Hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ ngư dân

15/05/2024 - 06:06

PNO - 7 năm qua, hệ thống chính trị của Việt Nam đã thực hiện đồng loạt các giải pháp để gỡ thẻ vàng.

Sau khi bị EU rút thẻ vàng, hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này giảm mạnh - Ảnh: Huyền Hoa
Sau khi bị EU rút thẻ vàng, hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này giảm mạnh - Ảnh: Huyền Hoa

Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Động thái này ngay lập tức tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hải sản của nước ta: thị trường EU từ vị trí số 2 trong xuất khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thứ tư những năm sau đó; kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU giảm đáng kể (riêng giai đoạn 2017-2019 giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD).

7 năm qua, hệ thống chính trị của Việt Nam đã thực hiện đồng loạt các giải pháp để gỡ thẻ vàng. Chống khai thác thủy sản trái phép là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo một cách liên tục và xuyên suốt. Mới đây nhất, ngày 10/4/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 32 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản”.

Tuy nhiên, quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn chưa được ngư dân chấp hành một cách nghiêm túc. Để nâng cao hiệu quả chấp hành, cần xây dựng đồng bộ các chính sách cho ngư dân và hạ tầng cho nghề đánh bắt thủy sản.

Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân nhưng hầu hết đã được ban hành cách đây hàng chục năm, một số đã không còn phù hợp với thực tiễn. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo tôi, cần sớm ban hành nghị định thay thế để có chính sách mới hỗ trợ ngư dân, trong đó tập trung vào chính sách hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại trong quá trình đánh bắt thủy sản và các chính sách liên quan đến vay vốn, hỗ trợ vốn.

Tháng 3/2023, khi đi thực địa ở miền Trung, tôi được biết, không ít tàu cá ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vẫn sử dụng máy thông tin liên lạc VX-1700 để liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh (GPS). Ngư dân cho biết, những chiếc máy này được lắp đặt lâu ngày, dễ hỏng hóc, hạ tầng mạng của thiết bị này cũng không đảm bảo nên có lúc ở bờ không nhận được tin nhắn từ tàu cá gửi về.

Hiện nay, có rất nhiều thiết bị thông tin liên lạc, định vị rất hiện đại, các cơ quan hữu quan cần giới thiệu rộng rãi và có chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư các thiết bị này trên tàu cá. Thiết bị hiện đại không chỉ hữu ích cho ngư dân mà còn giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt các tàu cá đánh bắt xa bờ.
Chính quyền các địa phương cần khẩn trương rà soát và xây dựng, nâng cấp các công trình cảng cá, khu neo đậu cho tàu cá.

Hiện nay, vẫn còn một số cảng cá tạm bợ, bị bồi lắng khiến tàu thuyền không có chỗ neo đậu và dễ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn. Việc phát triển và hoàn thiện hệ thống cảng cá, khu neo đậu sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý việc đánh bắt thủy sản thuận lợi hơn, ngư dân cũng an tâm hơn.

Dự kiến, trong tháng Năm này, đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ năm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây gần như là cơ hội cuối cùng để Việt Nam tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản khai thác. Tôi tin rằng, những nỗ lực của Việt Nam sẽ được phía EC ghi nhận. Tuy nhiên, chính sách cho ngư dân và hạ tầng cho nghề biển là giải pháp không chỉ giúp Việt Nam sớm gỡ thẻ vàng mà còn là cơ sở để Việt Nam hướng đến một nền kinh tế biển xanh, bền vững, lâu dài.

Vũ Ngọc Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI