Hoàn trả chi phí trước khi xuất viện cho bệnh nhân phải mua thuốc BHYT bên ngoài

31/10/2024 - 16:32

PNO - Đây là kiến nghị của ĐBQH vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị cơ sở khám chữa bệnh phải hoàn tiền cho bệnh nhân phải mua thuốc do thiếu thuốc BHYT trước khi bệnh nhân xuất viện
ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị cơ sở khám chữa bệnh hoàn tiền cho bệnh nhân phải mua thuốc do thiếu thuốc BHYT trước khi bệnh nhân xuất viện - ảnh: QH

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại cuộc họp, nhiều ĐBQH phản ánh về tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế trong khám chữa bệnh BHYT thời gian qua.

ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) chỉ ra, thời gian qua, do thiếu thuốc, thiết bị y tế trong khám chữa bệnh BHYT, người bệnh phải tự mua ở bên ngoài, ảnh hưởng tới tài chính. Báo cáo năm 2022, có tới 40% bệnh nhân phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến huyện.

ĐBQH đề xuất bổ sung vào dự thảo luật quy định: cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ vật tư, thuốc BHYT cho người bệnh. Trường hợp bệnh nhân phải mua ngoài do thiếu thuốc, thiết bị y tế, cơ sở khám chữa bệnh phải hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện.

“Quy định như vậy sẽ giúp bệnh nhân BHYT được bảo đảm quyền lợi, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, rút gắn thời gian xử lý”.

ĐBQH cũng dẫn số liệu của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam năm 2023, có tới 60% thuộc khu vực nông thôn gặp khó khăn trong bồi hoàn chi phí BHXH do khoảng cách xa và kéo dài.

ĐBQH Trần Chí Cường
ĐBQH Trần Chí Cường chỉ ra, thông tư của Bộ Y tế về thanh toán thuốc, thiết bị y tế cho người có thẻ BHYT hiện chưa giải quyết được các vấn đề vướng mắc - ảnh: QH

Cùng trăn trở trên, ĐBQH Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho hay, trước khi trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT tại Kỳ họp lần này, ngày 18/10/2024, BYT đã kịp thời ban hành thông tư 22 về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh. Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng, thông tư này không giải quyết được các vướng mắc hiện hữu.

Nguyên nhân là trong dự thảo luật chỉ quy định, thuốc được thanh toán thuộc danh mục thuốc hiếm. Danh mục thuốc hiếm chỉ có hơn 400 lượt hoạt chất, trong khi số lượng hoạt chất được quỹ BHYT thanh toán hiện là 1.096 lượt, chưa tính tới một số thuốc cổ truyền, thuốc theo thông tư khác của Bộ Y tế.

“Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thuốc hiếm thấp hơn thông thường. Như vậy, Thông tư 22 quy định chỉ thanh toán cho thuốc hiếm không giải quyết triệt để và đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHYT”, ông nhấn mạnh.

Với thiết bị y tế cũng tương tự. ĐBQH phân tích, thông tư chỉ quy định thanh toán cho một số trường hợp đặc thù như đặt stent tim mạch, một số trường hợp thiết bị y tế (thuộc loại A hoặc B) thường xuyên được sử dụng như gang tay, dây truyền dịch, kim luồn... lại không được thanh toán trực tiếp.

Do đó, ĐBQH cho rằng, cần bổ sung thêm điều khoản quy định nội dung thanh toán cho bệnh nhân, BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

ĐBQH tỉnh Đà nẵng cũng kiến nghị, dự thảo cần quy định lộ trình và xác định rõ thời gian chậm nhất thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm lâm sàng như kết quả xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh... Mốc thời gian được ĐBQH đề xuất là thực hiện trước 1/1/2026.

Ông lý giải, nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện trong quyết định số 316, ban hành năm 2016 khi phê duyệt đề án 06 về tăng cường năng lực hệ thống Quản lý chất lượng, xét nghiệm y học giai đoạn 2016 – 2025.

“Điều này góp phần tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cho quỹ BHYT và người dân đi khám bệnh”, ĐBQH tin tưởng.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI