Hoàn thiện sàn đấu giá biển số đẹp thế nào?

23/12/2023 - 06:29

PNO - Chuyện “đấu giá chưa mở đã sập sàn” cho thấy nhu cầu về biển số xe đẹp của người chơi (và có thể có cả nhà đầu tư) cho loại “tài sản ảo” này là rất lớn.

Từ các phiên đấu giá biển số xe ô tô cho thấy, mặc dù có chuyện trúng đấu giá bỏ cọc, giá thách đấu bị đẩy lên cao bất thường, một số biển số phải tổ chức đấu giá nhiều lần… nhưng kết quả chung là mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách một cách công khai, minh bạch. Đây là kết quả tích cực đáng ghi nhận. 

Cục CSGT Bộ Công an giám sát các phiên đấu giá biển số xe ô tô
Cục CSGT Bộ Công an giám sát các phiên đấu giá biển số xe ô tô

Đề xuất đấu giá biển số xe đã xuất hiện từ 3 thập niên trước, với 5 lần đề xuất được đưa ra ở các thời điểm khác nhau, nhưng luôn có ý kiến trái chiều và đều bị gác lại. Các tranh cãi “nên”, “không nên” vẫn chưa dứt ngay cả khi Quốc hội quyết nghị về thí điểm. Do vậy, cần tiếp cận vấn đề bằng “thí điểm” để rút kinh nghiệm. Những kết quả bước đầu chính là thực tiễn để xem xét, hoàn thiện cơ chế quản lý và quy định pháp lý liên quan. 

Ngay phiên đấu giá trực tuyến đầu tiên được tổ chức thì mạng bị nghẽn do số người tham gia quá đông. Chuyện “đấu giá chưa mở đã sập sàn” cho thấy nhu cầu về biển số xe đẹp của người chơi (và có thể có cả nhà đầu tư) cho loại “tài sản ảo” này là rất lớn. Dù pháp luật có thừa nhận hay không thì thực tế vẫn đang diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán ngầm các loại biển số đẹp từ ô tô, xe máy, số điện thoại...

Theo pháp luật Hoa Kỳ và các nước châu Âu, tài sản được hiểu là tất cả những gì có thể sở hữu. Điều 105 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.  

Các loại tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu, phát minh, sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện. Tài sản vô hình được xác định là loại tài sản không có hình dạng vật chất, chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, có thể nhận biết được, định lượng được và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế của chủ sở hữu. 

Mặc dù còn có ý kiến khác nhau về sự công nhận “biển số xe đẹp” có phải là tài sản theo quy định pháp luật hiện hành hay không, nhưng với cơ chế pháp lý thí điểm hiện tại, bước đầu đã công nhận tính pháp lý, quyền kinh tế và “quyền nhân thân” của chủ sở hữu đối với “loại tài sản ảo” này. 

Tất nhiên, trong một cơ chế thí điểm và chịu sự quản lý hành chính của các cơ quan đăng ký quản lý biển số xe, thì quy định “hạn chế” đối với loại tài sản này là cần thiết. Ví dụ, biển số xe đẹp trúng đấu giá sẽ được coi là di sản thừa kế của người sở hữu kèm theo xe chứ không thể hoàn toàn độc lập như một loại quyền tài sản thông thường khác.  

Việc người trúng đấu giá biển số xe đẹp nhưng bỏ cọc thì sẽ mất tiền đặt cọc đã được pháp luật quy định. Nhưng để hạn chế tình trạng này thì cần hoàn thiện quy định chặt chẽ về tăng tiền đặt cọc, điều kiện đặt cọc. 

Trong quá trình hoàn thiện sàn đấu giá và cơ chế đấu giá biển số xe đẹp, cần tiếp tục nghiên cứu, thu thập thông tin, sơ kết, rút kinh nghiệm và xem xét đánh giá tác động nhiều chiều: kinh tế, xã hội, pháp lý, yêu cầu quản lý và công nghệ để phòng tránh tình trạng lợi dụng đấu giá, chuyển từ cơ chế đầu tư sang đầu cơ, từ đó hoàn thiện cơ chế thí điểm. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI