Hoạt động live stream bán hàng đang bị thả nổi

19/06/2024 - 06:04

PNO - Ngày 5 - 6/6, sau 34 giờ live stream (quay, phát trực tiếp), kênh TikTok Q.L.D. bán được 232.000 đơn hàng, thu gần 76 tỉ đồng. Những thương vụ hàng chục tỉ đồng như trên ngày càng phổ biến, nhưng không ai nắm được chính xác doanh thu cũng như chất lượng hàng được bán, trừ chủ các tài khoản mạng xã hội.

2 tiktoker thông báo về phiên live stream bán hàng với tổng trị giá hàng 150 tỉ đồng hồi đầu tháng 6/2024 ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TIKTOK
2 tiktoker thông báo về phiên live stream bán hàng với tổng trị giá hàng 150 tỉ đồng hồi đầu tháng 6/2024 - Ảnh chụp màn hình TikTok

Doanh thu cao, chất lượng hàng phập phù

Dù không đạt được doanh số 150 tỉ đồng như chủ kênh đề ra nhưng 76 tỉ đồng vẫn là con số mà mọi cá nhân, tổ chức kinh doanh trực tuyến (online) đều phải mơ ước. Trước đó không lâu, kênh này tổ chức 2 phiên live stream bán hàng, đạt doanh số lần lượt là 75 tỉ và 100 tỉ đồng.

Tối 6/6, V.H.L. - người sáng tạo nội dung trên TikTok (tiktoker) - chỉ live stream trong 90 phút nhưng căn cứ vào lượt bình luận đặt mua hàng, nhiều người dự đoán doanh số không dưới 100 tỉ đồng. Trước đó, tiktoker này từng mở phiên live stream bán hàng, đạt doanh thu hơn 37 tỉ đồng.

Do doanh thu cao, một số người nổi tiếng trong giới giải trí cũng nhảy sang lĩnh vực live stream bán hàng này. Người mẫu D.L.A. khoe, vừa có buổi live stream bán hàng thu được 4 tỉ đồng, lợi nhuận cao gấp 10-20 thù lao (cát xê) dự sự kiện. Diễn viên H.H. cũng tiết lộ, lợi nhuận từ vài phiên live stream bán hàng bằng thù lao đóng vai chính trong một bộ phim dài 30 tập.

Doanh thu thực từ 1 phiên live stream bao nhiêu, chất lượng hàng hóa được bán trong các phiên live stream thế nào là điều khó biết. Đầu tháng 6/2024, Tổng cục Quản lý thị trường đã phát hiện kho hàng chứa khoảng 2.000 chiếc điện thoại iPhone, máy tính bảng, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo… không có hóa đơn, nghi nhập lậu, được đăng bán trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop.

Ngày 6/6, Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng live stream, bán hàng ngàn chiếc nón giả nhãn hiệu Nón Sơn trên TikTok Shop, thu về hàng trăm triệu đồng. Ngày 12/6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát hiện hộ kinh doanh Bùi Thị Loan bày bán 100 nón bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo Nón Sơn.

Hoạt động live stream bán hàng đang “phủ sóng” các nền tảng mạng xã hội nhưng lại thiếu chế tài quản lý ẢNH: MINH AN
Hoạt động live stream bán hàng đang “phủ sóng” các nền tảng mạng xã hội nhưng lại thiếu chế tài quản lý - Ảnh: Minh An

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - thông tin, các sản phẩm giả Nón Sơn trên thị trường gần đây đều được kinh doanh qua hình thức online, live stream. Ông từng theo dõi một tài khoản trên TikTok live stream bán Nón Sơn giả, chốt được 500 đơn hàng chỉ trong 90 phút. Lúc live stream, họ dùng hàng thật để làm mẫu nhưng sau đó giao hàng giả cho khách. Theo ông, nếu không được quản lý chặt chẽ, mạng xã hội và hoạt động live stream bán hàng sẽ là kênh tiêu thụ hàng giả phổ biến, vừa gây thiệt hại cho người dân (khách hàng) và doanh nghiệp, vừa gây thất thu thuế của Nhà nước.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 4 và 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội khóa XV đã bày tỏ băn khoăn về vấn đề thu thuế, chất lượng hàng hóa được bán qua các phiên live stream, biện pháp quản lý hoạt động này.

Nên có giải pháp thu thuế riêng

Trả lời phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, đại diện Shopee Việt Nam cho biết, đơn vị này đang quản lý chặt chẽ các hoạt động live stream bán hàng trên nền tảng Shopee Live của Shopee.

Theo đó, khi đăng hoặc live stream để bán hàng, người bán phải đảm bảo chất lượng hàng hóa và nội dung đăng, phát theo đúng quy định pháp luật. Shopee áp dụng hệ thống kiểm duyệt tự động và có đội ngũ nhân viên chuyên trách rà soát, kiểm tra tính hợp lệ của các nội dung, sản phẩm trên Shopee Live và nhanh chóng loại bỏ các nội dung, sản phẩm không phù hợp.

Nhân viên một công ty kinh doanh gạo live stream bán hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024, diễn ra ở quận 7, TPHCM từ ngày 8 - 11/5
Nhân viên một công ty kinh doanh gạo live stream bán hàng tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024, diễn ra ở quận 7, TPHCM từ ngày 8 - 11/5

Shopee Live cũng được thiết lập chức năng báo cáo để người dùng báo cáo các trường hợp vi phạm. Công ty có các mức xử lý khác nhau tùy mức độ vi phạm của chủ tài khoản bán hàng, như hạn chế hiển thị việc live stream, ngừng phát sóng, khóa các tính năng hỗ trợ việc live stream. Nếu vi phạm nghiêm trọng, người bán sẽ bị cấm phát sóng trực tiếp, bị khóa tính năng live stream có thời hạn hoặc vĩnh viễn, đồng thời Shopee sẽ báo cáo vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước để xử lý. Thế nhưng, không phải nền tảng mạng nào cũng quản lý chặt chẽ như Shopee.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và văn hóa doanh nghiệp - rất khó thống kê chính xác doanh thu từ hoạt động live stream bán hàng bởi mỗi nền tảng mạng (Facebook, Shopee, Lazada, TikTok, YouTube…) có hệ thống thống kế và báo cáo riêng, người bán hàng có thể gian lận số liệu như tăng lượt xem ảo, tạo đơn hàng ảo để đẩy doanh thu. Thêm nữa, việc mua hàng không chỉ diễn ra trong lúc live stream mà còn tiếp diễn sau đó.

Ông cho rằng, do khó xác định được doanh thu, khó quản lý hoạt động live stream bán hàng, khó chứng minh hành vi vi phạm nên cần xây dựng giải pháp thu thuế riêng đối với hoạt động này nhằm đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh, nộp thuế. Chẳng hạn, có thể xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu người bán phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với hệ thống quản lý thuế.

Hiện nay, chỉ có 5 - 10% số hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo hình thức kê khai, có hóa đơn, sổ sách kế toán, còn lại đều nộp thuế khoán, tức là nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên. Điều này có thể dẫn đến tình trạng khai man doanh thu để trốn thuế, đặc biệt là những hộ, cá nhân live stream bán hàng, có doanh thu bạc tỉ. Tình trạng thất thu thuế còn do nhiều người kinh doanh online nhưng không đăng ký kinh doanh, không kê khai và nộp thuế theo quy định.

Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang - cho rằng, cơ quan quản lý thuế phải có giải pháp thu thuế hiệu quả cũng như kiểm tra, phát hiện hành vi trốn thuế chứ không nên dựa vào ý thức của người kinh doanh như cách làm lâu nay. Theo ông, có khoảng 90% cuộc giao dịch online được thanh toán qua tài khoản ngân hàng chứ không dùng tiền mặt.

Do đó, cơ quan thuế nên thành lập bộ phận chuyên theo dõi những cá nhân bán hàng online có doanh số lớn, sau đó đề nghị ngân hàng cung cấp bản sao kê tài khoản của các cá nhân này (chủ hàng lẫn người live stream), nếu phát hiện hành vi trốn thuế thì xử phạt và thông tin công khai họ tên, địa chỉ kinh doanh trên các phương tiện truyền thông. Điều này sẽ tác động đến những cá nhân kinh doanh khác, buộc họ phải tự nguyện kê khai và nộp thuế bởi nếu nộp đúng và đủ thì tiền nộp thuế rất ít nhưng nếu bị phạt và bị truy thu thuế thì số tiền rất nhiều.

Ông đề nghị: “Ngành thuế nên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người kinh doanh hiểu và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nghiêm túc và thuận lợi. Tôi thấy hoạt động này lâu nay còn hạn chế”.

Sớm bổ sung các quy định về thương mại điện tử

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần có những quy định rõ hơn trong việc thu thuế đối với hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, hoạt động live stream bán hàng để chống thất thu thuế, gian lận thuế.

Theo ông, việc quản lý các hoạt động này rất khó khăn và đây là trách nhiệm của nhiều ngành, như ngành công thương, ngành công nghệ thông tin, ngành tài chính, công an… Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm. Bộ cũng tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Ông cho hay, thương mại điện tử có tốc độ phát triển trên 20%/năm và tương lai còn mạnh hơn nữa. Quản lý các hoạt động thương mại điện tử là vấn đề mới không chỉ với riêng Việt Nam và đòi hỏi phải cập nhật các chính sách.

Huyền Anh

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM: Dùng công nghệ giám sát hoạt động bán hàng qua mạng

Doanh số được công bố từ các phiên live stream không phải là doanh số thực vì đây là những con số dựa trên các tin nhắn đặt hàng. Có thể có những tương tác ảo do ê kíp thực hiện buổi live stream tạo ra để kích thích khách hàng, đồng thời có khách hàng bình luận đặt mua hàng nhưng sau đó hủy đơn. Doanh số thực sự phải dựa trên giao dịch chuyển khoản hoặc trả tiền mặt khi giao hàng. Việc công bố doanh số hàng trăm tỉ đồng tạo ra dư luận không tốt, làm cho môi trường kinh doanh online không còn lành mạnh. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngành thuế nên dựa vào con số công bố này để truy thu thuế thẳng tay.

Các hoạt động bán hàng online đều phải thông qua ngân hàng các bên trung gian như bưu điện, các công ty giao nhận. Muốn nắm được doanh thu của các cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng, ngành thuế chỉ cần thanh tra các đơn vị này là ra kết quả, từ đó truy thu thuế. Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, ngành thuế dùng công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu và phân tích cơ sở dữ liệu. Họ thành lập trung tâm chống trốn thuế công nghệ cao, có những thuật toán truy tìm, từ đó lọc ra được danh sách những người trốn thuế. Ngành thuế Việt Nam có thể áp dụng các giải pháp này.

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM: Nên có cơ quan thuế chuyên về thương mại điện tử

Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ngành thuế thành lập các đơn vị chuyên trách về quản lý thuế từ thương mại điện tử. Các đơn vị này chỉ có nhiệm vụ thu thập thông tin từ nhiều nguồn để làm rõ các trường hợp nghi trốn thuế. Cơ quan thuế của các nước này đều kết nối và chia sẻ dữ liệu thông tin với các bộ, ngành - trong đó có ngân hàng - để có đủ thông tin về các trang bán hàng trên mạng xã hội (fanpage, kênh), các trang web bán hàng. Các tài khoản được dùng để giao dịch thương mại điện tử đều được ngân hàng cung cấp cho cơ quan thuế. Với các trường hợp nghi ngờ doanh thu thực tế không đúng với kê khai, cơ quan thuế sẽ thực hiện một số đơn đặt hàng giả, sau đó xác minh xem các giao dịch này có được kê khai đúng hay không.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM: Tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh


Năm 2023, khi xu hướng live stream bán hàng nở rộ, chúng tôi cũng tổ chức live stream bán hàng trên TikTok. Do lúc đó, chúng tôi chưa có kinh nghiệm nên doanh thu mỗi phiên chỉ được vài chục triệu đồng nhưng nhờ đó, chúng tôi quảng bá được thương hiệu thời trang V-Sixtyfour của mình tới người tiêu dùng.

Năm 2024, chúng tôi không live stream qua TikTok mà live stream trên trang thương mại điện tử VitaJean của mình. Ước tính, chúng tôi thu về khoảng 2 tỉ đồng/tháng từ hoạt động live stream bán hàng, trong khi chi phí để duy trì phần mềm chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ bán hàng qua live stream, công ty đã duy trì mức tăng trưởng dương 1 - 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Theo tôi, rất cần quản lý chặt hoạt động live stream bán hàng để chống thất thu thuế. Trong hoạt động này, lâu nay, cơ quan thuế chủ yếu quản lý được các doanh nghiệp chứ chưa quản lý được các cá nhân. Trong đó, không ít cá nhân bán hàng trôi nổi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và không chịu khai báo, nộp thuế, gây thất thu ngân sách. Việc quản lý tốt hoạt động live stream bán hàng giúp cho việc thu thuế công bằng hơn, giúp môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, xóa tình trạng kinh doanh gian dối.

Thanh Hoa - Mai Ca (ghi)

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI