Du lịch Campuchia, địa danh đầu tiên người ta nghĩ đến, hẳn là đền Angkor. Không như nhiều bạn bè tôi lầm tưởng Angkor chỉ có Angkor Wat và Angkor Thom, mà đó là hai trong rất nhiều khu đền hấp dẫn níu chân du khách bằng vẻ hoang tàn trầm mặc của mình. Mà thôi, các bạn dễ dàng biết rõ điều này bằng một vài cú nhấp chuột.
Tôi sẽ không khoe với các bạn những tấm ảnh tôi chụp bên Angkor, vì hẳn là cũng với vài cú nhấp chuột, bạn sẽ được ngắm nhìn vô số tấm ảnh đẹp hơn, nét hơn, hùng vĩ hơn khiến bạn phải tấm tắc xuýt xoa, tò mò và thôi thúc muốn đeo ba-lô lên vai… Tôi không dám có lời khuyên nào, chỉ nhắc bạn hãy mang theo giày bệt, tốt nhất là giày thể thao. Bởi ngôi đền này sẽ thôi thúc bạn muốn đi tiếp đến ngôi đền kia và những ngôi đền kế tiếp.
Tôi sẽ không khiến các bạn nhàm tai với lời kể về đền Beng Mealea hoang tàn đổ nát mà vẫn toát lên uy lực thần thánh, những bãi đá một thời là tường thành tráng lệ giờ là những gãy đổ chồng chất lên nhau mà vẫn khiến du khách dè dặt từng bước chân qua, như sợ vấp phải lời nguyền chôn giấu. Bất chấp cảnh báo di tích này nằm trong khu vực còn bom mìn của chiến tranh, vẫn rất nhiều người tìm tới.
Tôi sẽ không khoe với bạn những tấm ảnh chụp tôi với bức tường ở đền Banteay Srei, tra Google đã biết là nó xây dựng từ đá sa thạch đỏ và chất pha màu thêm vào khiến những bức tường lung linh, huyền hoặc cùng rêu phong, nhưng tận mắt nhìn ngắm thì chỉ biết ngây người, chẳng thể miêu tả được.
Tôi sẽ không kể về ngôi đền Bayon với những khuôn mặt khổng lồ ở bốn phía các tòa tháp cao vút khiến tôi bị (được) bao phủ trong cảm giác là các vị thần đang dõi theo từng bước chân người, kẻ nào khởi lên ý nghĩ xấu xa chắc chắn sẽ bị chồn chân mỏi gối ngay từ dưới chân tháp.
Tôi sẽ không kể về người tài xế xe tuk tuk nhiệt tình dặn dò: “Đến Angkor Wat thì hãy vào gian phòng linh thiêng nhé, hãy tìm cái góc nơi mà đứng đó vỗ tay sẽ nghe tiếng bùm bùm như trống vỗ trong trái tim mình”. Sợ tôi không hiểu đúng câu tiếng Anh vụng về, người tài xế ra hiệu bằng cách co bàn tay thành hai nắm đấm đập vào nhau và đập vào ngực trái, nơi trái tim ông hẳn còn vang vọng âm thanh kỳ bí.
Hành trình Angkor, tôi muốn kể cho bạn nghe ở chặng cuối cùng của ngày, ngôi đền Phnom Bakheng nằm trên đỉnh đồi, là nơi tuyệt vời nhất để ngắm hoàng hôn. biết bao người leo đồi chỉ để chờ được ngắm mặt trời dần lặn.
Quy định tối đa chỉ 300 người, nên từ bốn giờ chiều người ta đã xếp hàng để đợi tới phiên mình được phép lên đền. Sau hơn ba mươi phút đồi dốc, nắng nóng chói chang, khát nước và mỏi nhừ chân, tôi có mặt trong hàng dài người xếp hàng chờ đợi.
Từng phút trôi qua, bao ánh mắt hướng về phía những bậc đá dẫn lên đền, chờ đợi có người đi xuống để mình được thế chỗ của họ. Đây là nơi thử thách sự kiên nhẫn và cả cầu mong may mắn, vì hoàng hôn cứ thản nhiên trôi mà hàng người xếp hàng cứ tiếp tục dài thêm ra.
Bạn hãy hình dung sau khi leo dốc trong nắng nóng chang chang rồi phải tiếp tục đứng đợi. “Đứng” theo đúng nghĩa đen của từ này. Đến bây giờ, khi gõ những dòng này kể lại, tôi tự hỏi tại sao người ta không ngồi xuống cho đỡ mỏi chân? Không biết. Có lẽ không gian huyền bí khiến du khách cảm thấy mình không nên xử sự như thường tình chăng?
Khi tôi nghĩ mình sẽ quay lại đây vào dịp khác thì bỗng “òa à à…” âm thanh vui mừng từ những người đang xếp hàng trước tôi một khoảng khá xa. Có nhiều người đang đi xuống, có lẽ họ cùng chung đoàn và đã tới giờ hẹn với tài xế. Số lượng đi xuống đông đúc khiến cho những kẻ đang xếp hàng dâng lên niềm hy vọng. Đúng vậy, sau hơn tiếng đồng hồ chờ đợi, tôi đã lọt vào nhóm kế tiếp được phép lên đền.
Quả là tuyệt vời!
Mặt trời như một viên ngọc khổng lồ giữa biển mây vàng rực rỡ, màu đỏ pha vàng lộng lẫy hắt ngược về phía những kẻ đang trầm trồ ngắm nhìn khiến tất thảy chừng như đều được bao bọc trong huyền ảo. Tôi giương cao máy ảnh. Quanh tôi, tất cả đều giơ cao máy ảnh, giương cao gậy selfie... Ai cũng muốn ghi lại cảnh đẹp này. Ai cũng muốn mình có mặt trong thời khắc này…
Một cái chạm nhẹ ở vai, tôi quay lại.
Một ông già và một bà già. Đôi mắt xanh lam nhìn tôi. Ông già đưa cái máy ảnh tới trước mặt tôi, làn da tay ông nhăn nheo và đầy vết đồi mồi. Chưa nghe nói gì cũng hiểu là ông nhờ tôi bấm máy giùm. Cái máy ảnh đời cũ, tôi sợ lỡ mình chụp không đẹp thì thật uổng phí công sức đôi vợ chồng già từ phương Tây xa xôi đi đến tận nơi này, nên tôi cẩn thận hỏi ông cách chỉnh máy. Trong lúc đó thì bà già, như bao phụ nữ trên đời này, vuốt lại mái tóc màu mật ong cho những cọng tóc nằm yên sau vành tai, rồi vuốt lại vạt áo thẳng thớm, xoay xoay cái vòng đeo tay tết bằng những sợi dây màu sặc sỡ nhìn là biết mua ở cửa hàng lưu niệm, bà kéo lại sợi dây đeo của cái túi xách thổ cẩm. Và bà lại cười bẽn lẽn như xấu hổ vì chừng này tuổi rồi mà vẫn còn thích xí xọn làm điệu.
Khi tôi giơ máy lên, ông choàng tay qua vai bà và bà nghiêng đầu qua vai ông. Mắt bà ngước nhìn ông, mỉm cười. Ông cũng cười, hàng râu quai nón rung rung. Nắng chiều Angkor rạng ngời bao phủ đôi vợ chồng già. Tôi thấy xúc động kinh khủng… Xong, hai người nói cảm ơn tôi rồi ông dìu bà ngồi xuống bên một tảng đá mờ mờ dấu vết chạm khắc một vị thần. Có phải ông bà đang cầu nguyện? Nắng tiếp tục phủ quanh vai họ, một màu vàng pha đẹp đến nao lòng.
Khi mình già, khi mình da nhăn tóc bạc… Ý nghĩ khởi lên, tôi cố không nghĩ tới nữa nhưng nó vẫn tiếp tục, liệu mình có muốn cùng ai đó một chuyến đi có thể là cuối cùng trong đời, bất chấp đau xương nhức khớp, đi là đi, cho một ước nguyện cùng nhau kiếp sau? Hay chỉ đơn giản là bên nhau trong một chuyến đi chơi mà đền đài chỉ là lựa chọn tình cờ?
Tâm trí tôi cố nghĩ ra đủ thứ lý do cho sự có mặt của họ ở đây, ngay lúc này… rồi thấy mình ngớ ngẩn, cho dù lý do gì thì đôi vợ chồng này cũng đang tận hưởng khúc cuối cuộc đời một cách đẹp đẽ.
Nắng dần tắt, ráng chiều rực lên lần cuối phía xa xa. Nhóm người lên sau thở dài thất vọng vì cuộc ngắm mặt trời lặn chỉ còn là những chấm phá màu hồng ẩn hiện trong vạt mây xa.
Tôi muốn nói với họ, có một hoàng hôn lộng lẫy không kém, đang ngồi bên nhau ngay đó, ai cũng nhìn thấy và không khó khăn gì để nhận ra…
Cầu chúc ông bà hạnh phúc là thừa, tôi cầu chúc cho mình được gặp lại ông bà thêm lần nữa, trên đường đây đó…
Nguyên Hương