PNO - Tự tin, mạnh mẽ và quyết liệt, không ngạc nhiên khi ở tuổi sau 30, Hoàng Thị Quỳnh Chi mới bắt đầu khởi động dự án riêng mang tên Fashtech ATN: dùng công nghệ nâng cao trải nghiệm mua sắm, níu chân khách hàng.
Hoàng Thị Quỳnh Chi là cái tên không còn xa lạ với người làm chuỗi bán lẻ đa kênh. Cô là một trong những thành viên đời đầu thiết lập và vận hành thành công chuỗi bán lẻ đa kênh ở các thương hiệu có quy mô toàn quốc như Juno, Hoàng Phúc… đưa doanh thu tăng trưởng lên đến con số hàng triệu USD. Theo Frost & Sullivan, đa kênh được định nghĩa là “trải nghiệm khách hàng chất lượng cao liền mạch và dễ dàng, diễn ra trong và giữa các kênh liên hệ”. Do đó, thông tin Chi rời doanh nghiệp lớn để “khởi nghiệp” dự án riêng khiến nhiều người tiếc nuối.
Quỳnh Chi - Giám đốc vận hành Fashtech ATN (Ảnh nhân vật cung cấp)
Riêng Chi, cô cho rằng đây là thời điểm chín muồi. Trong quá trình vận hành, từ kinh nghiệm của bản thân, Chi nhận thấy thương mại điện tử quan trọng nhưng cũng để lại “nỗi đau” với ngành thời trang bởi có đến 90% tình trạng thương hiệu mất khách do khâu đặt hàng và đổi, trả hàng không dễ dàng. Thời gian còn làm việc tại công ty, Chi từng nhiều lần chia sẻ mong mỏi áp dụng công nghệ để hóa giải những thách thức trên nhưng vì nhiều rào cản khác nhau, mong muốn này vẫn chưa thể thực hiện. “Muốn khách hàng quay lại cần cải thiện tốt hơn, từ dịch vụ đến trải nghiệm. Thế nhưng, với 1 thương hiệu lớn, cần qua rất nhiều khâu, mỗi người có 1 mối quan tâm riêng, có thể là kinh tế, chi phí vận hành, thương hiệu…” - Chi tâm sự.
Thôi thúc mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn, cộng với kinh nghiệm và tầm nhìn sẵn có, tháng 10/2022, Chi và 2 người bạn cùng đam mê lĩnh vực thời trang lên ý tưởng để xây dựng nền tảng bán hàng trực tuyến. Chỉ 4 tháng sau đó, oppa.one - một trong những thương hiệu thuộc Fashtech ATN - chính thức ra đời. Với thương hiệu mới như oppa.one, Chi chọn tham gia ở phân khúc phổ thông để tối ưu việc sản xuất và thử trang phục của người dùng. Mặt khác, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do suy thoái kinh tế, hàng phổ thông dễ được đón nhận hơn.
Oppa.one đã có thể đi vào hoạt động sớm hơn nhưng khi bắt đầu, Chi nhận ra cô thiếu kinh nghiệm trong sản xuất và thiết kế mẫu. “Khuyết ở đâu, bắt đầu học ở đó. Không bao giờ là muộn để bắt đầu học những điều mới mẻ” - Chi nói. Đây cũng gần như là phương châm sống của Chi dù cô thừa nhận mình khá nhút nhát và còn nhiều hạn chế trong giao tiếp với những mối quan hệ mới. Trong cuộc gặp với tôi, Chi nhiều lần khẳng định một cách khiêm tốn rằng cô là người may mắn. Điển hình với việc sản xuất, mạng lưới kết nối trong công việc trước đó đủ lớn giúp cô chọn lọc và tham gia khảo sát các đơn vị sản xuất, nhuộm, dệt, gia công… “Nhờ đó, chúng tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian so với việc bắt đầu từ con số 0” - Chi nói.
5 điểm khác biệt của các sản phẩm từ oppa.one so với các sản phẩm trên thị trường là: kiểu dáng trẻ trung, dễ phối hợp với các sản phẩm khác; mang năng lượng tích cực đến người trẻ qua các thông điệp truyền cảm hứng; chất liệu được chọn lọc kỹ càng, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe người dùng; đóng góp cho cộng đồng qua các hoạt động thiện nguyện và cuối cùng, quan trọng nhất là điểm chạm của khách hàng trong trải nghiệm công nghệ.
Là người vận hành việc bán hàng đa kênh, góc nhìn của Chi khá khác biệt so với người làm sản xuất hay thiết kế thời trang. Cô nhấn mạnh, chất lượng sản phẩm là tất yếu. Nhưng với kinh doanh thời trang trực tuyến, yếu tố cơ bản là làm sao “lọt” vào khoảnh khắc mua hàng của khách hàng trong vô vàn thông tin họ nhận được mỗi ngày và khiến họ quay lại.
“Ở khâu đặt hàng, vì khách không được thử đồ, không biết rõ size nên không yên tâm đặt mua. Bởi thế, ngoài bảng size chuẩn, chúng tôi còn hướng dẫn chọn size. Khách chỉ cần kéo thanh công cụ về chiều cao, cân nặng…, website sẽ hiện ra size cụ thể” - Chi giải thích. Trong quá trình mua hàng, nhiều khách ngại nói ra chỉ số chiều cao, cân nặng, nên việc xử lý bằng AI sẽ tạo cảm giác thoải mái cho họ.
Giấc mơ sàn thương mại điện tử cho thời trang Việt
Hiện tại, Fashtech ATN đang xây dựng 1 phiên bản website mới cho oppa.one, khi AI tham gia sâu vào việc giúp khách hàng chọn được trang phục ưng ý. Ở đó, người dùng có thể thử đồ online, biết được màu sắc sản phẩm có hợp với màu da hay không; phối với quần áo, phụ kiện ra sao… “Hiểu một cách đơn giản, chúng tôi dùng camera trước từ thiết bị điện thoại hay laptop của khách hàng như một tấm gương để họ thử đồ như hình thức thử đồ truyền thống” - Chi chia sẻ.
Bên cạnh đó, Fashtech ATN sẽ mở rộng tệp khách hàng bằng cách đa dạng ngành hàng, phát triển thêm một số thương hiệu thời trang để xây dựng hệ sinh thái đa dạng. “Mục tiêu của chúng tôi trong 3 năm tới là sẽ có ít nhất từ 2 đến 3 tệp khách hàng trên sàn” - Chi cho biết.
Trong quá trình nghiên cứu thị trường thời trang Việt Nam, Chi và các cộng sự nhận thấy đa phần các thương hiệu nội địa hoạt động dưới dạng “vô danh”. Vì vậy, việc có 1 sàn thương mại điện tử để kết nối với khách hàng là vô cùng cần thiết. Khi đó, họ có thể chuyên tâm với công việc chuyên môn, còn các công việc liên quan bán hàng online đã có hệ thống của sàn xử lý. Một cơ hội khác cho Fashtech ATN chính là các thương hiệu xuất khẩu đang tìm cách tham gia thị trường nội địa khi xuất khẩu trở nên khó khăn. Nếu tự xây dựng hệ thống phân phối thì chi phí rất lớn, dẫn đến không thể cạnh tranh về giá, nếu hợp tác với các hệ thống bán lẻ thì dễ trộn lẫn với nhiều thương hiệu khác. “Từ trước đến nay, thị trường thiếu 1 bước đệm cho các công ty thời trang nội địa, họ cần đủ lớn về thương hiệu và tệp khách hàng để tham gia cùng lúc 2 kênh phân phối trên” - Chi phân tích.
Dù định hướng phát triển dựa trên nền tảng thương mại điện tử nhưng trong tương lai gần, Fashtech ATN vẫn hướng đến việc mở cửa hàng vật lý vì xu hướng bán hàng đa kênh là tất yếu. “Quan điểm kinh doanh online không thuê mặt bằng nên đỡ tốn chi phí là chưa đúng. Việc đáp ứng nhu cầu khách hàng trong hành trình mua hàng của họ mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp” - Chi khẳng định.
Phụ nữ khởi nghiệp thường gặp vô vàn trở ngại và rào cản, đặc biệt là chuyện gia đình, con cái. Là người mẹ của 2 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, Chi nói, cô may mắn khi vẫn có toàn thời gian cho công việc nhờ sự ủng hộ vô điều kiện của chồng và cha mẹ. Làm việc có mục tiêu nhưng Chi khẳng định, gia đình với cô vẫn là ưu tiên hàng đầu: “Nếu con ốm hoặc có điều gì cần đến mình, tôi vẫn sẽ lùi về phía sau để ở bên cạnh con”.
Trước câu hỏi giả định, nếu cơ hội chỉ đến 1 lần, Chi sẽ chọn công việc hay gia đình, cô tự tin: “Nếu mình vẫn còn ước mơ, còn hào hứng với giấc mơ đó, rồi mình sẽ trở lại. Tôi tin khi mình biết chấp nhập và trân trọng những gì có được, cơ hội sẽ không chỉ đến 1 lần”.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.