Hoang mang nhìn biển

08/11/2017 - 09:40

PNO - Tôi đi dọc bờ biển. Người người, nhà nhà cố gượng dậy sau bão, đôn đáo tìm từng viên gạch, miếng tôn để chắp vá, dựng lại chỗ trú ngụ từ đổ nát điêu tàn...

1. Tôi phóng tầm mắt nhìn đại dương mênh mông, không nhìn thấy thứ màu xanh đặc trưng. Biển đục ngầu. Sóng nối đuôi nhau từng đợt, như cuộn từ lòng sâu, mang theo bao đất cát, dâng cao, rồi dữ dội ập bờ. “Chưa yên đâu, cơn bão số 13 từ Philippines còn kia, chưa biết sẽ ra sao, ăn ngủ không nổi” - ngư dân Lê Tấn Hồng (làng biển P. Phú Đông, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhìn trời ngao ngán.

Hoang mang nhin bien
Ảnh: Internet

Nhướng đôi mắt đỏ hoe, sâu hoắm sau mấy đêm không ngủ ngó chồng, vợ ông - bà Phan Thị Hoa - thẫn thờ: “Giờ bó hết tay chân mà hóng tin thôi”. Con trai họ vẫn còn đang lênh đênh trên biển. Anh đi đã hai mươi mốt ngày. Mấy cuộc gọi rời rạc anh điện về, chỉ vỏn vẹn: “Vẫn ổn, ba má cứ theo dõi tình hình, có gì con gọi về”.

Buông hết việc nhà, vợ chồng ông Hồng… ngồi một chỗ, hết dõi theo bản tin dự báo thời tiết trên ti vi rồi gọi điện cho cán bộ biên phòng, bạn biển hỏi tình hình ngoài khơi, tình hình đường đi của bão. Không câu trả lời nào đủ giúp họ dịu bớt nỗi lo âu.

Hoang mang nhin bien
 

Chồng đã ra khơi tròm trèm một tháng, chị Bùi Thị Kiều Tiên ủ rũ ngồi trước nhà, ánh mắt xa xăm nhìn về phía biển như đang cầu khẩn. Chị rầu rĩ kể: “Hôm qua ổng điện về, nói ăn mì sống chống đói. Lo nhất là dầu cạn. Tàu nào ở ngoài đó tới giờ cũng cạn dầu. Trời đất vầy, tàu ghe nào dám ra mà tiếp viện”.

Không khí sốt ruột, lo lắng bao trùm cả xóm chài. Nhớ trước bão mấy hôm, khi chồng điện về, chị Tiên cố nài: “Anh nhắm về được thì về cho an toàn”. Anh Lào - chồng chị, quát trong điện thoại: “Về sao được mà về! Về rồi bão đuổi theo sau lưng, lật tàu là chết cả đám”. Chị im lặng, rớm nước mắt, nghe lòng dợn từng cơn thương, sợ. Đường đi của bão biến thiên, lên xuống. Ai nấy căng như dây đàn.

Đêm bão “đổ bộ”, chị Tiên ôm hai con khấn Phật, cầu xin “Ông Nam Hải”, mong

Thiếu tá Mai Văn Dũng - cán bộ biên phòng phụ trách tàu ra vô cảng Tuy Hòa - cho biết, hiện tại cả TP. Tuy Hòa có 55 tàu đang vật lộn với sóng gió ngoài khơi, hàng trăm con người vẫn lênh đênh trên biển.

bình yên cho ngàn con người giữa biển khơi tìm được nơi trú tránh. Bão 12 qua, tiếp theo là gì, ai biết! Ngày biển lặng yên, đất liền còn bất an, huống hồ ngày bão nổi. Ai ở nhà mà an tâm cho được.

2. Miếu thành hoàng nằm trơ trọi, cheo leo giữa một mỏm đất nhô ra giữa biển thuộc P. Phú Đông, TP. Tuy Hòa. Nhiều ngư dân cho biết, xưa kia, xác một cá voi đã dạt vào đây. Dân làng nghiêng mình chôn cất, tôn kính dựng căn miếu thờ phụng. Về sau, “vong linh ông” cá voi được “mời” về trú ở lăng - Lăng Ông Nam Hải. Căn miếu kia thành nơi thờ phụng những người bạn đi biển trong vùng chẳng may mất mạng - bị “biển lấy người”, theo cách nói của ngư dân. Vài năm trước, biển cách miếu hàng trăm mét.

Giờ, biển “ăn” đến tận mép miếu thờ. 20 ngày trước, hàng trăm ngư dân đã nhờ chính quyền cứu lấy căn miếu. UBND tỉnh Phú Yên đã cho chở về mấy xe tải đá, quây thành bờ lũy ngăn cơn há mồm tịnh tiến của sóng. Bà Mười - một ngư dân xóm vạn - cho hay, ngày nào dân biển cũng có người đến miếu này thắp hương: người trước khi ra khơi khấn cúng xin biển lặng, được mùa tôm cá. Người ở nhà dõi theo người xa khơi, cũng đến xin yên may cho người thân. Trước và sau cơn bão số 12, cả làng chài kéo đến miếu nguyện cầu.

Hoang mang nhin bien
Ảnh: Internet

Ai nấy như chết lặng trước cảnh bờ lũy đá bao quanh miếu bị bão xô đổ, ngổn ngang, từng tảng ngói rơi vỡ, bức tường vài chỗ sụp lún. Họ lần nữa gào khóc, xin cứu lấy miếu thành hoàng. “Chỗ ở của “bề trên” chưa ổn, làm sao mình dám nguyện xin cho ngoài khơi bình an” - bà Mười nghẹn giọng.

Tôi đi dọc bờ biển. Người người, nhà nhà cố gượng dậy sau bão, đôn đáo tìm từng viên gạch, miếng tôn để chắp vá, dựng lại chỗ trú ngụ từ đổ nát điêu tàn. “Làm sơ thôi. Kiên cố quá, bão ập vào, lại tan hoang” - ngồi trên gác mái, đóng mớ đinh đã sút, ngư dân Vinh nói vọng xuống. Được nhờ biển mà cũng mất vì biển. Hạnh phúc, bi thương từ một nơi mà ra. Nhưng, hỏi đi, họ vẫn yêu biển bằng tình yêu ngưỡng vọng, tôn kính. Thì, chỉ có tình yêu ấy mới giúp họ, sau cơn tan hoang vẫn vững vàng bám biển. 

Nghề biển nhiều rủi may, đời người đi biển trầm luân, hên xui, phải dựa vào tâm linh, có đức tin để an lòng. Vậy mà, bão 12 quét, miếu thành hoàng - vùng linh thiêng của xóm vạn làng chài này ngả nghiêng, có nguy cơ bị xóa sổ.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI