Hoàng Việt - Nhạc sĩ Anh hùng

28/08/2013 - 11:58

PNO - PNO - Hoàng Việt - Nhạc sĩ Anh hùng (NXB Văn hóa Văn nghệ) là tập sách của nhiều tác giả viết về nhạc sĩ Hoàng Việt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tập sách này ngoài phần tiểu sử, còn có các bài phân tích ông ở góc độ người chiến sĩ để lại những bản tình ca bất tử. Bên cạnh đó còn có thư, hình ảnh, bút tích và một số sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Việt. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: Lá xanh, Nhạc rừng, Lên Ngàn, Mùa lúa chín, Tình ca..., những ca khúc một thời ngân vang khắp hai miền Nam - Bắc, là một trong những nguồn động viên tinh thần quý giá cho nhiều thế hệ trong kháng chiến.

Hoang Viet - Nhac si Anh hung

Riêng bản Tình ca do ông sáng tác năm 1957, với sức chinh phục tuyệt vời đã chắp cánh cho nhiều tâm hồn Việt Nam "giữ lấy đức tin bền vững" để "Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu. Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly".

Đặc biệt, Hoàng Việt còn là một trong những nhạc sĩ đi đầu trong sáng tác góp phần phát triển nhạc giao hưởng của Việt Nam. Bản giao hưởng sử thi đồ sộ Quê hương (tác phẩm tốt nghiệp Nhạc viện Sofia - Bulgarie năm 1964 của ông) là tác phẩm đầu tiên của nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam.

GS, nhạc sĩ Ca Lê Thuần nhận xét: "Được tiếp xúc với khoa học âm nhạc phương Tây, kết hợp với lòng yêu nước, Hoàng Việt đã viết bản giao hưởng đầu tiên của mình mang tựa đề “Quê hương” (4 chương) với lời đề tặng: “Kính dâng Nam bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”. Có thể nói, anh là người đặt nền móng cho tình ca cách mạng và cũng là người đặt nền móng cho nhạc giao hưởng Việt Nam”.

Năm 1966, Hoàng Việt cùng một số văn nghệ sĩ vào phục vụ chiến trường miền Nam. Những ngày tháng này, trong thư gửi nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông viết: "Làm việc phải ở căn cứ, phải đào hầm, cất nhà, tải gạo, song song với viết lách. Động thì ngưng viết lo đào chiến hào lo cất giấu tài liệu, yên thì moi lên viết tiếp. Muốn có vốn thì phải đi xa xuống đồng bằng. Ở đồng bằng máy bay ném bom ngày ba cữ. Dân còn bám được thì ở hầm, một con trâu, một con gà cử động dưới mặt đất cũng không thể sống được với máy bay và pháo dập. Mỗi chuyến đi ít nhất phải sáu tháng một năm và xông pha lửa đạn lúc ở, lúc đi gặp trên đường. Văn công chia tổ năm, sáu người, một tổ xông vào Củ Chi, ở hầm địa đạo tránh pháo và diễn ca hát, múa… Có lần diễn, pháo xẹt qua đầu xè xè và có trận càn phải "độn thổ" suốt một ngày ở địa đạo không tắm rửa nấu nướng gì được. Cơm khô lấy ra cầm hơi và tối bò lên lấy nước uống. Hoạt động hết sức gay go nếu ra khỏi vùng căn cứ”.

Tập sách Hoàng Việt - Nhạc sĩ Anh hùng đã góp phần khắc họa chân dung người nhạc sĩ tài hoa đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà.

T.H


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI