Hoàn thiện khung pháp lý để thị trường bất động sản phát triển

20/02/2022 - 06:12

PNO - Các vướng mắc về pháp lý khiến thị trường bất động sản thời gian qua thiếu hụt nguồn cung, giá cả bị đẩy lên cao. Theo Bộ Xây dựng, năm 2022, các chính sách về bất động sản sẽ được hoàn thiện, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Động lực mới cho thị trường 

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng - cho biết các chính sách mới sẽ có hiệu lực trong năm 2022, xóa bỏ mâu thuẫn trong các quy định về đầu tư, xây dựng, giao dịch BĐS. Bên cạnh đó, thị trường BĐS cũng sẽ có bước phát triển mới sau khi Quốc hội thông qua chính sách tài khóa, trong đó dành 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, dành 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) vay để phát triển nhà ở nhằm tăng nguồn cung cho thị trường. 

Bà Hoàng Thu Hằng - Phó Trưởng phòng Quản lý thị trường BĐS, Bộ Xây dựng - cho biết sau bốn đợt dịch COVID-19 diễn ra trong hai năm qua, thị trường BĐS bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội khiến việc di chuyển khó khăn, hàng loạt dự án bị dừng thi công, giá cả vật liệu xây dựng leo thang, dẫn đến nguồn cung khan hiếm, giá cả tăng dần. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp để soạn thảo, trình Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, như Nghị định 30/2021, Nghị định 49/2021, Nghị định 69/2021… và đặc biệt mới đây là Nghị định 02 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS.

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ có bước  phát triển mới khi môi trường pháp lý được hoàn thiện
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ có bước phát triển mới khi môi trường pháp lý được hoàn thiện

Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đề xuất phân định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương để tránh sự chồng chéo cũng như ngăn ngừa sai phạm xảy ra trong thị trường BĐS, đẩy mạnh các chính sách để phát triển các dòng BĐS đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội.

Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Công ty cổ phần DKRA Việt Nam - Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 6 - 6,5%, đi kèm với kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp. Đây là yếu tố tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực xây dựng, BĐS. Hiện không có gói hỗ trợ riêng trực tiếp cho thị trường BĐS nhưng các hoạt động đầu tư công vào hạ tầng giao thông, xã hội sẽ thúc đẩy sức mua BĐS và các DN BĐS sẽ được hưởng lợi gián tiếp. Gói hỗ trợ người mua nhà - đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động - sẽ giúp tăng cầu, các dự án đang bị vướng mắc, dự án “treo” do vấn đề thủ tục pháp lý nếu được tháo gỡ sẽ góp phần giải phóng một lượng đáng kể nguồn cung, giảm áp lực về nguồn cung BĐS.

Nguồn cung nhà ở sẽ dồi dào hơn

Theo dự báo của DKRA Việt Nam, trong quý IV/2022, giao dịch BĐS sẽ sôi động với nguồn cung và sức tiêu thụ mới. Ở phân khúc căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận, trong quý I/2022, ước tính có khoảng 3.000-4.000 căn nhà được mở bán. Trong năm 2022, nguồn cung sản phẩm mới có thể sẽ tăng so với năm 2021 ở tất cả các phân khúc từ căn hộ đến nhà phố, biệt thự, riêng đất nền có thể sẽ không tăng do các dự án phân lô đang ngày càng bị siết chặt về thủ tục. Đặc biệt, dự báo nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua.

Công ty CBRE Việt Nam cũng dự báo trong năm nay, nguồn cung căn hộ mới sẽ phục hồi và số lượng căn hộ bán thành công cũng tăng. CBRE kỳ vọng thị trường sẽ có gần 22.000 căn hộ mới hoàn thành trong năm 2022 từ các dự án hiện hữu. Hàng loạt dự án đã triển khai chiến dịch tiếp thị và bắt đầu nhận đặt chỗ cho đợt mở bán trong năm 2022. Dự báo, giá trung bình trên thị trường sơ cấp sẽ tăng chậm lại khi các dự án ở ngoại thành TP.HCM được nâng cấp và mở bán. Tuy nhiên việc mặt bằng giá cao và quỹ đất hạn chế của TP.HCM sẽ đẩy nhu cầu sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Long An. BĐS ở các địa phương vệ tinh với mức giá hấp dẫn, sản phẩm đa dạng sẽ vừa hỗ trợ, vừa cạnh tranh với TP.HCM.

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - nhận định: “Thị hiếu của khách hàng đã thay đổi sau cao điểm dịch COVID-19 theo xu hướng đề cao nghỉ dưỡng tại nhà. Nhà ở thuộc phân khúc cao cấp đang ngày càng được quan tâm. Việc nối lại các chuyến bay quốc tế, các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường sẽ giúp duy trì giá và tỷ lệ giao dịch thành công cho thị trường nhà ở năm 2022”.

Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Công ty Colliers Việt Nam - cho rằng nhu cầu về BĐS văn phòng, BĐS công nghiệp và nhà ở sẽ tiếp tục tăng theo các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng như nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ trong năm 2022. Có thể nói, thị trường BĐS trong bốn năm qua như một chiếc lò xo bị nén, nên khi các khó khăn về chính sách được tháo gỡ, thị trường sẽ có một sức bật mạnh mẽ. Tuy nhiên, các vướng mắc pháp lý khó có thể được giải quyết trong một thời gian ngắn. Ví dụ, sáng kiến xây dựng một triệu căn nhà giá rẻ của TP.HCM đòi hỏi quỹ đất rất lớn tại đô thị và cần những ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Dù vậy, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề của thị trường BĐS hiện nay đủ để các nhà đầu tư có thêm niềm tin vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong thời gian tới. 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI