HOÀNG HOA THÁM

12/02/2014 - 11:20

PNO - PNO - Hoàng Hoa Thám (1836 – 1913) là công trình nghiên cứu mới nhất của Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm, NXB Tri Thức vừa ấn hành.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hơn 40 năm nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế, Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề khuất lấp về một nhân vật lịch sử và cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Sách gồm 13 chương, là sự kế thừa và tổng kết toàn bộ thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu lịch sử từ trước tới nay, trong và ngoài nước về một vĩ nhân không chỉ đóng vai trò quan trọng mà còn là gạch nối giữa hai khuynh hướng cứu nước. Đó là khuynh hướng theo hệ tư tưởng phong kiến (Phong trào Cần vương) và theo hệ tư tưởng tư sản (Phong trào Duy tân).

HOANG HOA THAM

Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm đưa ra nhiều hình ảnh, sơ đồ giới thiệu về quê hương, gia tộc, sự ra đời cho đến lúc mất của Hoàng Hoa Thám. Trong đó, ông khẳng định họ Đoàn là họ gốc của Hoàng Hoa Thám, quê ở Dị Chế (Hưng Yên); tìm hiểu được thân thế, sự nghiệp của Đoàn Danh Lại tức Trương Văn Thận, thân phụ của Hoàng Hoa Thám.

Về năm sinh của Hoàng Hoa Thám, tác giả cho biết, đây cũng là điều mà giới nghiên cứu băn khoăn và tốn khá nhiều công sức. Cái mốc Đề Thám sinh năm 1846 mà Hoài Nam đưa ra trong bài viết Về gốc tích của ông Đề Thám trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử tháng 2-1962, hầu như không được chấp nhận. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều chủ trương Đề Thám sinh năm 1856 hoặc 1858. Lại có ý kiến cho rằng Đề Thám sinh năm 1864. Qua Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Gia phả họ Bùi ở Thái Bình (những người trong họ Bùi tham gia bắt bố Đề Thám nên được thăng quan), một sự thật được khám phá, cho biết Đề Thám chính thức được sinh ra vào năm 1836.

Ngoài ra, công trình này còn đưa ra sự kiện Hoàng Hoa Thám hưởng ứng Chiếu Cần vương, đã lặn lội vào tận Nghệ Tĩnh xin tham gia cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng; hoặc những cuộc tiếp xúc giữa Hoàng Hoa Thám với Phan Châu Chinh và Phan Bội Châu, sự hỗ trợ của Hoàng Hoa Thám với phong trào cách mạng Trung Hoa do Tôn Trung Sơn lãnh đạo, sự chỉ đạo trực tiếp của Đề Thám đối với cuộc khởi nghĩa Hà Thành; các đánh giá từ phía nhà cầm quyền Pháp và giới sử học hiện nay đối với Lê Hoan, Bá Phức - những người đã từng bị coi là bán nước nhưng thực chất là giàu lòng yêu nước, có nhiều giúp đỡ cuộc khởi nghĩa Yên Thế…

Riêng về cái chết của anh hùng Hoàng Hoa Thám, Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm qua tiếp xúc với bà Hoàng Thị Điệp - cháu nội Đề Thám, cho biết, con cháu cúng giỗ Đề Thám vào ngày mồng 5 tháng Giêng hằng năm.

Tập sách Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913) là công trình nghiên cứu về nhân vật Hoàng Hoa Thám quy mô, nhiều sử liệu nhất từ trước đến nay.

L.N

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI