Hoang mang... con sóng vô hình

14/09/2018 - 06:58

PNO - Đó là con sóng ngự trị trong lòng mẹ của An (nghệ sĩ Lam Tuyền). Nỗi ám ảnh của người đàn bà miền biển, thương con, không nỡ để đứa con trai duy nhất ra đảo, rồi lại ngóng chờ trong lo âu, sợ hãi.

Đó là con sóng hung hãn của những kẻ “lạ” rắp tâm bắn giết ngư dân mình ngay trên ngư trường của mình. Đó là sự lao xao từ dao động mà dễ thành kích động của đám đông khi không hiểu mà vin rồi tin vào những đồn đoán lệch lạc…

Hoang mang... con song vo hinh
Võ Minh Lâm và Như Huỳnh đã có một số lớp ca hay - Ảnh: Thảo Vân

Những con sóng vô hình (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, chuyển thể: Nguyễn Hồng Dung, Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) là một kịch bản… đơn giản. Đường dây kịch, lớp lang kịch đều tuần tự xếp hàng; diễn viên theo đó mà trình diễn, mà minh họa, tương đối đều vai, tròn trịa, sạch sẽ.

Điểm duy nhất khiến vở diễn này… gãy là cách xử lý tình tiết không đến nơi đến chốn ở một số cảnh, đoạn; cái nút mở trong trạng thái “nhạy cảm” đầy nguy hiểm đã không được thắt, làm sai lệch tư tưởng tác phẩm.

Tạm chia hai chiến tuyến trong suy nghĩ, hành vi: một bên là mẹ của An và đám đông dân làng chất chứa nhiều bức xúc, nghi hoặc, nghe và truyền tai nhau những thông tin ngụy tạo, xuyên tạc về các chủ trương, chính sách biển đảo; một bên là An (Võ Minh Lâm), Hiền (Như Huỳnh), Tân (Quốc Kiệt), vợ của Tân, cha của An vững tin bảo vệ biển đảo, một lòng trọn vẹn trước sau. Nhưng ở cả hai lớp, khi mẹ của An vì thương con, lo sợ bất an cho con mà tuôn trào bức xúc, thì đáp lại, cha của An chỉ ậm ờ khuyên can.

Hoang mang... con song vo hinh
Một cảnh trong vở Những con sóng vô hình. Ảnh: Thảo Vân

Đến lớp dân làng, trai tráng lao nhao phản đối, mỗi người góp một câu mà nội dung hầu như chỉ là những “trích dẫn” từ mạng xã hội theo chiều lệch lạc, xuyên tạc thì lại chính mẹ của An là người đứng ra phản đối “không được nói xấu Nhà nước”, “không được nói xấu con trai tui”. Không phải nói xấu mà là nói sai. Lý do vì sao nghe sai, nói sai phải được tác giả và đạo diễn lý giải cặn kẽ, thấu đáo chứ không nên hời hợt, dễ dãi thả trôi xung đột kịch như thế.

Xin nhắc lại, người đứng ra phản đối những lời nói xuyên tạc kia là mẹ của An - người trước đó vừa phản ứng gay gắt, thậm chí khá cực đoan. Cú chốt hở sườn đầy tai hại này đã ít nhiều phá hỏng chủ đề vở diễn.

Những con sóng vô hình có thể chất chứa, giằng xé, ào ạt trong tâm trí người dân, nhưng cuối cùng, vẫn chỉ có một con sóng hữu hình: con sóng của tình yêu Tổ quốc, của ý chí bảo vệ biển đảo, biên giới trong mọi người dân Việt.

Hoang mang... con song vo hinh
 

Tôi tự nghĩ, tại sao không cho Hiền xuất hiện ở tình huống này, bởi cô có đầy đủ tư cách: chủ tịch xã - đại diện cho chính quyền, người yêu của An - một chiến sĩ hải quân đang thực thi nhiệm vụ ngoài hải đảo. Tiếng nói ấy để giải quyết mấu chốt xung đột và cũng là điểm gút cuối cùng, là điểm tựa cho thông điệp vở diễn. Và cũng chính nó tháo dần nút thắt tâm lý giữa Hiền và mẹ của An để cảnh sau hai người phụ nữ này hóa giải, cảm thông, thấu hiểu.

Tôi tự hỏi, tại sao một vở diễn tham dự một cuộc thi chuyên nghiệp, của một đơn vị là hội nghề nghiệp - chính trị (Hội Sân khấu TP.HCM) lại có thể “lạc nhịp” như thế? Thậm chí, hình ảnh cuối cùng, khi Hiền (và cả khán giả) đang chấp chới không biết mơ hay thực thì An xuất hiện, đúng nghĩa là… chui lên với bộ quân phục hải quân và reo mừng: “Anh vẫn còn sống”. Đó là một câu thoại phản cảm, nó làm tầm thường hóa nhân vật.

Những con sóng vô hình đã không vô tình khiến tôi hoang mang, ngờ vực…

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI