Nếu trước đây sách thai giáo - dạy con trong bụng mẹ - được yêu chuộng thì giờ đây là chuyện dạy con thuở còn thơ. Từ đầu năm đến nay, thể loại sách dạy con được phát hành liên tục, chiếm phần lớn trong các hoạt động tại đường sách TP.HCM.
|
Nhiều cuốn sách “bày cách” dạy con cho các bậc phụ huynh, nhưng cách nào phù hợp với một đứa trẻ cụ thể thì phụ huynh đành chịu
|
Các đơn vị làm sách thi nhau chuyển ngữ những đầu sách nước ngoài, sách chia sẻ cách nuôi dạy trẻ tự kỷ, nuôi con của mẹ đơn thân, dạy con theo cách của mẹ Việt hiện đại… liên tục xuất bản.
Những cuốn như Mẹ các nước dạy con trưởng thành (NXB Kim Đồng), Con nghĩ đi, mẹ không biết! (Thu Hà), Để con được ốm (Uyên Bùi - bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn), Mẹ Việt dạy con bước ra toàn cầu (Hồ Thị Hải Âu)… đã lan truyền rộng rãi trong cộng đồng các bậc cha mẹ tinh thần dạy con sự mạnh mẽ, tính tự lập và không sợ hãi.
Các bộ sách đều được viết khá chi tiết, nhưng những tình huống dạy trẻ đều được đặt trong bối cảnh, điều kiện sống và tính cách khác biệt của từng trẻ ở mỗi quốc gia. Kết quả: nhiều “mẹ Việt” đi từ sự thích thú, học hỏi đến… hoang mang, không biết nên dạy con theo cách nào.
Ngày nay, đứng trước quầy sách, phụ huynh có thể lạc vào mê hồn trận sách dạy con: Nuôi dạy con theo kiểu Nhật - Dạy con làm việc nhà, Nuôi dạy con kiểu cá heo, Cẩm nang siêu ông bố tương lai, Những quy tắc làm cha mẹ, Mẹ Đoảng dạy con, Dạy trẻ có trái tim yêu thương…
“Sách là kim chỉ nam, còn tiếp cận và áp dụng như thế nào là lựa chọn riêng của mỗi bậc cha mẹ” - bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, Giám đốc trường ngoại khóa Tomato - bày tỏ. Trong bộ sách Bí kíp dạy con (phân loại theo độ tuổi: 6-9 tuổi, 9-12 tuổi, 12-16 tuổi của tác giả Suzanne Vallières), những câu hỏi và trả lời được nêu ra hết sức cụ thể: Có nên cho con tiền tiêu vặt? Làm thế nào khi con bị bắt nạt? Nâng cao năng lực học tập của con như thế nào?...
Để dạy con ngoan, thành đạt, lương thiện, trách nhiệm, “thành thiên tài như người Nhật”; NXB Kim Đồng dịch cuốn 33 bài thực hành theo phương pháp Shichida - giúp phát triển não bộ cho trẻ với những bài tập trực quan để cha mẹ có thể luyện tập tại nhà cho trẻ nhỏ. Anbooks giới thiệu cuốn Dạy con trong hoang mang của TS tâm lý Lê Nguyên Phương (hiện sống tại Mỹ). Sách được viết từ góc độ nhìn nhận, đánh giá cách dạy con trong thời đại công nghệ và kết nối toàn cầu. Mỗi tác giả một quan điểm, phương pháp tiếp cận.
Trong muôn trùng vây sách dạy con, chị Lina Phạm (Q.Thủ Đức) thổ lộ: “Tôi thích cách những người mẹ hiện đại viết sách chia sẻ chuyện nuôi dạy con cái. Chúng chân thực, gần gũi và cũng rất dí dỏm, đọc khá hay. Nhưng nói thật là đọc xong tôi cũng không biết nên chọn cách nào”.
Chị Trần Thị Thu (Q.Bình Tân, đang có bé trai học lớp 4, bé gái lớp Mầm), cũng đồng quan điểm: “Sách thì nhiều nhưng tôi không biết nên đọc và dạy con theo sách nào mới tốt. Không thể chỉ đọc những cuốn bí kíp là có thể dạy con thông minh, tài giỏi. Còn tùy khả năng, sở thích của con nữa chứ”.
Rõ ràng, khi tiệm cận với hàng loạt kiến thức, lời khuyên, các phụ huynh đã nhận ra điều cốt lõi: sách vở không quan trọng bằng việc mỗi người tự nhận diện và tìm ra cách dạy con từ bản thân, truyền thống gia đình, nhân cách và đức tính từ ông bà, cha mẹ.
Dù rất quan tâm đến những kiến thức này, sau khi sinh con đầu lòng, diễn viên Vân Trang khẳng định: “Có những việc không chờ ai phải bảo hay sách nào dạy, người mẹ vẫn tự biết để chăm sóc con. Cha mẹ hiện đại có nhiều điều kiện hơn thế hệ trước, nhưng tôi nghĩ, mình sẽ nuôi dạy con theo cách ba mẹ đã nuôi dạy mình. Tôi thấy mình nuôi con cũng thoải mái tự nhiên lắm, không lệ thuộc sách vở”.
Theo GS-TS triết học Thái Kim Lan, tác giả cuốn Thư gửi con, một trong những sai lầm thường thấy của các bà mẹ là… ích kỷ - luôn nghĩ con là “sản phẩm” của mình, muốn uốn nắn con theo “phiên bản trung thực” của mẹ. Những gì mẹ chưa làm được, hoặc muốn con làm thì sẽ theo bản năng tự nhiên là gò ép trẻ mà không xem con là một cá thể độc lập, sáng tạo.
Mẹ có thể tham khảo nhiều nguồn sách, chắt lọc những phương thức dạy con; nhưng quan trọng là phải hiểu con, nhận diện thế giới quan xung quanh con để biết rõ điều kiện sống, tính cách và sự phát triển của con như thế nào. Không thể áp dụng một cách cứng nhắc phương pháp dạy con theo sách được”.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc:
Sách dạy con phát hành ngày càng nhiều - dạy con theo kiểu Nhật, kiểu Mỹ; dạy con thông minh, tự do, tự lập… Nhiều bà mẹ nói với tôi rằng quá nhiều sách khiến họ chẳng biết phải đọc sách nào và dạy con kiểu nào mới đúng.
|
Song Giang