên cứu, áp dụng thành công từ 10 năm nay.

Bà Hoàng Thị Minh Nghi - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết dù chỉ mới đầu năm học nhưng trường đã có 32 đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh đang bước vào giai đoạn hoàn tất. Năm học này, nhiều trường THPT khác tại TPHCM cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, hướng đến cuộc thi cấp trường và cấp thành phố sắp tới.

Học sinh Trường THPT Trần Phú thuyết minh về dự án trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường năm học 2023-2024 - Nguồn ảnh: Website trường
Học sinh Trường THPT Trần Phú thuyết minh về dự án trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường năm học 2023-2024 - Nguồn ảnh: Website trường

Trường học "đặt hàng" học sinh

Từng giành giải Ba cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp thành phố năm 2023 với đề tài “Thìa chống rung cho người bị bệnh Parkinson”, năm nay, 2 học sinh Lâm Ngô Đình và Nguyễn Chí Khang - lớp Mười hai Trường THPT Lương Thế Vinh - tiếp tục thực hiện đề tài thiết bị dạy học môn vật lý ở chương điện tử học.

“Chúng em là lứa học sinh đầu tiên học chương trình mới và nhận thấy nhiều thiết bị dạy học vẫn còn thiếu. Do đó, nhóm muốn phát triển một thiết bị dạy học áp dụng các cảm biến, giúp học sinh tiếp nhận các kiến thức một cách cụ thể, sinh động hơn. Thầy cô cũng có thể dạy học dễ dàng hơn” - Chí Khang chia sẻ.

Cũng ở trường này, 2 học sinh Nguyễn Thành Đạt và Nguyễn Đình Phong đang hoàn tất đề tài hệ thống tưới cây tự động sử dụng năng lượng mặt trời. Thành Đạt cho biết: “Trường đưa các chậu cây lên hành lang để tạo không khí mát mẻ.

Nhưng như vậy phải tốn thêm người chăm sóc, tốn nhiều thời gian. Hệ thống của chúng em sẽ tận dụng năng lượng sạch để tưới cây theo cài đặt, hoàn toàn kiểm soát được số lần tưới, thời gian tưới và lượng nước tưới để đảm bảo tốt cho cây trong từng thời điểm khác nhau”. Hiện trường đã “đặt hàng” 2 học sinh, nếu sản phẩm tốt sẽ được ứng dụng trên toàn bộ không gian trường.

Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TPHCM) cũng có 84 dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật được học sinh thực hiện trong năm học này. Để học sinh có môi trường rèn luyện, thử sức, Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học của trường hoạt động sôi nổi mỗi tuần, với sự hỗ trợ của nhiều giáo viên và cựu học sinh có kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Đức Chính - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, hoạt động nghiên cứu được trường thực hiện liên tục trong năm, là trọng tâm trong giáo dục STEM cho học sinh. Sắp tới, trường sẽ tổ chức kỳ thi chọn đề tài tham gia cấp thành phố với nhiều giám khảo là giảng viên đại học. Việc này không chỉ thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo mà còn tác động lớn đến chất lượng dạy và học.

Ở Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5, TPHCM), cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp trường cũng có giảng viên đại học tham gia với vai trò giám khảo. Ông Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Các giảng viên sẽ vừa chấm điểm, vừa nhận xét, tư vấn thêm cho các đề tài. Cách làm này vừa đảm bảo công bằng cho học sinh, vừa giúp thầy cô hướng dẫn có thêm nhiều ý tưởng, mở rộng suy nghĩ hơn”.

Các trường đại học sẵn sàng hỗ trợ

Những ngày đầu thực hiện dự án, Nguyễn Chí Khang và Lâm Ngô Đình gặp không ít khó khăn. Cả hai phải hoàn toàn dựa trên lý thuyết, trí tưởng tượng để tạo ra sản phẩm. Chí Khang nói: “Em rất muốn qua khu công nghệ cao để thử nghiệm các máy móc tương tự nhưng không được nên phải tự xây dựng các mô phỏng, đôi khi thiếu tính chính xác, thiếu tính khoa học”.

Trước vấn đề này, bà Hoàng Thị Minh Nghi cho hay, khi cần thực hành, trường có thể hỗ trợ học sinh đến khu công nghệ cao hoặc trường đại học để làm việc ở phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, học sinh phải mạnh dạn trình bày nhu cầu của mình với giáo viên hướng dẫn.

Bà cũng cho biết, điều khó khăn nhất của các trường khi triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học là kinh phí. Nhà trường, phụ huynh và học sinh phải tự chi trả để thực hiện các dự án.

Nhiều sản phẩm học sinh làm ra có giá thấp hơn giá thị trường, nhưng để phát triển và bán đại trà thì cần kết nối với doanh nghiệp. Trong khi đó lại là hạn chế của các trường THPT hiện nay. Do đó, bà mong muốn có sự kết nối, hỗ trợ từ các trường đại học hoặc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM để các đề tài có thể tiến xa hơn.

Từng đồng hành cùng một số trường THPT trong hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TPHCM - nhận định, nhiều ý tưởng nghiên cứu của học sinh rất tốt, sáng tạo và có chiều sâu. Tuy nhiên, để những đề tài này đạt được tầm khoa học thì cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ những người có chuyên môn cao.

“Các trường đại học có thể ươm mầm, đầu tư dự án, chuyển giao cho nhóm sinh viên hoặc học sinh lên đại học có thể theo đuổi tiếp. Để làm được điều này, cần hình thành một mạng lưới kết nối giữa trường phổ thông và trường đại học. Chúng tôi rất chủ động và sẵn sàng hợp tác với các trường THPT, tiếp tục quan tâm, đưa vào ngân hàng ý tưởng để kết nối chuyển giao cho doanh nghiệp” - ông nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp TPHCM - chia sẻ: thời gian qua, trường đã hỗ trợ các trường phổ thông về tư vấn ý tưởng, phòng thí nghiệm và giảng viên chấm các cuộc thi nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, sự kết nối giữa 2 bên chưa nhiều. Trường đại học sẵn sàng hỗ trợ nên các trường THPT hãy chủ động đề xuất nhu cầu. Một đề tài muốn phát triển hơn ở bậc đại học phải có tính khả thi. Học sinh phải học cùng lĩnh vực với đề tài nghiên cứu trước đó. Nếu có đủ 2 điều trên và học sinh, sinh viên mạnh dạn trình bày thì trường đại học sẽ hỗ trợ ngay.

Hơn 1.200 đề tài nghiên cứu khoa học hằng năm

Năm học 2021-2022, TPHCM có hơn 800 dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật đến từ 22 trường trung học. Năm học 2022-2023 là 1.226 dự án từ 82 trường THPT, 49 trường THCS và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm học 2023-2024, thành phố có hơn 1.200 đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật tham gia vòng tuyển chọn cấp cơ sở.

Tháng 5/2024, dự án “Phần mềm tích hợp học sâu để phân vùng và tái tạo cấu trúc tim nguyên khối trong không gian 3D mô phỏng cho ứng dụng thực hành y khoa” của Nguyễn Lê Quốc Bảo và Lê Tuấn Hy (học sinh lớp Mười hai Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5) đã xuất sắc đạt giải Nhì trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) năm 2024 tại Mỹ.

Đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được sau 12 năm, kể từ khi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức và tham dự hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế từ năm 2013.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI