Hợp tác làm phim với nước ngoài không còn là chuyện mới mẻ, bởi điều này sẽ giúp đôi bên khai thác thế mạnh của nhau hầu tạo ra một sản phẩm chất lượng. Nhưng, từ lý thuyết đến thực tế luôn tồn tại một khoảng cách mà cho đến nay - 11 năm sau Mười, tác phẩm mở ra thời kỳ hợp tác mạnh mẽ giữa tư nhân và nước ngoài - vẫn hiếm phim hợp tác nào thuyết phục khán giả.
|
Girls 2 - Những cô gái và găng-tơ chưa thể làm người xem hài lòng về phim hợp tác
|
Ngày 14/3 vừa qua, bộ phim Girls 2 - Những cô gái và găng-tơ do Việt Nam và Hồng Kông hợp tác đã có buổi chiếu ra mắt. Bộ phim của đạo diễn Barbara Wong Chun-Chun xoay quanh chuyến du lịch của ba cô gái Hi Vân, Kimmy, Gia Lâm sang Việt Nam tham gia vào một buổi tiệc ăn chơi của đại gia Bảo Sơn. Sau đêm “thác loạn”, bộ ba phát hiện họ bị lột hết trang phục, vứt ở một nơi xa lạ và bị nữ sát thủ bí ẩn - em của đại gia Bảo Sơn - truy đuổi.
Trước Girls 2 - Những cô gái và găng-tơ, khán giả cũng từng hoang mang với phim hợp tác La la: Hãy để em yêu anh (ra rạp hồi tháng Hai). Nếu như Girls 2 còn khá sôi động nhờ diễn xuất của ba cô nàng Tiết Khả Kỳ, Trương Quân Ninh và Trần Y Hàm thì La la: Hãy để em yêu anh lại gây mê khán giả bằng tiết tấu phim lê thê, cách kể dông dài, nội dung khó hiểu cộng diễn xuất nhạt nhòa của dàn diễn viên hai nước. |
Vì là phim hài, những tình tiết trong phim không màng đến tính logic, còn diễn xuất của các diễn viên luôn bị cường điệu hóa khiến những khán giả khó tính không thể ngồi đến phút cuối.
Một tư dinh đồ sộ, được canh gác cẩn thận như dinh thự của đại gia Bảo Sơn lại để ba cô gái dễ dàng đào tẩu. Cảnh trước đang bị rượt đuổi trên đường phố đông đúc ở Sài Gòn, qua cảnh sau đã thấy các nhân vật xuất hiện ở miền biển, rồi miền Tây sông nước.
Một chàng “soái ca” da đen mê phim Hậu duệ mặt trời, tên Dragon bỗng dưng xuất hiện giúp các cô gái trốn khỏi sự truy đuổi; giữa những màn rượt đuổi đó là mối tình chớp nhoáng giữa Kimmy và Dragon với phân cảnh chàng Dragon trong bộ đồ quân nhân ngồi xuống cột dây giày cho Kimmy - nhái y cảnh “đốn tim” trong phim truyền hình Hậu duệ mặt trời.
Tiếp tục bỗng dưng xuất hiện cô vợ cũ của đại gia Bảo Sơn mà từ ngoại hình đến nhan sắc đều “đũa lệch” với Bảo Sơn, ấy vậy mà vẫn được chồng cũ yêu tha thiết và cả hai nối lại tình xưa rồi cùng nhau song ca một bản nhạc tình trong sự ngỡ ngàng của các nhân vật lẫn khán giả…
|
Chi Pu là diễn viên chính trong La la: Hãy để em yêu anh |
Một phim hợp tác khác - La la: Hãy để em yêu anh - kể câu chuyện anh chàng nhạc sĩ người Hàn Quốc G-Feel đau buồn vì người yêu Yoon Hee qua đời nên sang Việt Nam du lịch để tìm hiểu về cái chết của cô và tại Sài Gòn anh có dịp làm bạn với Hà Mi - người có mối lương duyên linh cảm kỳ lạ với Yoon Hee. Hơn 90 phút phim như đưa người xem vào một mê cung đầy tình huống rối rắm, khó hiểu.
Ngay chi tiết nhân vật Yoon Hee được cho là “chết vì sẩy chân ở cầu Sài Gòn” đã hết sức ngô nghê, thiếu thực tế. Giữa phim, khán giả ngơ ngác khi xem đoạn một anh lính Hàn Quốc, trong lúc lẩn tránh quân thù, đã chạy vào nhà một cô gái câm người Việt và được cô chiêu đãi một tô cháo kèm theo đĩa kim chi.
Giữa chiến tranh, sao một gia đình Việt lại có món kim chi, một tiểu thư lại có thể bình thản chơi đàn khi có người lính lạ mặt vào nhà? Đó là chưa kể bối cảnh chiến tranh Việt Nam được đưa vào phim một cách hết sức không ăn nhập. Cô gái câm đàn piano kia liên quan gì đến Yoon Hee, liên quan gì đến cả Hà Mi - người đang chơi cây đàn piano năm xưa?
Không thể đổ lỗi cho phía Việt Nam về sự nhạt của dòng phim hợp tác bởi kịch bản và đạo diễn do phía nước ngoài đảm nhiệm, các nhà làm phim chỉ có thiện chí muốn mang phim sang Việt Nam quay với mục đích tranh thủ quảng bá hình ảnh nước nhà ra thế giới nên khó can thiệp vào nội dung, chỉ dừng ở mức đóng góp bối cảnh và vài diễn viên. Tuy nhiên, phần đóng góp này, gần đây, cũng thể hiện sự tiến bộ vì chất Việt bắt đầu đậm nét hơn chứ không còn lép vế, mờ nhạt so với các phim hợp tác trước đây.
Trần Bảo Sơn và Elly Trần có khá nhiều đất diễn và thể hiện tròn vai trong Girls 2, Chi Pu thủ vai nữ chính trong La la: hãy để em yêu anh. Hình ảnh TP.HCM với trung tâm thương mại Bitexco, nhà thờ Đức Bà, Nhà hát TP. Hồ Chí Minh, chợ Bà Chiểu… hiện lên lung linh trong phim giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam rất tốt khi phim phát hành tại nước bạn đồng sản xuất.
Girls 2 - Những cô gái và găng-tơ còn được khán giả ghi nhận khi ghi hình được những cảnh khó ở những địa điểm khó như cảnh đánh bài trong sòng bạc, cảnh rượt đuổi ngay ngã sáu Phù Đổng đông đúc. Điều đó cho thấy, trình độ sản xuất của phía Việt Nam đã cao hơn so với những phim hợp tác giai đoạn trước như Mười, Oan hồn, Ranh giới trắng đen.
Với một nền điện ảnh còn yếu như Việt Nam, hợp tác là cơ hội tốt để học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tìm kiếm cơ hội giao lưu, quảng bá hình ảnh đất nước. Nhưng hợp tác cũng phải cho thuyết phục, cho chất lượng, bởi điều quan trọng khán giả cần vẫn là phim hay chứ không chỉ đẹp mà thôi.