Hoang mang vì con không chịu đến trường

09/12/2017 - 12:00

PNO - Có nhiều nguyên nhân khiến các bé trong độ tuổi mầm non không muốn tới trường. Cha mẹ cần tinh ý đoán biết mức độ nghiêm trọng của sự việc thông qua những hành động khác thường của trẻ.

Từ đó, cha mẹ sẽ quyết định được thời điểm can thiệp, giải quyết vấn đề cùng trẻ. Bỏ mặc con “tự bơi” sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, trẻ có thể bị rối loạn lo âu, nặng hơn nữa là trầm cảm.

Trẻ sợ đi học, mẹ lo con bị bạo hành

Bé Na, 3 tuổi, con gái của chị T.T.D. (Q.7, TP.HCM) học ở một trường mầm non tư thục gần nhà đã bốn tháng nay. Ngày nào đưa bé đến trường hai mẹ con cũng như đánh vật. Bé phản ứng gay gắt, không đi học, sáng ngủ dậy biết sắp phải đến trường là Na lăn ra giãy giụa, không chịu thay quần áo.

Chị D. rất lo ngại về tình trạng của con: “Cô giáo ở lớp rất thân thiện. Bình thường các trẻ khác cũng chỉ quấy khóc khoảng một tuần là cùng, riêng bé Na nhát quá. Cuộc sống gia đình bị xáo trộn nghiêm trọng, hôm nào tôi cũng đi làm muộn, bị cấp trên khiển trách”. 

Hoang mang vi con khong chiu den truong
Nhiều bé trường Mầm Xanh có biểu hiện sợ người lạ, sợ đi học sau cú sốc vừa qua

Dù rất xót con nhưng vì phải đi làm nên vợ chồng chị D. đành dứt ruột bắt con đến trường, người lo chạy xe, người ôm bé ngồi giữa vì Na không hợp tác, gào thét thảm thiết. Trước biểu hiện sợ đi học của con, gần đây lại nghe được nhiều thông tin về bạo hành trẻ ở trường mầm non, vợ chồng chị D. càng lo lắng.

Chị D. không biết làm cách nào để phân biệt trẻ sợ đi học do bị bạo hành ở trường hay do con không muốn xa cha mẹ. Nếu con bị bạo hành thì cha mẹ phải làm cách nào để trẻ chịu chia sẻ, bởi đây là vấn đề tế nhị, không thể hỏi trực tiếp cô giáo.

Lo lắng của vợ chồng chị D. là tâm lý chung của các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi mầm non. Những bé ở độ 2 tuổi chưa nói được nhiều, không tự kể lại chuyện xảy ra ở lớp. Những bé lớn hơn ở độ tuổi 3-4 lại lảng tránh, không chịu chia sẻ. Vì thế, thấy con sợ đi học là bậc cha mẹ lại nghĩ đến nhiều giả thiết tiêu cực khiến sự việc thêm rối rắm. 

Khi nào cần điều trị tâm lý?

Bác sĩ Phạm Minh Triết - Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, mỗi năm ông điều trị cho ít nhất 20 trẻ vì lý do sợ đi học. Đa phần các bệnh nhi này nằm ở độ tuổi từ 3-6. Nếu trẻ sợ đi học do bị rối loạn thích ứng thì chỉ cần trải qua hai buổi điều trị tâm lý, mỗi buổi cách nhau một tháng là ổn. Tuy nhiên, một số bé không muốn tới trường do mắc bệnh rối loạn lo âu chia ly (khi ở xa cha mẹ thường xuyên trẻ sợ điều không may xảy ra với họ). Những trường hợp này phải điều trị ít nhất sáu tháng.

Trẻ sợ đi học có nhiều mức độ khác nhau. Chẳng hạn ngày đầu tiên đi học, sáng bé khóc không chịu đi, không chịu thay đồ, chạy trốn để… “câu giờ”. Một số trẻ từ hai tuổi có thể phản ứng bằng cách nói: “Không đi, không đi học đâu”. Tiếp đến, trên đường đi học, trẻ sẽ khóc, thậm chí giãy giụa. Có bé khi tới trường nhìn thấy cô thì nín, nhưng có bé vào lớp vẫn khóc cả buổi. Trầm trọng hơn, đêm trẻ ngủ không ngon, giật mình, không chịu đi ngủ.

Hoang mang vi con khong chiu den truong
 

Khi nào thì biểu hiện không muốn đi học của trẻ được gọi là bất thường và cần can thiệp? Theo bác sĩ Triết, nếu từ bốn tuần trở lên mà bé vẫn không thích đến trường, quấy khóc thì cha mẹ cần đưa con đi khám tâm lý để được điều trị nâng đỡ, bởi trẻ có thể đã bị rối loạn lo âu, rối loạn thích ứng. Nếu tình trạng không muốn đi học của bé dù chưa đủ bốn tuần nhưng ảnh hưởng tới sinh hoạt của gia đình (ngày nào cũng phải “vật lộn”) thì cũng cần can thiệp điều trị tâm lý.

Làm sao để trẻ chịu chia sẻ chuyện bị bạo hành?

Vấn đề mà tất cả các cha mẹ đều quan tâm là làm sao để nhận biết sớm dấu hiệu trẻ bị bạo hành ở trường. Trước tiên, trên cơ thể trẻ thường có vết bầm, xước. Các dấu hiệu gián tiếp về tâm lý cần lưu ý: trẻ đang đi học ngoan tự dưng không chịu đi học nữa (có thể con bị bạo hành hoặc chứng kiến bạn khác bị bạo hành), nói mớ khi ngủ, có bé hoảng loạn tới mức ngủ mơ thét lên: “Đừng đánh, không đi, không đi”.

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Triết, dù các bé ở độ tuổi 4-5 có khả năng nói chuyện lưu loát nhưng khi được hỏi “ở trường có bị cô đánh?” cũng không chịu chia sẻ. Nguyên nhân có thể do bé bị dọa nên không dám nói. Muốn trẻ tự nói ra phải có kỹ thuật khai thác. Cha mẹ hãy chơi với con, kể chuyện về một nhân vật nào đó rồi đặt ra các câu hỏi xung quanh nhân vật này để trẻ trả lời.

Ở góc độ tâm lý trẻ em cho thấy, bé sẽ phóng chiếu chuyện của mình thông qua các nhân vật trong câu chuyện. Tuy nhiên, cách này chỉ giúp phụ huynh đoán biết chứ không được coi là bằng chứng về việc trẻ bị bạo hành trước pháp luật. Nếu bị bạo hành lâu dài (thể xác và lời nói) trẻ không chỉ tổn thương sức khỏe mà nghiêm trọng hơn là nguy cơ rối loạn stress sau chấn thương. Tình trạng này nếu để lâu, sau này chỉ cần bé đi ngang qua trường đó, gặp lại cô giáo đó sẽ nhớ lại chuyện cũ trong ký ức, lên cơn hoảng loạn mất kiểm soát, hậu quả cuối cùng là trầm cảm.

Hoang mang vi con khong chiu den truong
 

Chuẩn bị hành trang cho con trước khi đến trường

Bác sĩ Phạm Minh Triết cho rằng, đa số các bé không muốn đi học là do rối loạn thích ứng. Trẻ là con cưng, ở nhà được nuông chiều, không tự lập, không biết chia sẻ. Khi tới trường bé không thích nghi được, hình ảnh bản thân không tốt, thiếu tự tin sẽ sợ đến trường. 

Hoặc bé có xu hướng gây hấn, giành đồ chơi với bạn, đánh bạn, bị cô la mắng nên sợ đi học. Để chuẩn bị hành trang cho trẻ trước khi tới trường, phụ huynh cần tập tính tự lập và dạy trẻ biết cách tương tác với người khác. Khi con đi học hãy không tiếc lời khen, động viên, từ đó trẻ sẽ thấy đi học là niềm vui.

Người chăm sóc trẻ cần yêu nghề
Bác sĩ Triết nhận định, đa phần các cô bảo mẫu bạo hành trẻ đều xuất phát từ vấn đề cảm xúc của bản thân. Do vậy người chăm sóc trẻ rất cần được đào tạo để hiểu tâm lý trẻ. Quan trọng hơn, các cô phải yêu nghề. Không yêu nghề, khi đến lớp các cô sẽ chán nản, rất dễ trút cơn giận lên trẻ. Nghiên cứu tâm lý cho thấy, một số giáo viên có hành vi bạo hành học sinh do trước đây chính bản thân họ cũng hay bị bạo hành. Từ đó, họ dễ xử lý vấn đề theo khuynh hướng bạo lực một cách vô thức. 

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI