Hoang mang khi con dậy thì

20/02/2025 - 06:09

PNO - Làm công việc tư vấn và hỗ trợ tâm lý, mỗi năm tôi tiếp xúc với hàng trăm gia đình. Ước tính, có hơn 50% thân chủ/khách hàng gặp các rắc rối liên quan đến giai đoạn dậy thì của trẻ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bỗng dưng... mất kết nối

Nhiều phụ huynh thú nhận mối quan hệ cha - con, mẹ - con thay đổi chóng mặt khi con bước vào tuổi dậy thì. Trong đó, khoảng cách thế hệ ngày càng gia tăng, gia đình bỗng nhiên mất kết nối chỉ sau vài mâu thuẫn nhỏ. Thậm chí tình trạng mất kết nối được “kích hoạt” từ lúc nào chẳng ai hay, đến khi nhận ra thì việc cải thiện rất nan giải.

Chị N. (ở TP Thủ Đức, TPHCM) khá lo lắng khi cô con gái mới 10 tuổi nhưng đã có nhiều biểu hiện dậy thì. Con có vẻ “khó chịu, khó chiều” khi tiếp xúc với người khác, kể cả mẹ. Chị N. không kết nối được với con, không hiểu được con đang suy nghĩ và gặp khó khăn gì.

Chị T. (ở quận 1, TPHCM) có con trai đang tuổi “cập kê” nói chị “gặp khó khăn về mọi mặt, nhất là việc hiểu tâm tư, nguyện vọng của con, không đủ tỉnh táo để hướng con đi đúng đường”. Chị T. cho biết, chị thực sự hoang mang, rối rắm khi con lén xem phim nhạy cảm, bàn luận “bí mật” với các bạn về các bạn nữ. Đáng nói hơn, cậu con trai cũng đã bắt đầu để ý đặc biệt đến một bạn nữ ở lớp, nhưng tuyệt nhiên mẹ hỏi đến là cậu giấu nhẹm, đôi lúc còn gắt lên khi mẹ quan tâm.

Tại một diễn đàn dành cho học sinh tại TP Vĩnh Long, khi đề cập đến mâu thuẫn gia đình, một nam sinh lớp Mười không kìm được xúc động: “Nhiều năm rồi, em không nói chuyện được với ba mẹ. Nhiều người nhìn vô, ước ao cuộc sống đủ đầy, sung túc như em, nhưng em không hạnh phúc”.

Em cho biết: ba, mẹ em đều không phải kiểu người nhẹ nhàng, tâm lý; hễ đụng chuyện là làm ầm lên. Người lớn không nhường, em cũng ương bướng không nhịn, cuối cùng sống trong cùng một nhà mà không ai nhìn ai.

Một nữ sinh THCS, sống tại quận 8, TPHCM, bày tỏ nguyện vọng “chỉ muốn chết đi” vì mẹ ít quan tâm đến mình, hay bênh vực chị Hai và so sánh em với chị. Có vẻ em làm gì cũng sai, còn chị Hai thì luôn đúng. Đôi khi, em muốn hỏi mẹ về chuyện học hành, chuyện “phụ nữ”, nhưng em cảm thấy “thà không nói còn hơn”. Khi người mẹ đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý thì mới phát hiện con mình từng có ý định tự tử mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ mối quan hệ mẹ - con.

Tình trạng mất kết nối diễn ra phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Quá trình làm việc, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho học sinh THCS và phụ huynh có con tuổi mới lớn, tôi nhận thấy cứ 10 gia đình thì hết 6-7 gia đình có biểu hiện “kết nối khó khăn, kết nối gián đoạn hoặc mất kết nối” giữa mẹ - con, cha - con, ông/bà - cháu, anh/chị - em… Điều này, khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Trẻ chỉ mở lòng khi ba mẹ quan tâm, tin tưởng

Không ít phụ huynh vẫn đơn thuần xem con mãi là trẻ con, dù các em đã bước một chân vào ngưỡng người lớn. Trẻ thì ý thức mình đã lớn, nhưng phụ huynh vẫn cư xử với trẻ như con nít. Mâu thuẫn này làm khoảng cách gia đình ngày một khắc sâu hơn.

Khi trẻ muốn hỏi về việc yêu đương mà ba mẹ “chặn đầu, chặn đuôi” thì lần sau trẻ sẽ dè chừng. Trẻ muốn khám phá “thế giới người lớn” nhưng phụ huynh cấm cản hoặc lờ đi… trẻ sẽ không tìm tới để hỏi nữa. Trẻ thực sự chỉ bộc lộ khi ba mẹ quan tâm, tin tưởng và biết đồng hành cùng con. Ngược lại, kết nối sẽ trở nên lỏng lẻo hoặc gián đoạn tăng dần.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Câu chuyện mất kết nối ở mỗi gia đình là khác nhau. Kết nối hay mất kết nối phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái của ba mẹ, đặc biệt là giai đoạn “tiền dậy thì”, tiếp đến là giai đoạn dậy thì. Trong đó, yếu tố quyết định rất lớn chính là khả năng am hiểu tâm lý tuổi dậy thì của phụ huynh.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh thiếu cập nhật kiến thức về độ tuổi của trẻ hoặc ít quan tâm đến sự lớn lên của con. Điều này tác động lớn đến khả năng kết nối của gia đình với con cái.

Các dấu hiệu mất kết nối phổ biến khi trẻ dậy thì

- Phụ huynh không hiểu con muốn gì, thích gì, nghĩ gì.
- Trẻ cảm thấy mất hứng thú trò chuyện, kể chuyện, chia sẻ bí mật và đồng hành cùng phụ huynh khi được yêu cầu.
- Phụ huynh quan tâm, hỏi han nhưng trẻ không hồi đáp hoặc trả lời qua loa.
- Trẻ dễ cảm thấy phiền hoặc khó hiểu khi phụ huynh hỏi nhiều, ít lắng nghe và hay giảng đạo lý.
- Phụ huynh bối rối và khó định hướng khi giáo dục con.
- Trẻ không tiếp nhận, tiếp thu hoặc từ chối các tác động giáo dục từ phụ huynh.
- Cả ba mẹ và con cái khó tìm thấy tiếng nói chung.
- Bầu không khí gia đình dễ rơi vào căng thẳng, chiến tranh lạnh hoặc bất hòa thường xuyên.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI