Dân mất chỗ“kiếm cơm”
30 năm trước, suối Voi vẫn còn hoang sơ, nhiều hộ dân ở thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến đã bỏ công sức, tiền của ra để khai hoang, mở đường, dựng quán… đón du khách đến tham quan, tắm suối. Và để được như hôm nay, bà con đã chung tay bao mùa mưa nắng.
Khoảng năm 2000, bà con đã thành lập Hợp tác xã Song Thủy, thuộc xã Lộc Tiến và dần hình thành một khu du lịch đúng nghĩa với hàng chục hộ kinh doanh có đóng thuế cho chính quyền. Nơi này cũng là “miếng cơm manh áo” của gia đình họ. Thế nhưng, khi doanh nghiệp xuất hiện, hàng trăm hộ dân đã bị “hất cẳng”.
|
Đường vào khu vực suối Voi đã bị chủ đầu tư chốt chặn để thi công dự án nhưng không thấy rục rịch |
Dẫn tôi đi tham quan khu vực suối Voi bị bỏ hoang tàn trong nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Kỷ (57 tuổi) tiếc nuối công sức, vốn liếng của gia đình mình bỏ ra trong suốt 25 năm để làm đường, dựng lều sạp buôn bán.
Bà kể, khoảng 3 năm nay, từ khi dự án triển khai thì tất cả dân trong thôn đứng ngồi không yên. Chủ đầu tư và chính quyền thông báo ngưng hoạt động, không cho bán vé, không cho kinh doanh nữa, để họ thu hồi đất. “Điều khiến chúng tôi bức xúc nhất là việc hỗ trợ, đền bù không thỏa đáng, mập mờ. Họ thống kê thiếu tài sản của chúng tôi. Diện tích mặt bằng thực tế của tôi là 100m2 nhưng họ đo chỉ có 70m2, không ghi sạp nghỉ mát, không ghi đường ống nước… và số tiền đền bù khoảng 293 triệu đồng, quá ít so với công sức và tiền bạc gia đình tôi bỏ ra” - bà Kỷ nói.
Bà Kỷ chia sẻ, bà nuôi 4 người con trưởng thành nhờ việc buôn bán tại suối Voi. Hiện bà có 1 người con bị bệnh về máu, nếu không được kinh doanh nữa thì không biết lấy gì để mưu sinh và nuôi con.
Tương tự bà Kỷ, chị Đỗ Thị Gái (45 tuổi) cho hay, gia đình chị lên suối Voi kinh doanh từ năm 1998. Đây là nơi duy nhất để chị kiếm sống và nuôi 5 đứa con cùng cha mẹ già. “Nếu chúng tôi không buôn bán nữa thì lấy gì mà sống, nuôi con cái ăn học!” - chị Gái thổ lộ.
Nhiều bà con ở cùng khu vực còn cho biết, hơn 3 năm nay họ chỉ trồng được một vụ lúa đông xuân, vụ hè thu thì bỏ hoang vì không có nước tưới tiêu. Lý do là đập chứa nước bị hỏng nhưng không thể sửa chữa vì vướng quy hoạch xây dựng khu du lịch suối Voi.
Ngổn ngang, hoang tàn một “điểm đến”
Tháng 1/2017, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) thực hiện dự án khu du lịch suối Voi. Theo thống kê của chính quyền địa phương, có 108 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 57 hộ bị ảnh hưởng về đất, 49 hộ ảnh hưởng về sinh kế khi mặt bằng được bàn giao cho nhà đầu tư.
Theo thiết kế, dự án có diện tích gần 52ha, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.020 tỉ đồng. Chủ đầu tư kỳ vọng biến suối Voi thành điểm đến tiềm năng trên bản đồ nghỉ dưỡng sinh thái quốc tế nói chung và Đông Nam Á nói riêng với các hạng mục như: công viên mạo hiểm, biệt thự nghỉ dưỡng, nghỉ dưỡng tái tạo và phục hồi năng lượng, vui chơi giải trí, nhà hàng, quán ăn…
Giai đoạn 1 của dự án được cấp giấy phép xây dựng vào tháng 12/2020. Chủ đầu tư cam kết đưa công trình vào hoạt động vào năm 2021, sau đó điều chỉnh vào quý II năm 2023.
|
Nhiều cọc sắt ở phần thi công đập chắn nước lâu ngày đã hoen gỉ |
Nhưng đến nay, ngoài việc san gạt mặt bằng tại một số khu vực, xây nhà điều hành, dự án khu du lịch ngàn tỉ này cơ bản vẫn bỏ hoang, gần như không có hoạt động xây dựng nào được triển khai. Phía thượng nguồn, nơi tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ tắm suối, ăn uống, nghỉ dưỡng của người dân trước đây, nay trở nên hoang tàn, nhà cửa xiêu vẹo.
Khối đá có hình thù giống con voi vốn là biểu tượng của khu du lịch cũng bị hư hại. Trước đó, vào năm 2022, do dự án triển khai chậm tiến độ, Công ty Hoa Lư - Huế bị Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 70 triệu đồng. Mùa hè 2023, doanh nghiệp tiếp tục bị “tuýt còi” vì tổ chức đón khách đến tham quan ở suối Voi khi chưa đủ điều kiện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Phong - Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, dù được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2017 nhưng do khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nên đến tháng 10/2020, nhà đầu tư mới được cho thuê khoảng 21ha, đến tháng 1/2021, dự án được khởi công.
Đối với phần diện tích còn lại, công ty đang phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc thực hiện công tác bồi thường. Nhưng do các nguyên nhân khách quan về phê duyệt phương án… nên đến nay vẫn chưa được cho thuê đất. Ở giai đoạn 1, sau khi được cho thuê đất và khởi công xây dựng, dự án còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo báo cáo của công ty, đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã được công ty đầu tư một số hạng mục như san nền, đường giao thông, đập tràn, hàng rào, cổng, nhà bảo vệ, nhà điều hành… với vốn đầu tư thực hiện khoảng 154 tỉ đồng. Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã mời nhà đầu tư và các cơ quan liên quan làm việc để đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện dự án; yêu cầu nhà đầu tư xây dựng lại chi tiết tiến độ triển khai các hạng mục công trình; chứng minh năng lực tài chính; hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào hoạt động trong năm 2024, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong khu vực.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, làm việc với công ty một lần nữa để xác định năng lực thực hiện dự án. Nếu tiếp tục chậm tiến độ thì tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng, thu hồi dự án theo pháp luật” - ông Ngô Văn Phong cho hay.
Trước những câu hỏi chất vấn về việc chậm tiến độ của dự án khu du lịch suối Voi gây bức xúc cho nhân dân địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - yêu cầu UBND huyện Phú Lộc và ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh sớm làm việc với nhà đầu tư để xử lý dứt điểm, tránh để tình trạng hoang hóa kéo dài.
Thuận Hóa