Hoàng Vân: Người đi dọc những hẹn hò đất nước

05/02/2018 - 07:47

PNO - Trong các lĩnh vực Hoàng Vân tìm tòi sáng tạo, cái đẹp trữ tình có màu sắc tính nữ như sự cân bằng âm dương với những thông điệp chính trị sắc bạo.

Có một điều đặc biệt trong các sáng tác hừng hực khí thế tranh đấu của Hoàng Vân là vẻ đẹp của những người phụ nữ luôn là điểm nhấn. Viết về vai trò của người phụ nữ trong lao động sản xuất hay nơi bom đạn, Hoàng Vân luôn dành những ca từ đẹp nhất. 

Hoang Van: Nguoi di doc nhung hen ho dat nuoc
 

Nhạc sĩ Hoàng Vân, tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh năm 1930, nổi tiếng từ chiến dịch Điện Biên Phủ với ca khúc Hò kéo pháo. Đầu những năm 1960 là thời kỳ miền Bắc nở rộ những ca khúc đỉnh cao về các địa phương, ngành nghề; Hoàng Vân mau chóng xác lập mình là một tác giả lừng lẫy.

Ông chọn lối diễn đạt trữ tình với những hình tượng nữ ở trung tâm cho các ca khúc. Thường thì chúng bắt đầu một cách nhuần nhị: “Ngày mai em vừa tròn hai mươi tuổi, cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng…” (Nổi trống lên rừng núi ơi), “Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng, trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ” (Bài ca người giáo viên nhân dân), rồi đúc kết  thành những biểu tượng thời đại: “Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình, cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, hai chị em trên hai trận tuyến, anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” (Hai chị em)…

Trong các lĩnh vực Hoàng Vân tìm tòi sáng tạo, cái đẹp trữ tình có màu sắc tính nữ như sự cân bằng âm dương với những thông điệp chính trị sắc bạo. Với Hoàng Vân, tình yêu cũng là một thử thách đòi hỏi chinh phục, không tách rời với không khí cộng đồng, tập thể: “Vùng than thân yêu ơi! Trong tình yêu quê hương, có một tấm lòng, dành cho em người mà anh yêu quý vô cùng” (Tình ca người thợ mỏ).

Ca khúc Hát về cây lúa hôm nay của NS Hoàng Vân, tiếng hát Trọng Tấn:

 

Một bài hát nổi tiếng từng bị đánh giá là ủy mị giữa những năm 1960 là Tâm tình người thủy thủ, phổ thơ Hà Nhật, mang một cảm thức khá khác biệt trong dòng âm nhạc cách mạng khi ấy:

Anh biết rằng nếu ở cuối trời
Dù có những hòn đảo thần tiên đầy châu báu
Hay có người thiếu nữ với đôi môi hồng như san hô
Cũng không thể làm anh xa được em yêu
Nhưng em ơi nếu có chàng trai chưa từng qua sóng gió
Nếu có chàng trai chưa từng vượt qua nhiều thử thách gian lao
Có lẽ nào xứng với tình em.

Có một thực tế là người phụ nữ thời chiến đã phải “nam tính hóa”, đảm nhiệm những công việc của nam giới khi chồng, cha, anh họ ra chiến trường. Ngay cả với những ca khúc của Hoàng Vân, những giọng ca nữ xuất sắc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam như NSƯT Bích Liên, Tuyết Thanh hay sau này là Ái Vân, Nhã Phương… cũng tạo ra hai mạch cảm xúc song song: chất thép hào sảng của “khí thế xông tới ào ào như thác đổ” và chất mềm mại của “con sơn ca đang tung tăng bay lượn”.

Người phụ nữ của Hoàng Vân vừa mang vẻ đẹp lồng lộng của những bức tượng hoành tráng của chủ nghĩa vị lai cách mạng, vừa ngọt ngào một điệu hát ru. Hoàng Vân đã một thời đi dọc cuộc biến đổi của đất nước, để cuối cùng đọng lại là những tâm tình yêu thương thời nào cũng có: 

Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế
Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt
Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt
Ngày mai bắt đầu từ hôm nay!

(Hát về cây lúa hôm nay)

Hoàng Vân đã hẹn hò những tâm tình và ông đã giã từ chúng ta. Những người ở lại, chúng ta sẽ hát gì về công việc của mình, và có mộng ước táo bạo nào như ông từng khao khát dựng xây “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”? 

Nguyễn Trương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI