Hoảng sợ, xấu hổ, căm phẫn, ám ảnh… nên trẻ bị xâm hại rất cần được nâng đỡ cảm xúc và tinh thần

25/07/2017 - 13:29

PNO - Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác. Hậu quả của việc xâm hại để lại những thương tổn nặng nề về tinh thần rất khó chữa lành và có thể phá hủy cuộc đời của trẻ.

Việc nắm bắt được những biểu hiện tâm lý cơ bản thường thấy khi trẻ bị xâm hại và trên cơ sở đó có cách nâng đỡ cảm xúc cho con trẻ là điều hết sức quan trọng.

Trẻ bị xâm hại thường có tâm lý hoảng sợ và tủi hổ

Hoang so, xau ho, cam phan, am anh… nen tre bi xam hai rat can duoc nang do cam xuc va tinh than

Khi bị xâm hại, trẻ phải đối mặt với cú sốc tinh thần rất lớn. Với nạn nhân là trẻ nhỏ thì thường tỏ ra hoảng sợ (sợ tiếp xúc với người khác, sợ khi bị cởi quần áo, sợ đi học,…), trẻ lớn hơn hay hoảng hốt, giật mình, trầm tĩnh ít giao tiếp với mọi người và thường mặc cảm về bản thân. Tâm lý trẻ như vậy, một phần do sự việc xảy ra quá sức chịu đựng với trẻ, phần khác do sợ mọi người biết, xấu hổ nên âm thầm chịu đựng và cũng có thể do bị kẻ lạm dụng đe dọa nên trẻ không dám thổ lộ cùng ai.

Chính vì thế việc phụ huynh dành thời gian để gần gũi, trò chuyện và giáo dục con trẻ các cách chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình với người khác luôn là điều cần thiết và nên duy trì. Khi con bị xâm hại thì bố mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con vì thế hãy thật sự bình tĩnh, bằng cách này hay cách khác phải trấn an tinh thần để trẻ ổn định hơn về mặt tâm lý. Bên cạnh đó, phụ huynh tuyệt đối tránh việc tra hỏi, bắt con nhớ và kể lại chuyện bị xâm hại. Làm như vậy, vô hình trung làm cho tâm lý hoảng sợ và tủi hổ của trẻ càng khắc sâu hơn.

Trẻ luôn sống trong nỗi ám ảnh từ vụ xâm hại

Hoang so, xau ho, cam phan, am anh… nen tre bi xam hai rat can duoc nang do cam xuc va tinh than

Dưới góc độ tâm lý học, khi có một tác nhân nào đó tác động đến con người thì những hình ảnh về sự vật, hiện tượng đó sẽ để lại dấu vết trên não. Với những tác động càng mạnh mẽ về cảm xúc thì càng được khắc sâu. Vì lẽ đó, khi một đứa trẻ bị xâm hại thì những hình ảnh về cảm xúc, hành vi đến từ vụ xâm hại ít nhiều sẽ để lại dấu vết trên não và khó xóa bỏ chúng ra khỏi suy nghĩ của đứa trẻ.

Những ký ức kinh hoàng thường hiện về trong giấc ngủ của trẻ. Cơn ác mộng thường làm trẻ giật mình trong đêm và khó ngủ lại. Ám ảnh từ xâm hại bào mòn rất lớn đến đời sống tinh thần của trẻ. Nhiều bé sau khi bị xâm hại xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại,…). Về lâu dài, trẻ có nguy cơ xuất hiện các rối loạn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu và các biểu hiện bất thường khác.

Việc giúp trẻ thoát ra khỏi những ám ảnh kinh hoàng là việc vô cùng khó khăn đòi hỏi chúng ta phải hết sức kiên nhẫn. Phụ huynh phải luôn ở bên chăm sóc động viên, an ủi vỗ về, chia sẻ cảm xúc cùng trẻ và cho con cảm thấy bố mẹ luôn bên cạnh. Hậu quả mà xâm hại tình dục để lại không chỉ lúc xảy ra xâm hại mà nó ảnh hưởng đến quá trình sống về sau, thậm chí là cả cuộc đời đứa trẻ. Trong một số trường hợp, phụ huynh không thể dửng dưng mà hãy đưa trẻ đi can thiệp, trị liệu tâm lý kịp thời.

Trẻ thường có suy nghĩ và biểu hiện hành vi tiêu cực

Với những ký ức khủng khiếp khó thể xóa mờ trẻ thường có xu hướng đem ra để dằn vặt bản thân mình. Trẻ tự thu mình lại trước các mối quan hệ xã hội, sống khép kín với thế giới riêng của chúng. Không những vậy, trẻ còn có hành vi tiêu cực tự hủy hoại bản thân như rạch tay chân, cắt mạch máu, tự hành xác,… Nếu trẻ không được hỗ trợ và giúp đỡ để có thể hàn gắn vết thương tâm hồn từ sự xâm hại thì chuyện gì đến ắt sẽ đến. Thực tế cho thấy, từng có những trẻ vì không thể tự vượt qua được sang chấn tâm lý đã tìm đến cái chết như cách duy nhất để tự giải thoát cho mình.

Hoang so, xau ho, cam phan, am anh… nen tre bi xam hai rat can duoc nang do cam xuc va tinh than

Trước những suy nghĩ tiêu cực của con, bố mẹ hãy nói cho con trẻ biết rằng “con không làm điều gì sai cả, bố mẹ luôn tin tưởng ở con và con hãy yên tâm vì bố mẹ luôn bên con,…”. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tạo cho trẻ môi trường sống lành mạnh tích cực (cùng con nấu ăn, cùng tập thể dục, đi bơi, đi mua sắm,…), trao cho trẻ cảm giác được yêu thương dù ở bất cứ đâu (trường học hay ở nhà) và biết cách gợi mở tương lai để con lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Và điều cực kỳ quan trọng là tuyệt đối không được nhắc hay khơi gợi lại chuyện cũ.

Trẻ luôn mang tâm lý căm phẫn kẻ thủ ác và thậm chí còn nghĩ đến việc trả thù

Nạn nhân của xâm hại trẻ em thường phải gánh chịu những ám ảnh, những vết thương tâm lý không bao giờ xóa nhòa được. Nỗi đau quá lớn thì lòng hận thù sẽ không nhỏ, sự căm phẫn luôn chất chứa trong lòng thì sẽ dưỡng nuôi việc trả thù. Khi kẻ xâm hại không được đưa ra ánh sáng, không chịu hình phạt thích đáng về việc làm của họ, trẻ sẽ cảm thấy bất lực và mất niềm tin vào con người.

Cho nên khi tâm lý trẻ tương đối ổn định thì bố mẹ nên hỏi về câu chuyện, thông tin kẻ thủ ác rồi liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền và cơ sở chăm sóc y tế, chuyên gia can thiệp tâm lý để được giúp đỡ. Phụ huynh khuyến khích trẻ nói ra sự thật khi đối mặt với các cơ quan chức năng, bác sĩ điều trị hay can thiệp viên. Bố mẹ tuyệt đối không được im lặng trước hành vi vô nhân tính của kẻ xấu. Im lặng được ví như là một hình thức dung dưỡng cho kẻ ác. Vì vậy, người lớn phải lên tiếng, đứng ra bảo vệ lẽ phải và cho trẻ thấy con thật sự được gia đình, xã hội bảo vệ.

Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI