Hoàn thành tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chậm nhất vào năm 2030

19/02/2025 - 09:36

PNO - Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài hơn 390 km, phấn đấu hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết,
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Nghị quyết đưa mục tiêu hoàn thành tuyến đường sắt chậm nhất vào năm 2030 - Ảnh: Media Quốc hội

Sáng 19/2, với 455/459 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (TP Hải Phòng). Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km. Chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km.

Tuyến đường sắt này đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng;

Quy mô dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.

Dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công.

Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, ông Lê Quang Tùng - Tổng thư ký, Chủ nhiệm Quốc hội cho biết, Dự án được Chính phủ nghiên cứu theo nguyên tắc ngắn nhất, thẳng nhất có thể và đã được sự thống nhất của các địa phương có Dự án đi qua.

Có ý kiến đề nghị làm rõ suất đầu tư Dự án và so sánh với tuyến đường sắt Viêng Chăn – Boten, Ủy ban thường vụ cho hay, tuyến đường sắt Viêng Chăn - Boten dài 418 km có chi phí đầu tư 5,96 tỉ USD, suất đầu tư quy đổi 16,77 triệu USD/km. Theo đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với suất đầu tư khoảng 15,96 triệu USD/km, tương đồng với suất đầu tư một số dự án tham khảo trong khu vực.

Bên cạnh đó. việc so sánh suất đầu tư giữa các dự án chỉ mang tính tham khảo do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm triển khai, công nghệ, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng, khả năng nội địa hóa.

Về tiến độ thực hiện Dự án, một số ý kiến đề nghị làm rõ thời điểm hoàn thành Dự án; xác định rõ thời gian thực hiện đầu tư hoàn thiện tuyến đường sắt theo quy mô đường đôi.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Nghị quyết vừa được thông qua đã quy định phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.

Để bảo đảm tiến độ cho Dự án, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp, chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai công việc này như: giao địa phương thực hiện; chỉ định thầu; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Dự án đi qua triển khai xây dựng khu tái định cư cho Dự án trên cơ sở hồ sơ thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; cho phép các tỉnh, thành phố được ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án...

Tuy nhiên, trong các bước tiếp theo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xác định phạm vi thu hồi đất để bảo đảm mặt bằng triển khai thực hiện Dự án.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI