PNO - "Tấm huy chương vàng này là thành tựu to lớn không chỉ với tôi mà với cả đất nước, với tất cả người Việt Nam. Tôi tự hào là người lính, được quân đội nuôi dưỡng để có ngày hôm nay...."
"Tấm huy chương vàng này là thành tựu to lớn không chỉ với tôi mà với cả đất nước, với tất cả người Việt Nam. Tôi tự hào là người lính, được quân đội nuôi dưỡng để có ngày hôm nay. Cảm ơn người hâm mộ đã cổ vũ, cảm ơn những người thầy đã dìu dắt, cảm ơn gia đình đã luôn ở bên."
Đêm thứ bảy vừa qua, nhiều người không ngủ vì quá vui sướng và thảng thốt khi xem Hoàng Xuân Vinh tranh tài ở chung kết 10m súng ngắn hơi và trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Vàng và lập kỷ lục Olympic.
Trước chiến thắng nghẹt thở của Hoàng Xuân Vinh, nhiều người cuống quýt như trẻ nhỏ, muốn khóc khi đang cười. Nhiều bình luận trên các trang thông tin điện tử bộc lộ niềm hân hoan: “Tôi la hét như điên vào lúc hai giờ sáng”, “Lần đầu tiên xem bắn súng thấy hay hơn bóng đá”, “Tôi yêu Việt Nam! Tôi yêu Hoàng Xuân Vinh”.
Ít ai biết, dù đã xuất quân đến Brazil, lãnh đạo đoàn Việt Nam vẫn không tránh khỏi “mất ăn, mất ngủ” vì niềm hy vọng đoạt huy chương là tuyển thủ trẻ Thạch Kim Tuấn của môn cử tạ bị chấn thương trước đó. Lão tướng Hoàng Xuân Vinh (SN 1974) không chỉ giải tỏa khát khao đoạt HCV Olympic đằng đẵng hơn 50 năm qua của thể thao Việt Nam mà còn làm bùng lên lòng tự hào dân tộc. Felipe Almeida Wu, bại tướng của Vinh trong cuộc đối đầu “một mất, một còn” là người Brazil gốc Hoa, còn VĐV đoạt HCĐ là xạ thủ Trung Quốc Pang Wei. Chiếc HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh lần nữa minh chứng, thể thao là cầu nối hữu hiệu để Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc trên thế giới bằng chính trí tuệ, bản lĩnh của người Việt.
Bắn súng là môn thể thao rất khắc nghiệt, chỉ tích tắc tập trung chưa đủ là vinh quang trong tầm tay sẽ “không cánh mà bay”. Có người ví von Hoàng Xuân Vinh là “tội đồ” khi nhắc lại những thất bại đau đớn của anh. Ở ASIAD 2010, đến trước viên đạn cuối, anh vẫn dẫn đầu, nhiều hơn bốn điểm; chỉ cần đạt bảy điểm (mức điểm bình thường mà xạ thủ nhiều kinh nghiệm nào cũng có thể đạt được) trong lần bắn cuối cùng là Vinh đoạt HCV ASIAD đầu tiên. Vậy nhưng, đạn trượt xa đích, anh đạt hạng 5. Kế đến, Olympic 2012, Hoàng Xuân Vinh tự mình đánh rơi HCĐ khi thua người xếp trên chỉ 0,1 điểm, do kết quả kém ở lượt bắn thứ chín (áp chót).
Trong gần sáu năm tự mình đánh mất huy chương ở hai đại hội thể thao quan trọng nhất châu lục và thế giới như vừa nêu, trên tất cả, Hoàng Xuân Vinh vẫn nguyên vẹn phẩm chất kiên cường, không chịu khuất phục của một người lính (hiện là đại tá quân đội), “ẩn mình” tập luyện nuôi chí lớn. Năm 1991, Hoàng Xuân Vinh nhập ngũ và thi vào trường sĩ quan công binh. Sau khi tốt nghiệp, anh được phân công chỉ huy một đơn vị thuộc Lữ đoàn công binh 239. Nhờ khả năng bắn súng tốt trong luyện quân, Hoàng Xuân Vinh làm quen với bắn súng thể thao trong đội tuyển Quân đội. Năm 2001, anh được chọn vào đội tuyển quốc gia, rồi chuyên tâm thi đấu từ đó.
Nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân đạt HCB Olympic năm 2000, cũng là VĐV Việt Nam đầu tiên có được huy chương Olympic - Ảnh: Webthethao.vn
Olympic này, Vinh đối đầu trực tiếp với xạ thủ chủ nhà Felipe Almeida Wu trong đợt bắn chung kết. Cũng ngay lượt thứ chín, đôi bên chênh nhau 0,2 điểm - Almeida tạm dẫn trước với tổng điểm 192 và Vinh được 191,8. Vinh làm người hâm mộ thót tim với kết quả 9,2 điểm trong lúc Almeida đạt 10,2. Ở lượt bắn cuối cùng, đối thủ nhanh chóng nã đạn, duy trì phong độ với 9,1 điểm. Hoàng Xuân Vinh không hề vội vã, anh nén lại mọi biểu cảm trong vài chục giây, để rồi bình tĩnh và chuẩn xác tạo nên thời khắc đăng quang lịch sử với điểm số 10,7, nâng tổng số điểm của mình (202,5) thành kỷ lục Olympic.
Thời điểm Hoàng Xuân Vinh rơm rớm nước mắt với chiến thắng để đời thì cựu võ sĩ Trần Hiếu Ngân cũng xúc động nghẹn ngào khi xem Vinh thi đấu qua màn hình điện thoại.
Chúng ta vô cùng tự hào về Hoàng Xuân Vinh, nhưng không thể quên “tượng đài” Trần Hiếu Ngân, người đem về chiếc huy chương Olympic đầu tiên (là HCB) cho Việt Nam vào năm 2000. Gần hai thập kỷ trôi qua, Trần Hiếu Ngân lặng lẽ trở về với đời thường, nhưng không từ bỏ đam mê Taekwondo. Chị là thành viên ban huấn luyện Taekwondo TP.HCM, đang dẫn dắt học trò tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc tại Nghệ An.
Ngân reo lên: “Sướng vô cùng về những gì chỉ anh Vinh làm được. Anh Vinh từng rất gần chiến thắng ở Olympic 2012 rồi lại vuột mất, ai là VĐV đều hiểu đây là áp lực rất nặng nề. Tôi cảm phục anh ấy!”. Nhớ lại thời khắc đứng trên bục nhận huy chương Olympic 16 năm trước, Trần Hiếu Ngân vẫn ngời ngời chí khí của nữ võ sĩ uy danh ngày nào: “Chuyện nhỏ không xong, đừng mong làm chuyện lớn”.
Đường đến HCB Olympic của Hiếu Ngân không tránh khỏi gập ghềnh. Chị trải qua hơn 5 năm khổ luyện để biến chân trái thành chân thuận sau khi phẫu thuật gối phải. Hỏi thăm Ngân, giờ không thi đấu nữa, khi trái gió trở trời có ê ẩm tấm thân từng bầm giập vì chấn thương không, Ngân cười sảng khoái: “Sau khi mổ gối phải, tôi được chữa trị kỹ, dưỡng thương tốt và bản thân chú ý giữ gìn nên tới giờ vẫn êm”.
Hiếu Ngân dẫu sao cũng may mắn hơn những VĐV thuộc diện tài năng khác. Bởi vẫn còn đó câu chuyện nữ đô vật Lê Thị Huệ phải chịu tàn phế suốt đời vì chấn thương trước thềm SEA Games năm 2003, hay người đầu tiên đoạt HCV SEA Games năm 1995 ở nội dung chạy vượt rào 100m Vũ Bích Hường, giờ sa sút sức khỏe vì di chứng thời đỉnh cao cũng như nghịch cảnh gia đình.
Vẫn còn nhiều lắm những phận đời hậu thể thao đìu hiu mà dư luận không biết hết, cũng như chính sách chăm sóc VĐV chưa thể chạm tới. Tự hào về bao thế hệ VĐV sẵn sàng xả thân vì danh dự, màu cờ Tổ quốc trên đấu trường quốc tế, nhưng không thể bỏ qua sự đầu tư thích đáng cho “sự nghiệp trồng người” của ngành thể thao.